Phóng to |
Những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ trên vùng Bảy Núi - Ảnh: H.Vũ |
Bảy Núi - An Giang là một vùng bán sơn địa. Từ xa xưa, nơi đây toàn là rừng rậm âm u, núi rừng hiểm trở. Ngày nay, Bảy Núi gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã trở thành đô thị miền núi văn minh và lịch sự và là điểm đến của nhiều tour du lịch sinh thái tuyệt vời nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử và một nền văn hóa đậm đà bản sắc dận tộc, nổi bật là lễ hội đua bò và hoạt động của loại hình xe ngựa trên vùng Bảy Núi.
Bảy Núi - một thời xe ngựa
Từ xa xưa, đa số bà con người dân tộc trên vùng Bảy Núi - An Giang sống bằng nghề nông - lâm kết hợp và thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, cây củi ra chợ mua bán, trao đổi mà phương tiện phổ biến nhất vẫn là xe bò và xe ngựa. Gần một thế kỷ trôi qua, bà con hai huyện miền núi đã gắn bó thân thiết với con bò và con ngựa cũng như người đồng bằng sông nước gắn với hình ảnh con trâu và chiếc xuồng.
Vào những ngày lễ tết và hội hè, nhất là lễ hội vía Bà, vía Phật Thầy Tây An du khách đổ về núi Cấm sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc xe ngựa chất lỉnh kỉnh đầy trái cây, rau củ, gia súc và các sản vật núi rừng chạy lộc cộc trên những hương lộ kèm theo những tiếng nhạc ngựa dồn dập từ xa.
Phóng to |
Xe ngựa chở hàng hóa trên vùng Bảy Núi - Ảnh: H.Vũ |
Phóng to |
Bến xe ngựa tại chợ Chi Lăng, vùng Bảy Núi - An Giang - Ảnh: H.Vũ |
Người Sài Gòn - Gia Định gọi xe do ngựa kéo là xe thổ mộ (voiture trainée par un cheval). Người miền Tây gọi xe ngựa (Voiture à cheval). Xe thổ mộ là loại xe một ngựa kéo bắt nguồn từ loại xe song mã (Voiture à deux cheveaux) theo kiểu dáng Pháp được cải tiến cho phù hợp với địa hình và sở thích của người mình: Sài Gòn nhớ vị cá tra,Cái xe song mã chén trà Nhất Thiên (*) (Thơ Tản Đà) |
Đặc biệt tại vùng Bày Núi - An Giang, thời xa xưa người ta chưa có khái niệm về “xe” nên bà con gọi là “đi ngựa”, “đi bò” chứ không gọi xe ngựa và xe bò. Sau nầy xe ngựa phát triển ngày càng nhiều nên mói gọi xe ngựa.
Nhiều tài liệu còn ghi chép Sai Gòn, Gia Định và một số tỉnh miền Tây như An Giang, Cần Thơ, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre… là những nơi xe ngựa hoạt động thịnh hành nhất. Có lẽ miền Tây hiện nay chỉ vùng Bảy Núi là còn sót lại những chiếc xe ngựa với kiểu dáng thô sơ.
Khác hơn xe ngựa Đà Lạt và Bình Dương - một loại xe có thùng cây, mui và chỗ dựa chắc chắn - xe ngựa vùng Bảy Núi do người Khmer chế ra rất đơn giản, mui trần, bánh cây, không tay vịn, người ngồi không quen cứ lắc qua lắc lại cơ hồ như muốn ngã. Mãi đến sau năm 1954 bánh xe bằng cây mới được thay thế bánh bơm nên chạy nhanh và êm hơn.
Khi xe chạy, người cầm cương (xà ích) (**) thường hóp còi bí bo lại còn gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng leng keng thật lạ và êm tai.
Trước đây, tại các tỉnh miền Tây có loại xe ngựa kiểu dáng Pháp, chuyên dùng chở khách và hàng hóa nhưng loại xe này đã vắng bóng từ sau năm 1965. Thế rồi, lịch sử cũng có lúc phải sang trang. Kể từ năm 1955, những chiếc xe Lambretta ba bánh lần luợt xuất hiện đã khiến cho xe ngựa ở các tỉnh miền Tây dần dẩn vắng bóng.
Cho đến khoảng năm 1966, những chiếc Honda Nhật ồ ạt nhập qua Việt Nam, tạo cơ hội cho nhiều người cải tiến xe lôi đạp thành xe lôi máy. Lúc đó các loại xe cổ lổ sỉ miền Tây mới thật sự nhường chỗ cho các phương tiện hiện đại hơn. Tuy nhiên xe ngựa vùng Bảy Núi vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay, dù có giảm đi khá nhiều.
Hồn phách - và sức sống mới của một vùng đất
Ngày nay, mỗi lần về huyện Tịnh Biên và Tri Tôn - An Giang nghe tiếng lộc cộc trên đường hòa cùng tiếng nhạc ngựa, lòng tôi lại cảm thấy nao nao như được sống lại một thời tuổi thơ êm đềm. Loại hình xe ngựa này tồn tại cho đến hôm nay là do tính đặc trưng của một vùng rừng núi và nhu cầu sử dụng của người địa phương.
Xe ngựa Bảy Núi chủ yếu để chở người và hàng hóa từ các phum sóc xuống các phố huyện và chở hàng công nghệ phẩm từ thị trấn ngược lên các xã miền núi. Vì phải lên, xuống dốc, đôi khi còn phải băng qua những đoạn đường đất đá chông chênh nên kiểu dáng xe ngựa nơi đây rất thấp, nhỏ, gọn để tiện dụng bất cứ nơi nào. Mỗi chiếc xe ngựa có thể chở từ 500 - 800 kg hàng hóa, đặc biệt là lúa gạo, trái cây, kèm thêm vài ba người.
Các lão làng ở miền núi kể rằng trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng Bảy Núi chỉ có xe ngựa và xe bò, nhưng xe bò dùng chở các vật liệu nặng hơn như lúa, cây ván. Dọc theo những con đường dưới chân núi Dài, núi Cô Tô và núi Cấm lúc nào cũng có những chuyến xe ngựa chở đầy rau cải, măng tre, xoài, mít, gà vịt… lốc cốc trên những hương lộ.
Nhiều người kể lại thời xe lôi chưa hoạt động bà con thường lên xe ngựa ra chợ uống cà phê hoặc đi đám cưới đám hỏi cũng bằng xe ngựa. Gần đây, một vài gia đình người dân tộc vẫn còn tổ chức đám rước dâu bằng xe ngựa trong thật ấn tượng.
Phóng to |
Bà con người Khmer tổ chức lễ tết bằng xe ngựa - Ảnh: H.Vũ |
Phóng to |
Bà con người Khmer trên vùng Bảy Núi tổ chức rước dâu bằng xe ngựa - Ảnh: H.Vũ |
Từ bao đời nay, người đánh xe ngựa bao giờ cũng chậm rãi, thong dong và nhàn hạ, không vội vàng, khẩn trương như các loài xe cơ động. Những người khách ngồi trên xe cũng không có gì hối hả, họ cứ râm ran hết chuyện nầy đến chuyện nọ. Du khách đến Bảy Núi đều say mê ngắm nhìn những chiếc xe ngựa thô sơ nhưng vô cùng quyến rũ đó và thích nghe tiếng nhạc ngựa êm tai, ai cũng ao ước được đi một lần cho biết.
Đúng vậy, ai có ngồi xe ngựạ hoặc có dịp ngủ đêm từ trên đồi cao để sáng sớm ngồi uống trà thưởng thức tiếng vó ngựa hòa lẫn với tiếng reo của lục lạc trong sương sớm mới cảm nhận được sự sâu lắng của núi rừng Tây Nam.
Ông Danh Thanh Dũng, cán bộ phụ trách Văn Xã xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cho biết trước năm 1975 Vĩnh Trung có trên 100 chiếc xe ngựa, nay còn khoảng 35 chiếc. Ngoài ra tại các xã có nhiều ngưởi Khmer sinh sống như An Hảo, An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi cũng còn khoảng 40 chiếc, hầu hết đều do người Khmer điều khiển.
Nhiều người lo ngại một ngày nào đó những chiếc xe ngựa vùng Bảy Núi sẽ cùng chung số phận với những chiếc cối xay lúa, cối giã gạo và chày giã bàng lần lượt sẽ đi vào “viện bảo tàng” vì các phương tiện cơ giới dần dần thay thế cho loại xe cổ lỗ nầy.
Nhưng cũng không ít người tin rằng hình ảnh chiếc xe ngựa miền núi không bao giờ mất đi vì nó là phương tiện hữu hiệu và rẻ tiền nhứt mà không có loại xe nào thay thế được. Chính những chiếc xe nầy đã trở thành hồn và sức sống của một vùng đất.
(*) Nhất Thiên: Tên một hiệu cao lâu ở Chợ Lớn(**) Xà ích là người cầm cương ngựa. Người miền Nam gọi là xe ích - âm của chữ sais do người Pháp mượn từ tiếng Mã Lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận