Xé rào, bứt phá và luật riêng cho TP.HCM - Đó là những vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM trăn trở và được nhiều lãnh đạo, đại diện bộ ngành trung ương góp ý, chia sẻ tại hội nghị góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM ngày 7-8.
Lãnh đạo TP.HCM trao đổi với các đại biểu góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP - Ảnh: HỮU KHOA |
Thu hút nguồn lực đầu tư cho xã hội của TP là tương đối tích cực so với các địa phương khác, nhưng nguồn lực cho phát triển TP vẫn còn hạn chế. TP mong rằng có những vấn đề mới nào cần thử nghiệm, cần phát triển thì trung ương cho TP làm để có thực tiễn. Sau đó tổng kết để tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhằm phát huy được sự năng động của TP |
Ông Võ Văn Thưởng (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) |
Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - nói trong 40 năm qua TP được nhắc tới như một đơn vị có truyền thống “xé rào”.
Nhưng “Chúng tôi cũng suy nghĩ là khi đụng tới chân tường mới xé rào bứt phá hay trong mọi hoàn cảnh đều có thể xé rào bứt phá. Xã hội hiện nay phát triển rất nhanh, các nhà nghiên cứu nói rằng phải bứt phá khi chưa cần bứt phá, chứ đợi tới lúc phải bứt phá rồi mới bứt thì không kịp nữa. Và TP thấy rằng nếu có điều kiện thì phải bứt phá ngay khi thực tiễn đặt ra chưa bức bách. Đây là mong muốn rất lớn của TP” - ông Võ Văn Thưởng trăn trở.
Phòng thí nghiệm tại Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM được đầu tư 10 triệu USD. Sẽ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy khi “Thung lũng Silicon Việt Nam” ra đời - Ảnh: Đình Dân |
Không đợi đến chân tường mới “xé rào”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trước khi đưa ra góp ý đã dẫn lại câu chuyện ngoại giao thú vị vừa diễn ra: Thủ tướng Anh David Cameron đã chọn TP.HCM là TP duy nhất ngoài thủ đô mà ông đến thăm trong chuyến công du Đông Nam Á.
Ông Sơn nói đó là một biệt lệ, thời gian ngài thủ tướng Anh dành thăm TP.HCM ngang với thời gian thăm Hà Nội vì thủ tướng Anh cho rằng TP.HCM là điểm quan trọng nhất trong hành trình kết nối kinh tế Việt Nam và Anh.
“Trong 30 năm đổi mới, TP.HCM đã luôn là hình mẫu trong những câu chuyện ngoại giao, đã hỗ trợ rất nhiều các hoạt động đối ngoại và chúng tôi cảm ơn TP.HCM vì điều đó” - ông Bùi Thanh Sơn nói.
Có những việc không phải là “xé rào” mà là thực tiễn đặt ra yêu cầu. TP.HCM là nơi luôn đi đầu, làm trước, đặt nền tảng cho những vấn đề lý luận của Đảng. Với vai trò đầu tàu, TP.HCM định hướng phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh là rất đúng đắn |
Ông TRẦN HỒNG HÀ (thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường) |
Lời cảm ơn ấy là cách nhập đề thuyết phục cho góp ý của thứ trưởng Bộ Ngoại giao về dự thảo báo cáo chính trị. Ông Bùi Thanh Sơn nói ông ấn tượng và cổ vũ TP phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh... như trong dự thảo vì phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Ông Sơn đề nghị TP cần cụ thể hóa một số giải pháp về kinh tế, gắn các yếu tố phát triển vùng và hội nhập quốc tế, với mục tiêu phải ngang bằng ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) và phải đưa ra những tiêu chí cụ thể vào dự thảo.
Chia sẻ câu chuyện “xé rào”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói: “Tôi hiểu một cái áo may chung cho 63 tỉnh thành thì cũng có sự không phù hợp. Tôi hiểu TP muốn có đặc thù. Do đó trong báo cáo chính trị phải làm rõ mối quan hệ giữa TP với trung ương để xem đặc thù đó là gì”.
Ông Ngọc cũng nhìn nhận Bộ Chính trị đã có nghị quyết 16 cho TP.HCM để phát triển nhưng dường như vẫn chưa đủ.
“Như vậy có cần luật riêng cho TP.HCM? Hiện nay chỉ mới có Luật thủ đô. Liệu có thể thuyết phục được việc này?” - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đặt vấn đề và giải đáp một phần câu hỏi trên bằng phân tích: “Cơ chế cho TP.HCM chỉ dừng lại ở tầm nghị định thì vướng luật, dễ bị tuýt còi. Nếu TP đánh giá thấu đáo và có định hướng về một đạo luật riêng cho TP thì đây là việc khả thi”.
Đột phá bằng kinh tế tri thức
“Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức là con đường duy nhất” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định.
Minh chứng cho đánh giá này, ông Đông nói TP.HCM hãy nhìn lại quá trình phát triển của Singapore trong 30 năm qua.
Khi đảo quốc này phát triển kinh tế dựa vào tận dụng lao động, GDP không vượt được qua ngưỡng 5.000 USD/người/năm. Đến giai đoạn công nghiệp hóa cũng mất gần chục năm Singapore mới đạt mức GDP 10.000 USD/người/năm. Chỉ khi vận hành nền kinh tế tri thức thì Singapore đã bứt phá với GDP vượt hơn 50.000 USD/người/năm.
Theo ông Đặng Huy Đông, TP.HCM hoàn toàn làm được như Singapore, thậm chí không cần chờ đủ ba giai đoạn mà bước ngay vào phát triển kinh tế tri thức. Lý giải, ông Đông nói thị trường vùng kinh tế phía Nam với hơn 40 triệu dân gắn chặt với TP.HCM, trong khi Singapore chỉ có 4,5 triệu dân và phải mở rộng thị trường kinh tế tri thức ra ngoài nước.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông cho rằng để phát triển kinh tế tri thức thì TP phải thể hiện được sự minh bạch và hợp lý trong đầu tư công. “TP phải tạo cho người dân cơ hội được cung cấp sản phẩm dịch vụ theo xu hướng xanh, bền vững” - ông Đặng Huy Đông đề nghị.
Ông Đông dẫn chứng, có tiếp xúc với một doanh nghiệp VN đang hợp tác với Nhật và thấy rằng họ có khả năng làm riêng phần đường hầm của dự án tàu điện ngầm chỉ hết 20 triệu USD/km. Nếu mạnh dạn áp dụng thì VN chỉ cần mua đường ray với đoàn tàu nữa, giá thành 1km đường sắt đô thị không đến 200 triệu USD/km như hiện nay.
Ảnh: Hữu Khoa |
Xé rào là một điều đáng khuyến khích, phải thấy việc xé rào là tốt, thay đổi quy định cũ, cơ chế chính sách, luật pháp để phù hợp với sự phát triển. Cái gì cũng chờ đợi thì mất thời cơ và ảnh hưởng đến sự phát triển. Cá nhân tôi ủng hộ việc thử nghiệm, xé rào. Chúng tôi vẫn thường lấy TP.HCM ra làm ví dụ để thuyết phục các cơ quan thay đổi các quy định, cơ chế chính sách |
Ông NGUYỄN QUÂN (bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ) |
Riêng đê kè các dòng kênh trong các dự án vệ sinh môi trường theo giá dự án của Ngân hàng Thế giới là 150 triệu đồng/mét, nhưng có đơn vị của VN chỉ đưa mức giá 70 triệu đồng/mét và đã được Bộ Khoa học - công nghệ chứng nhận công nghệ.
Nhưng khi xây dựng các dự án theo vốn của Ngân hàng Thế giới, các công nghệ trong nước này cũng không được chọn. “Chỉ chừng đấy thôi, nếu tận dụng đã có nhiều bứt phá. Tiết kiệm được từ mấy dự án đó đã rất nhiều tiền rồi” - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Ủng hộ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân đề nghị tách nội dung về khoa học - công nghệ trong dự thảo báo cáo chính trị thành một mục riêng. Ông Quân nhận định TP.HCM sẽ đương đầu với thách thức và cơ hội trước những hiệp định thương mại tự do và TPP có thể ký kết.
Tuy nhiên, ông Quân tin tưởng vào một nền “kinh tế tri thức” khi số lượng tiến sĩ của TP.HCM dù không nhiều nhất, nhưng bước phát triển khoa học - công nghệ luôn dẫn đầu cả nước.
Các khu công nghệ cao, công viên phần mềm của TP đang là hình mẫu, vượt lên nhiều đơn vị tương tự thành lập trước đó ở địa phương khác. “Đây là bài học kinh nghiệm để chúng tôi xây dựng cơ chế chính sách” - ông Nguyễn Quân nói.
Xứng đáng là đầu tàu của cả nước Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của các bộ ngành trung ương. “Các ý kiến rất sâu sắc, từ góp ý về kết cấu bố cục đến nội dung của báo cáo chính trị, TP sẽ tiếp thu tối đa. Những kỳ vọng của các bộ ngành trung ương đòi hỏi TP phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là đầu tàu cả nước” - ông Lê Thanh Hải nói. Ông Hải cũng cho rằng việc dự báo tình hình là rất quan trọng để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra. Ông cho biết sẽ tăng thêm dung lượng tài liệu dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP để có thể đưa được nhiều hơn các nội dung đã lắng nghe sau những hội nghị góp ý. |
Thực tiễn bao giờ cũng bứt phá Chia sẻ về câu chuyện “xé rào”, Phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng nói chân thành: “Ngày xưa khi các chú bác “xé rào” luật chưa hoàn chỉnh, có thể bị trung ương phê bình thì ngồi báo cáo giải trình với Bộ Chính trị, có khi sau đó lại được cho phép. Nhưng bây giờ nếu “xé rào” thì có thể bị nói là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định này kia. Thực tế cho thấy cơ chế chính sách bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn và thực tiễn bao giờ cũng bứt phá”. Theo ông Thưởng, nên có cơ chế điều hành vùng cho TP để phát huy vai trò của TP.HCM trong vùng kinh tế, từ trước đến nay chưa có cơ chế này. Ông Võ Văn Thưởng khẳng định đối với vấn đề khai thác nguồn lực cho sự phát triển, nếu xét về tổng vốn đầu tư xã hội, TP có tiến bộ lớn. Cụ thể, trước đây 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra thu hút khoảng 8 đồng vốn của xã hội thì trong nhiệm kỳ vừa qua đã thu hút được hơn 11 đồng. Ông Thưởng cũng cho biết nếu căn cứ vào quyết toán của Quốc hội, mỗi năm TP chi khoảng 40.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 50% chi cho đầu tư phát triển. Nhưng thực tế có những tỉnh thành khác một năm đã chi khoảng 10.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận