Một ở TP.HCM bị băm nát vì nạn xe máy - Ảnh: THANH HIẾU
Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
* WAYNE JORDAN (người Anh): Quen đến mức thấy... bình thường
Sống ở TP.HCM hơn ba năm nay, tôi thường không thích đi bộ trên vỉa hè, vì nhiều người liều lĩnh chạy xe lên đây. Hành vi này có thể gây nguy hiểm và phiền phức cho người đi bộ, thế nhưng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh tượng này đến nỗi xem đó là "chuyện thường ngày".
Vậy có nên cảnh báo du khách mới đến Việt Nam bằng cách đặt biển cảnh báo ngay khi họ vừa xuống sân bay, để họ biết mà tránh tai nạn?
Chuyện xe leo lề không bao giờ xảy ra ở Anh, vì cảnh sát sẽ phạt rất nặng, đồng thời người vi phạm có thể bị tước bằng lái. Một giải pháp mà tôi cho rằng sẽ hợp lý để hạn chế nạn xe máy leo lề ở TP.HCM nói riêng và các TP lớn ở Việt Nam nói chung là nâng cao nhận thức của mọi người thông qua việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội...
* JOHN LIM (người Singapore): Cha mẹ làm gương về an toàn giao thông
Tôi không hề thích đi bộ ở một số TP lớn tại Việt Nam, đặc biệt là khi đi với hai con, bởi cảm thấy rất nguy hiểm. Ngoài việc phải vất vả đi qua những chỗ gạch lát vỉa hè bị vỡ, bong tróc hay "ổ gà", tôi còn phải cẩn thận né các "chướng ngại vật" do các cửa hàng bày ra trên vỉa hè.
Không chỉ vậy, ở TP.HCM còn chứng kiến cảnh xe máy, xe hơi, thậm chí xe buýt lấn lên vỉa hè. Tôi thấy tức giận vì hành vi thiếu suy nghĩ và ích kỷ của những người lái xe đó, thất vọng vì họ hoàn toàn coi thường sự an toàn của người khác.
Tôi nghĩ, người đi xe máy sai luật phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ thiệt hại nào gây ra. Nhưng vấn đề hơi phức tạp vì hành vi đó đang được "khuyến khích" thông qua việc thực thi luật không nghiêm, và vỉa hè được thiết kế cho xe máy rất dễ leo lên.
Chính quyền nên thực hiện một số biện pháp để nâng cao nhận thức và cải thiện tình hình. Ví dụ như thực thi luật nghiêm minh để mang lại trật tự cho đường phố và vỉa hè, thay đổi cơ sở hạ tầng vỉa hè để chống xe máy chạy lên một cách dễ dàng, xây dựng thêm bãi đậu xe tại những vị trí quan trọng, thu phí tượng trưng để người ta không còn "cớ" đậu xe trên vỉa hè nữa.
Báo chí, trường học, gia đình cũng có vai trò trong việc xây dựng và khuyến khích hành vi tốt. Báo chí có thể nhắc nhở liên tục về việc sử dụng đường phố an toàn cho tất cả người đi đường.
Cha mẹ có vai trò lớn hơn và quan trọng trong việc giáo dục thế hệ tương lai. Nếu cha mẹ chạy xe chở con mà vi phạm Luật giao thông, leo lề, không đội nón bảo hiểm..., con trẻ cũng sẽ làm như vậy khi chúng lớn lên.
Ở Singapore, khi tôi còn nhỏ, nhà trường luôn dạy về an toàn giao thông. Chúng tôi học về hành vi tốt và xấu của người đi đường. Chính quyền cũng treo poster và quảng bá trên đài phát thanh, tivi về an toàn giao thông, những điều nên và không nên làm.
Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là thi hành luật một cách nhất quán và bền bỉ. Khi chính phủ cho thấy họ nghiêm túc với thông điệp giao thông của mình, người dân sẽ làm theo.
* GILANG RAMADHAN (người Indonesia): Lề đường đa mục đích - tại sao không?
Tôi rất thích đi bộ, và ở thủ đô Jakarta (Indonesia) nơi tôi sống, đi bộ nghĩa là bạn phải chấp nhận rằng đôi khi mình phải đi chung với cả xe máy. Ngoài vấn đề ý thức của người lái xe, kẹt xe và đường quá chật chính là một trong các lý do người lái xe máy phải leo lên lề đường.
Ở Indonesia, chính quyền đã thảo luận về kế hoạch tối đa hóa chức năng của lề đường từ lâu. Ý tưởng là lề đường phải có thể phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng hài hòa. Do đó, về cơ bản không ai phản đối việc chạy xe máy trên lề đường.
Tuy nhiên, những người lái xe máy không tuân thủ Luật giao thông và thiếu ý thức vẫn khiến người dân bức xúc, nhất là khi họ lấy mất cả lối đi của người khuyết tật.
Ở nước tôi, có những nơi được gọi là lề đường chỉ là một mẩu bé xíu xiu. Nhiều đoạn lề đường được lót bằng đá/gạch kém chất lượng khiến lề đường nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng dẫn đến việc đi bộ trở nên khó khăn hơn.
Những điều trên đòi hỏi vai trò tích cực của chính quyền, đặc biệt trong việc truyền thông, xử lý các vi phạm kịp thời và sửa chữa, bảo dưỡng để lề đường luôn trong tình trạng có thể sử dụng được cho mọi người.
Một đô thị hiện đại, nhân văn phải là một đô thị thân thiện với người đi bộ, đa chiều dựa trên các nhu cầu của cư dân.
* DOLLAWAT KANCHANAPENKUL (người Thái Lan): Thái Lan cũng nhiều xe máy, nhưng hiếm leo lề
Ở Thái Lan, người dân cũng sử dụng xe máy khá nhiều, nhưng bạn hiếm khi chứng kiến cảnh leo lề. Lý do là cơ sở vật chất ở nước tôi khác các bạn.
Ví dụ, phần đường của người đi bộ ở thủ đô Bangkok được làm khá cao so với lòng đường nơi xe máy và ôtô chạy, nên việc leo lề gần như không thể. Chính quyền ở Bangkok cũng thiết kế khá nhiều chỗ đậu xe, cả cho xe hơi và xe máy, nên hiếm khi thấy xe máy đậu trước các cửa hiệu, hàng quán.
Để Bangkok "trật tự" không hề đơn giản. Trật tự này mới chỉ có ở Bangkok ba năm trở lại đây, nhờ chính quyền phối hợp với các cơ quan chức năng giáo dục, truyền thông cho người dân, đồng thời mạnh tay phạt những người vi phạm.
Cảnh sát luôn được các cơ quan chức năng khác giám sát để đảm bảo họ không ăn hối lộ hay "bỏ qua" cho người vi phạm giao thông.
Để Việt Nam có thể thay đổi thói quen này, tôi nghĩ cần có giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, cũng như Bangkok, cần tuyên truyền và thông báo với người dân đâu là những hành vi trái với quy định pháp luật để họ thay đổi hành vi.
Đối với giải pháp dài hạn, chính quyền cần tìm hiểu nguyên nhân chính và gốc gác của vấn đề. Một trong số đó có lẽ là việc sử dụng quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân, và có quá ít người đi bộ khiến nhiều lề đường trở nên trống trải.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần phát triển một hệ thống giao thông công cộng chất lượng và thuận tiện với người dân để giảm phương tiện cá nhân. Đồng thời, cần thiết kế nhiều chỗ đậu xe thuận tiện để người dân tạo cho mình thói quen sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận