Từ chối lên ô tô
Bốn con người trên chiếc xe tay ga mong manh, xiên xẹo giữa đường phố đông đúc. Tôi đi xe hơi lên phía trước đón đám trẻ lên xe đi về cùng cho an toàn. Hôm sau tôi có nói anh, cố gắng thu xếp mua xe hơi, có vướng mắc về tiền bạc nhóm bạn bè sẽ giúp.
Gia đình đông người, việc đầu tiên là nó sẽ mang đến sự an toàn hơn so với xe gắn máy, nắng mưa không còn là vấn đề, thứ hai là sự gắn kết của những thành viên trong gia đình bởi sẽ có cơ hội trò chuyện, nghe đám trẻ cười đùa và nhiều lợi ích cần thiết khác…
Anh đã đồng ý vì kinh tế gia đình anh bây giờ đã khá vững. Nhưng rồi bất ngờ anh từ chối lên xe hơi chỉ vài ngày sau đó, hỏi mới biết vợ anh, nội ngoại, hàng xóm thi nhau kể bất lợi của xe hơi và nâng tầm xe máy, không thể vượt qua các định kiến đó, anh từ bỏ cho nhẹ người vì không muốn một mình chống lại tất cả.
Những người xung quanh anh luôn bàn lùi vì cho rằng sự tiện lợi của xe máy là nhất, tiết kiệm tiền và tiện lợi trong việc di chuyển.
Bàn lùi mua ô tô, nhiều gia đình vẫn lựa chọn phương tiện xe máy để di chuyển dù đi đường dài. Ảnh minh họa
Hồi ức quá khứ
Chưa cần so sánh với những quốc gia giàu có, ngay trong chuyến công tác lần đầu tiên tới thủ đô Phnom Penh nước bạn Campuchia, bước chân ra khỏi sân bay tôi thực sự thấy ngạc nhiên bởi sự hiện diện xe hơi tại nơi đây. Ngoài đường phố phương tiện giao thông chiếm đa số là xe hơi, không tiếng còi, xe nối đuôi nhau khi dừng đèn giao thông cũng luôn giữ khoảng cách an toàn với nhau tới vài mét.
Mặc dù Campuchia tương đồng câu chuyện đường phố chật hẹp của Việt Nam, thậm chí GDP của họ còn thua Việt Nam 3 bậc tại Đông Nam Á, nhưng xe hơi của họ đã phủ kín đường phố, theo một số liệu cho thấy riêng trong năm 2016 người dân Campuchia đã đăng ký mới gần 40.000 xe hơi với dân số xấp xỉ 16 triệu dân.
Tôi chợt ước mơ rằng một lúc nào đó, đất nước chúng ta cũng sẽ được như vậy. Xe gắn máy sẽ dần biến mất hoặc chỉ dành cho những niềm đam mê môtô nhỏ bé. Một sự thật không thể phủ nhận, xe hơi che chở con người bằng lớp vỏ kim loại dày dặn còn xe máy thì không.
Có lẽ do chúng ta đã trải qua một giai đoạn dài khó khăn thời bao cấp, khi chiếc xe đạp cũng một thời là tài sản lớn trong mỗi nhà. Bước chuyển tiếp đó là thời đại xe gắn máy, khoảng thời gian này quá dài khiến xe máy trở thành điều bất di bất dịch trong văn hóa giao thông của người Việt.
Dù xe máy không thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình, thế nhưng với việc hồi ức quá khứ khó khăn đã hằn sâu trong tâm khảm. Khi có ai đó bày tỏ hoặc thể hiện việc chuẩn bị sắm xe hơi trên mạng xã hội chẳng hạn, trong nhóm bạn bè sẽ có vô số ý kiến trái chiều với những lời khuyên không nên mua, hoặc phàn nàn thái quá đổ lỗi rằng việc sở hữu nó là nguyên nhân gây kẹt xe, gây ô nhiễm môi trường.
Bàn về ô tô, 1 bàn tiến 9 bàn lùi
Đã không ít lần chúng ta cũng đã bàn luận về vấn đề cần từng bước hạn chế xe gắn máy, dần thay thế và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xe ô tô. Mới đây, một bài viết với quan điểm người Hà Nội trung bình chỉ mất 4 năm đi làm là mua được xe hơi đã gặp phải vô số ý kiến trái chiều.
Bên cạnh những lập luận phản biện gay gắt, không ít ý kiến bàn lùi về một nền văn minh ôtô thủ đô. Đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là việc bảo vệ lỗi bất cập sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc tìm cách giải quyết vấn đề.
Xây dựng văn hóa giao thông tốt hơn mới là gốc rễ để giải quyết vấn đề kẹt xe
Nhưng không có nghĩa những câu chuyện bàn lùi không có lý do. Tình trạng giao thông kẹt cứng tại các đô thị lớn là nỗi ám ảnh của người dân. Đứng ở trên cao nhìn xuống có thể nhận thấy rõ rệt sự lộn xộn chấp hành làn đường của xe hơi. Và sự xô lệch trên mặt đường nảy sinh văn hóa giao thông "điền vào chỗ trống" khi người đi xe máy không còn sự lựa chọn nào khác hoặc phải đi lên vỉa hè.
Có thể chính những điều này khiến không ít người chưa hài lòng với sự hiện diện quá nhiều ô tô trên đường phố. Nhưng điều này có thể điều chỉnh bằng xây dựng văn hóa giao thông tốt hơn, ô tô biết nhường đường, đi theo làn đường bên trái, gọn gàng, thẳng thớm, có thể chậm nhưng không bao giờ tắc.
Văn hóa giao thông đó vẫn hiện diện khá tốt ngay tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Và tất nhiên, trong một tương lai gần, người dân có quyền hi vọng vào một hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, sạch sẽ, an toàn hơn nữa.
Đối với một vấn đề, chúng ta sẽ có xu hướng chú ý đến mặt tiêu cực hơn là mặt tích cực. Đơn cử vấn đề phổ biến xe hơi, chúng ta chỉ tập trung thấy người khác đang lãng phí tiền bạc và gây kẹt xe.
Chúng ta quên rằng đó là điều tất yếu của một xã hội phát triển, chúng ta không quan tâm họ đóng góp bao nhiêu % vào việc kẹt xe, mỗi ngày những người bận rộn như họ có mặt trên đường phố bao lâu, họ đã đóng bao nhiêu thuế và việc sở hữu tài sản giá trị có xứng đáng với nỗ lực lao động của họ hay không, việc thành phố này sẽ trở nên hiện đại ra sao nếu nhiều người như họ sở hữu xe hơi.
Tiếc thay, rất ít người thấy được điều tích cực đó, họ chỉ muốn nhìn vào điểm tiêu cực để bàn lùi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận