03/07/2024 11:21 GMT+7

Xe tự chế, xe ba gác, xe... mù vẫn vi vu chạy lụi trên đường

Không khó để bắt gặp xe tự chế, xe ba gác 3 - 4 bánh chở hàng cồng kềnh chạy vi vu trên đường phố TP.HCM.

Xe ba gác chở những sắt dài ngoằng chạy trên đường số 1, phường Linh Tây, TP Thủ Đức - Ảnh: MINH HÒA

Xe ba gác chở những sắt dài ngoằng chạy trên đường số 1, phường Linh Tây, TP Thủ Đức - Ảnh: MINH HÒA

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã có nhiều kế hoạch, tập trung xử lý xe 3 - 4 bánh tự chế nhưng chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Vì sao?

"Rất nguy hiểm"

Phần lớn những xe tự chế đều cũ và không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Có những xe chỉ còn lại khung sắt trơ trụi, không đầy đủ đèn và còi, không gắn biển số… vẫn được tận dụng để chở hàng cồng kềnh, quá khổ.

Xe chở hàng cồng kềnh vẫn nghênh ngang trên đường TP.HCM

Mặc dù đã bị cấm và thường xuyên được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến và bị xử lý nhưng hiện nay các xe tự chế vẫn chạy nhiều ngoài đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.

Những ngày cuối tháng 6, trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM như đường Gò Dưa, quốc lộ 13… (TP Thủ Đức), đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh… (quận Bình Thạnh), đường Hải Thượng Lãn Ông, Hồng Bàng… (quận 5), quốc lộ 22, quốc lộ 1… (quận 12) vẫn xuất hiện nhiều xe tự chế, xe ba gác chở sắt thép dài ngoằng và tấm tôn sắc bén chạy trên đường khiến người khác không dám đi gần, nhiều người cảm thấy "lạnh gáy".

Một cảnh sát giao thông cho rằng phần lớn các xe tự chế, xe ba gác chạy trên đường hiện nay đều không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và không được kiểm định từ rất lâu. Các xe tự chế chạy trên đường đều chạy "lụi".

"Những xe ba gác máy trước đây được sử dụng thí điểm hiện không cho lưu thông, nhưng nhiều người vì cuộc sống mưu sinh vẫn sử dụng để chở hàng hóa. Những xe này thường không đảm bảo an toàn kỹ thuật nên chạy ngoài đường rất nguy hiểm", vị này chia sẻ.

Xe ba gác trên đường

Xe ba gác trên đường

Khó xử lý

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào ngày 27-6, thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết 6 tháng đầu năm 2024 lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt hơn 8.500 xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh, tự chế, xe mù.

Trong đó có tới 1.621 xe không có đăng ký, gần 6.000 trường hợp chở quá khổ giới hạn, hàng hóa cồng kềnh…

Không chỉ tuần tra xử lý trên đường, thời gian qua cơ quan chức năng cũng tập trung kiểm tra xử lý cả những nơi độ chế xe 3 - 4 bánh tự chế.

Đơn cử như ngày 11-6, Đội cảnh sát giao thông An Sương thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM phối hợp Công an huyện Hóc Môn kiểm tra các cơ sở nghi vấn "độ, chế" xe đẩy tay, xe lôi tự chế của 3 cơ sở hàn sắt thép.

Trong đó tại cơ sở ở xã Xuân Thới Đông có hai cái lôi tự chế, không có giấy tờ liên quan, các đơn vị chức năng đã lập biên bản tạm giữ.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, việc cấm lưu thông tuyệt đối các loại xe này ở khu vực trung tâm TP cũng mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, xe tự chế 3 - 4 bánh dễ lắp ráp, có giá thành tương đối rẻ, thường hoạt động ở chợ, hẻm nhỏ, hoạt động nhanh để thu lợi nhuận. Nhiều trường hợp bị xử lý, tịch thu xe nhưng người dân vẫn tiếp tục mua mới để chạy.

Dù bị cấm nhưng xe tự chế vẫn chạy ngoài đường gây nguy cơ tai nạn giao thông - Ảnh: MINH HÒA

Dù bị cấm nhưng xe tự chế vẫn chạy ngoài đường gây nguy cơ tai nạn giao thông - Ảnh: MINH HÒA

Cần sự phối hợp của các cấp, các ngành

Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông, thời gian qua lực lượng CSGT các đội - trạm thuộc phòng đã tăng cường công tác phối hợp với lực lượng trật tự đô thị, công an địa phương… tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường đảm trách, khi phát hiện những trường hợp xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh đều xử lý.

Tuy nhiên để việc xử lý xe tự chế đạt hiệu quả, cần phải có sự phối hợp của các cấp các ngành.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Do người dân dùng xe tự chế phần lớn là người lao động, lực lượng CSGT sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền hướng đến những người này.

Ngoài ra còn cần kiểm tra, xử phạt ngay từ các cơ sở sản xuất, chế tạo, mua bán, kinh doanh xe tự chế, buộc họ cam kết không sản xuất và bán loại xe này... Việc xử lý triệt để từ "gốc" sẽ giúp giảm dần tiến tới không còn xe 3 - 4 bánh tự chế gây mất an toàn giao thông trên đường.

Đình chỉ sử dụng từ năm 2008

Năm 2007, Chính phủ ban hành nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó yêu cầu từ năm 2008 đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh.

Tại TP.HCM, UBND TP cũng có chính sách hỗ trợ những người chạy xe 3 - 4 bánh chuyển đổi nghề… Tuy nhiên vì tính tiện lợi, giá thành rẻ nên nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng xe 3 - 4 bánh tự chế.

Một bất cập phát sinh trong khi TP.HCM không cấp phép cho loại xe này thì các tỉnh thành lân cận vẫn cấp phép nên người dân đăng ký xe ở các tỉnh này rồi lại mang xe vào TP.HCM chạy ngang nhiên trên đường.

Vi phạm bị tịch thu xe

Theo nghị định 100/2019 được sửa đổi bởi nghị định 123/2021, phạt tiền 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Ngoài ra người lái xe mô tô, xe gắn máy vi phạm hành vi trên còn bị tịch thu xe, tước giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Xử phạt nghiêm xe chở hàng cồng kềnhXử phạt nghiêm xe chở hàng cồng kềnh

Người đàn ông đi xe máy chở chiếc bình gas công nghiệp trên đường Võ Chí Công. Chiếc bình gas được cột ngang xe, trong khi phần đường dành cho xe máy ở đây rất hẹp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp