Giáp xe tăng càng tăng khả năng chống đạn thì đạn chống tăng càng biến hóa để xuyên giáp. Cấu tạo xe tăng phát triển đến đâu, đạn chống tăng rượt đuổi tới đó. Và đó là hình ảnh xe tăng bị tên lửa vác vai bắn cháy hàng loạt ở Ukraine hiện nay, kể cả những loại tăng hiện đại nhất.
Ngày 15-9-1916 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ nhất (năm 1914 - 1918) và lịch sử chiến tranh: lần đầu tiên xe bọc thép xuất hiện trong trận chiến sông Somme ở miền Bắc nước Pháp.
Xe tăng đầu tiên ra trận
Trong tác phẩm Xe tăng trong đại thế chiến, TS sử học Paul Malmassari (Pháp) - nguyên trung tá chỉ huy trung đoàn xe tăng - ghi nhận thật ra khái niệm về xe bọc thép đã xuất hiện từ xa xưa. Vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Polyeidos người Hy Lạp đã chế tạo một loại tháp lớn được gọi là "helépolis" (tiếng Hy Lạp có nghĩa là người công thành).
Tháp công thành có 9 tầng bịt sắt cao 40m, rộng 21m, nặng 180 tấn, di chuyển bằng bánh xe, chở theo 200 quân áp sát tường thành để tấn công.
Sau đó, quân La Mã đã sử dụng tháp công thành trang bị lá chắn lắp thêm máy phóng. Đến thời Trung cổ, người Séc và người Ba Lan đã biến xe ngựa nhà nông thành "pháo đài xe ngựa". Vào thế kỷ 15, thiên tài Leonardo da Vinci ở Ý từng phác thảo mẫu xe chiến đấu bọc thép hình nón di chuyển bằng hệ thống bánh răng nối với bốn bánh xe do 8 người điều khiển.
Sau khi các phát minh về động cơ đốt trong và bánh xích ra đời ở đầu thế kỷ 20, các nguyên mẫu xe bọc thép chiến đấu bánh xích đầu tiên mới xuất hiện.
Ngày 20-2-1915, Hải quân hoàng gia Anh thành lập Ủy ban Tàu đổ bộ với chủ trương cải tiến máy kéo nông nghiệp thành xe chiến đấu bọc thép. Cuối cùng Ủy ban Tàu đổ bộ phải dừng dự án vì bánh xích quá cồng kềnh còn bánh xe khổ lớn lại quá yếu, để tập trung nghiên cứu các nguyên mẫu nhỏ hơn.
Cuối năm 1915, Anh thử nghiệm xe bọc thép Little Willie (nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng Mark I sau này). Đầu năm sau, Văn phòng Chiến tranh đặt hàng 150 xe.
Với ý định mở cuộc tấn công quy mô lớn sử dụng số lượng lớn xe bọc thép để quân Đức không kịp trở tay, Anh đã giữ bí mật tuyệt đối quá trình sản xuất nên gọi xe bọc thép là "tank" (nghĩa là "bồn chứa") để gián điệp Đức tưởng Anh sản xuất bồn chứa nước cho quân đội.
Ngày 15-9-1916, lần đầu tiên xe bọc thép Mark I của Anh ra trận trong trận liên quân Anh - Pháp tấn công quân Đức tại Flers-Courcelette (tỉnh Somme).
Báo Le Matin (Pháp) xuất bản vào hôm sau mô tả: "Trời vừa rạng sáng, quân Đức đã gặp bất ngờ lớn. Những con quái vật khổng lồ bằng thép xông tới giữa các toán quân liên quân. Đây là xe ôtô bọc thép mới được Anh chế tạo trong điều kiện bí mật tuyệt đối và bây giờ mới xuất đầu lộ diện.
Xe có hình dạng phía trước như đinh thúc ngựa chạy trên vùng đất bị bom đạn cày xới, vượt qua mọi chướng ngại vật, cán lên hàng rào kẽm gai như trò chơi trong khi các khẩu súng bí mật từ hai bên sườn xe khạc ra cơn mưa đạn".
Xe tăng thế hệ Mark I của Anh có dáng thuôn dài, nặng 30 tấn, dài 8m, rộng 4m, được đẩy tới bằng bánh xích. Xe không có tháp pháo, chỉ được phủ một lớp lưới thép được cho là bảo vệ khỏi lựu đạn. Kíp lái 8 người gồm 1 chỉ huy, 1 lái xe, 4 xạ thủ cho hai tháp pháo và 2 người phụ trách bánh xích.
Xe tăng đời đầu Mark I của Anh năm 1916 - Ảnh: Getty Images
Phá cuộc chiến giao thông hào
Trận đánh Flers-Courcelette vào tháng 9-1916 kéo dài một tuần, cuối cùng không thể phá vỡ phòng tuyến Đức. Tác phẩm Chiến tranh xe tăng 1916 - 1918 của TS sử học - cựu đại tá Henri Ortholan (Pháp) nhận xét xe tăng Mark I của Anh chiến đấu rất đáng thất vọng.
Xe không vượt qua nổi địa hình gồ ghề, lầy lội, chiến hào, sông suối mà chủ yếu do bề mặt tiếp xúc giữa bánh xích với mặt đất không lớn. Xe tăng di chuyển không nhanh hơn binh sĩ đi bộ (khoảng 5km/h) và chỉ đi được 40km. Bánh xích yếu đến nỗi phải thay sau mỗi 80km.
Trong tác phẩm Chiến tranh thế giới thứ nhất: 1914 - 1918, hai giáo sư Robin Prior và Trevor Wilson (Úc) ghi nhận Anh chuẩn bị 49 xe tăng nhưng chỉ 32 xe có khả năng tham chiến.
Khi trận đánh ở Flers-Courcelette bắt đầu, 7 xe không thể khởi động, hầu hết trong 25 chiếc còn lại gặp trục trặc máy móc hoặc không vượt qua địa hình hiểm trở. Chỉ có 9 xe tăng xuyên thủng phòng tuyến Đức rồi bị hư hại đến mức không thể tham chiến được nữa.
Xe tăng không thể tạo đột phá trên chiến trường do quá trình sản xuất được giữ bí mật cùng với thái độ hoài nghi của hầu hết các chỉ huy bộ binh, các binh sĩ không được huấn luyện hợp đồng tác chiến với xe tăng.
Ngoài ra, xe tăng được bố trí quá phân tán và chiến thuật "tiền pháo hậu xung" không được áp dụng để bảo vệ xe tăng. Chỉ huy các đơn vị xe tăng Anh Ernest Dunlop Swinton sau đó đã bị bãi nhiệm. Rốt cuộc xe tăng chỉ có tác dụng chủ yếu về mặt tâm lý.
Một năm sau trận đánh Cambrai ở miền Bbắc nước Pháp từ ngày 20-11 đến 7-12-1917 đã giúp Anh và Pháp phân tích sâu sắc hơn về xe tăng. Địa hình Cambrai rộng và bằng phẳng hơn. Mũi tiến công chính gồm 476 xe tăng, theo sau là 6 sư đoàn Anh.
Lính Đức sử dụng súng trường chống tăng Mauser M1918 13mm vào năm 1918 ở Pháp - Ảnh: Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia Anh
Đây là lần đầu tiên xe tăng được sử dụng với quy mô lớn trong chiến tranh. Để đối phó với hệ thống giao thông hào chống tăng rộng và sâu của quân Đức, quân Anh tập hợp xe tăng thành nhóm ba chiếc, mỗi chiếc chở theo một bó cây lớn. Xe đầu tiên vứt bó cây xuống hào để hai xe sau vượt qua. Cuối cùng xe tăng đánh tập trung đã phá vỡ phòng tuyến Đức.
Phiên bản xe tăng Mark IV hoạt động từ tháng 6-1917 có lớp giáp dày hơn, chống được đạn chống tăng của Đức. Các trận đụng độ cuối cùng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khẳng định hiệu quả của xe tăng.
Trận đánh tại Amiens (Pháp) từ ngày 8-8-1918 đã trở thành trận đụng độ xe tăng lớn nhất Chiến tranh thế giới thứ nhất với phiên bản xe tăng mới Mark V của Anh giữ vai trò chủ công.
Đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 11-1918, Anh đã sản xuất được 2.542 xe tăng trong khi Pháp chế tạo 4.146 xe tăng. Mỹ sử dụng 267 xe tăng do Pháp sản xuất trong chiến dịch lớn đầu tiên trong trận Saint-Mihiel vào tháng 9-1918. Đức không tin vào hiệu quả xe tăng nên cuối chiến tranh chỉ sản xuất 20 xe tăng A7V.
Xe tăng trở thành vũ khí khắc tinh của cuộc chiến giao thông hào - Ảnh: thetimes.co.uk
Lớp áo giáp của xe tăng thời Chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ bảo vệ khỏi vũ khí nhỏ của bộ binh, súng máy và mảnh đạn pháo. Để đẩy lùi xe tăng của liên quân, quân Đức dùng loại pháo nhỏ 37mm và ném lựu đạn lên nóc xe tăng. Năm 1918, Đức phát triển súng trường chống tăng Mauser 13mm bắn đạn thép cứng có khả năng xuyên giáp 8 - 22mm.
Khi giáp xe tăng tăng độ dày từ 2,5cm lên 5cm, các loại đạn nổ tiêu chuẩn không đạt hiệu quả nữa. Muốn tấn công xe tăng đang di chuyển, các khẩu pháo to lớn lại không thể di chuyển nhanh và ẩn nấp kín đáo. Đây là lý do từ những năm 1920 - 1930, quân đội các nước đã nỗ lực thiết kế vũ khí chống tăng phù hợp hơn.
Sau chiến bại năm 1918, Đức bắt đầu xây dựng nhiều sư đoàn thiết giáp đáng gờm. "Thời của xe tăng" đã đến trong Thế chiến thứ hai.
Kỳ tới: Xe tăng tung hoành trong trận chiến Kursk
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận