12/12/2011 07:03 GMT+7

Xẻ núi đá vôi, voọc bạc mất "nhà"

“Nhiệm vụ bảo tồn không chỉ riêng của Công ty Holcim”
“Nhiệm vụ bảo tồn không chỉ riêng của Công ty Holcim”

TT - Vùng núi đá vôi Kiên Lương (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) có hàng trăm loài thực vật, động vật quý hiếm trong đó có loài voọc bạc Đông Dương. Tuy nhiên tính đa dạng sinh học vùng núi đá vôi Kiên Lương đang bị đe dọa...

u01XVEEc.jpgPhóng to
Nhà máy ximăng Hòn Chông hằng ngày “nuốt” dần núi đá vôi Kiên Lương Ảnh: Tấn Thái

Tại công trường khai thác, xe chở đá vôi liên tục ra vào. Gần đó, công trình Nhà máy ximăng Hòn Chông của Công ty TNHH ximăng Holcim Việt Nam (gọi tắt là Công ty Holcim) đang hằng ngày “nuốt” dần từng mảng đá khai thác từ núi Bãi Voi.

Voọc bạc mất “nhà”

Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân sống gần núi Bãi Voi, bức xúc: “Trước đây ngọn núi này cao lắm, cây cối xanh tươi, cứ chiều chiều chim, cò bay về đậu rất nhiều, thú vật trong rừng cũng rất phong phú. Tuy nhiên việc lấy đá vôi làm ximăng những năm gần đây đã san bằng tất cả cây cối trên núi. Chính vì thế những sản vật sống trên núi này cũng tuyệt chủng luôn”. Ngoài Nhà máy ximăng Hòn Chông, trong vùng còn có Nhà máy ximăng Hà Tiên - Kiên Giang công suất mỗi năm hàng trăm ngàn tấn và vì thế nhà máy này cũng góp phần xóa sổ nhiều ngọn núi đá vôi ở Kiên Lương.

"Tôi cũng như các nhà nghiên cứu đa dạng sinh học không hài lòng với cách làm của Công ty Holcim. Vì khi khai thác núi đá vôi thì công ty phải có biện pháp di dời đàn voọc bạc. Tuy nhiên điều đó chưa được thực hiện"

TS Nguyễn Xuân Niệm(phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang)

Các nhà khoa học rất lo lắng khi ngọn núi Bãi Voi được khai thác đã đe dọa trực tiếp đến 23 con voọc bạc Đông Dương đang sinh sống tại đây. Hiện nay loài voọc bạc này sống và kiếm ăn quanh quẩn trong một phần diện tích núi chưa được khai thác khoảng 15ha. Chúng đã không thể di chuyển đến nơi khác tìm thức ăn do núi bị chia cắt.

Cũng trong quần thể núi đá vôi Kiên Lương, núi Khe Lá đang bị khai thác làm nguyên liệu ximăng. Tại ngọn núi này có đến 78 con voọc bạc sinh sống. Theo TS Nguyễn Xuân Niệm - phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang, việc Công ty Holcim khai thác đá vôi đã làm cho đàn voọc ở núi Bãi Vôi và Khe Lá bị đe dọa. “Công ty Holcim phải có trách nhiệm “cứu” đàn voọc bạc 23 con tại núi Bãi Voi. Còn tại núi Khe Lá có đến 78 con voọc sinh sống và đáng lẽ ra công ty khi khai thác phải có trách nhiệm bảo vệ nhưng họ vẫn chưa có biện pháp nào khả thi. Trước thực tế đó chúng tôi phải nghiên cứu tìm “nhà” mới cho voọc bạc” - ông Niệm cho hay.

Không chỉ là mất núi

Ông Phan Văn Hùng, phó giám đốc ban quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà, cho biết voọc bạc Đông Dương là loài linh trưởng quan trọng có thể xem là loài tiêu biểu của khu vực núi đá vôi Kiên Lương và là một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Cho đến nay số lượng voọc bạc Đông Dương ở Việt Nam chỉ mới được xác định tại hai địa điểm là vườn quốc gia Phú Quốc và các núi đá vôi Kiên Lương. Ông Hùng nói: “Do tính chất cấp bách cần phải bảo vệ đàn voọc bạc, nên tôi đang làm đề tài nghiên cứu khu vực núi Hòn Chông để di dời đàn voọc bạc từ núi Khe Lá sang”.

Theo Viện Sinh học nhiệt đới và nhiều tài liệu nghiên cứu vùng núi đá vôi Kiên Lương, hệ thực vật được ghi nhận có 322 loài, 31 loài thú, 114 loài chim, 17 loài bò sát... Khu vực núi đá vôi Kiên Lương là nơi có sự đa dạng về loài và mức độ đặc hữu rất cao như: sóc đỏ, thu hải đường Bà Tài, bầu rượu. Đặc biệt gần 500 loài ốc chân đốt đã được thu thập nhưng phần lớn chưa định danh được.

Theo TS Niệm, trên thế giới núi đá vôi không còn nhiều, qua đánh giá của các nhà khoa học thì núi đá vôi Kiên Lương có tính đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới của vùng khí hậu nhiệt đới. Có những loài các nhà khoa học phát hiện chưa có trên thế giới, nhất là những loài côn trùng và ốc. “Hiện nay việc khai thác đá vôi diễn ra ở nhiều khu vực đã tạo ra thách thức rất lớn đến môi trường và nguy cơ lớn nhất là suy giảm tính đa dạng sinh học của hệ thực vật, động vật vùng núi đá vôi Kiên Lương. Việc khai thác đá vôi ồ ạt như hiện nay không chỉ mất núi đá vôi và kéo theo mất luôn tính đa dạng sinh học, những loài động thực vật chỉ sống được ở núi đá vôi vĩnh viễn không còn. Trước thực tế bức xúc này, chúng tôi kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang tiến hành thành lập ngay khu bảo tồn núi đá vôi trước khi quá muộn” - ông Niệm nhấn mạnh.

Vi phạm nhưng không phạt được!

Trước thực trạng tính đa dạng sinh học núi đá vôi Kiên Lương bị xóa sổ dần, UBND tỉnh Kiên Giang đã có chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh thành lập khu bảo tồn núi đá vôi. Về vấn đề này, ông Thái Thành Lượm (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang) cho biết đang trong giai đoạn nghiên cứu xúc tiến thành lập khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương. Theo ông Lượm, khu bảo tồn này thành lập dựa trên các ngọn núi đá vôi còn sót lại trong vùng và khu vực rừng phòng hộ Hòn Đất - Kiên Hà, trong đó có núi Hòn Chông.

Cũng theo ông Lượm, việc cấp phép khai thác đá vôi cho Công ty Holcim do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép cách đây đã trên 15 năm. Khi khai thác, Công ty Holcim có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tính đa dạng sinh học. “Tuy nhiên hiện nay về lĩnh vực môi trường nếu vi phạm thì chúng tôi xử phạt được, còn về lĩnh vực đa dạng sinh học có vi phạm nhưng chưa phạt được do luật đa dạng sinh học dù có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể” - ông Lượm nói.

Chiều 11-12, ông Nguyễn Công Minh Bảo - giám đốc bộ phận phát triển bền vững Công ty TNHH ximăng Holcim Việt Nam - cho biết trong quá trình khai thác núi đá vôi khu vực Kiên Lương, Công ty Holcim đã có tính đến phương án bảo tồn tính đa dạng sinh học nơi đây, cũng như đàn voọc bạc.

Theo ông Bảo, từ năm 2008 Công ty Holcim đã bỏ ra kinh phí mời các chuyên gia của Viện Môi trường nhiệt đới, Tổ chức bảo tồn nhiên nhiên quốc tế đến tìm phương án bảo vệ tính đa dạng sinh học vùng núi đá vôi Kiên Lương. Đồng thời đã ký kết với Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học núi đá vôi khu vực Kiên Lương. Tuy nhiên hiện nay khu bảo tồn này chưa được chính quyền địa phương thành lập. “Việc tìm phương án bảo tồn đàn voọc cũng như sự đa dạng sinh học vùng núi đá vôi Kiên Lương không chỉ riêng nhiệm vụ của Công ty Holcim, mà còn của các công ty khác đang khai thác trong vùng. Ngoài ra, cần có sự chung tay giúp sức của người dân địa phương, chính quyền địa phương” - ông Bảo nói.

“Nhiệm vụ bảo tồn không chỉ riêng của Công ty Holcim”
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp