Bởi đối chiếu số liệu từ thiết bị giám sát hành trình, nhiều xe vừa vi phạm tháng trước, bị tước phù hiệu kinh doanh nhưng ngay tháng sau đã tiếp tục vi phạm tốc độ từ hàng trăm đến cả ngàn lần chỉ trong một tháng.
Vượt tốc độ cả ngàn lần, tài xế xe khách vẫn nhơn nhơn!
Sở GTVT Quảng Ngãi qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã phát hiện trong tháng 5, đội xe khách trên địa bàn tỉnh này đã có hàng chục phương tiện với hàng ngàn lượt vi phạm về tốc độ.
Như đội xe khách của HTX dịch vụ vận tải Miền Trung (trụ sở TP Quảng Ngãi) có ba phương tiện vi phạm tốc độ trong quá trình vận chuyển hành khách trên đường. Chỉ trong một tháng, xe 76B-011.11 di chuyển gần 7.000km nhưng vi phạm tốc độ hơn 200 lần; xe 76B-011.55 cũng vi phạm tốc độ hơn 300 lần. Các xe này từng chạy quá tốc độ và bị thu hồi phù hiệu vào tháng 4.
Cũng trong tháng 5, hãng xe khách chất lượng cao Việt Thắng (thị xã Đức Phổ) có bốn phương tiện đều cán mốc chạy "hết ga hết số" vài trăm lần/tháng. Đáng lo nhất là các xe này từng bị Sở GTVT Quảng Ngãi thu hồi phù hiệu trong tháng 4, song đến tháng 5 các xe này tiếp tục tái diễn vi phạm tốc độ.
Trong thời gian qua, Quảng Ngãi đã tước phù hiệu hàng loạt doanh nghiệp, nhà xe kinh doanh vận tải chạy quá tốc độ. Thế nhưng giải pháp này xem ra chưa đủ sức nặng, xe vừa trở lại hoạt động, tài xế đã "tăng tốc" bất chấp các hình thức chế tài.
Hãng xe khách Chín Nghĩa (TP Quảng Ngãi) tháng 4 đã bị Sở GTVT Quảng Ngãi thu hồi phù hiệu của 16 xe khách chạy quá tốc độ. Thế nhưng tháng 5 lại có 11 xe khách vi phạm tốc độ. Trong đó có đến bảy xe bị tước phù hiệu vì lỗi chạy quá tốc độ vào tháng 4 và đến nay lại tái diễn.
Việc thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải xem như giải pháp chấn chỉnh việc phóng nhanh vượt ẩu. Nhưng đối chiếu số liệu từ thiết bị giám sát hành trình có thể thấy chế tài này chưa đủ nặng để "giữ chân ga" của tài xế chậm lại. Còn chủ xe buông lỏng quản lý, giám sát và xử lý tài xế chạy quá tốc độ.
Theo tìm hiểu, Sở GTVT với vai trò quản lý nhà nước, tiếp nhận dữ liệu xe vi phạm tốc độ đã ra văn bản nhắc nhở chủ phương tiện. Quyết định thu hồi phù hiệu cũng chỉ mang tính "răn đe" bởi sau thu hồi hai ngày, chủ xe sẽ đến bộ phận một cửa của sở để đăng ký cấp lại phù hiệu. Hình thức xử lý này quá nhẹ nên chưa đủ tính răn đe chủ xe, tài xế.
Phạt nguội, tước giấy phép lái xe?
Luật sư Lê Minh Hương (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm sau khi các phương tiện đã vi phạm mà không được phát hiện trực tiếp. Trong đó dựa theo hình ảnh, dữ liệu, thiết bị nghiệp vụ theo quy định thu thập được lỗi vi phạm sẽ gửi về cho trung tâm xử lý chủ phương tiện vi phạm và tài xế.
Căn cứ điểm a khoản 1 điều 6 nghị định 135 thì những hình ảnh xe chạy quá tốc độ được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình có thể làm bằng chứng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành phạt nguội.
Tại khoản 2 điều 4 thông tư 15 của Bộ Công an sửa đổi bổ sung thông tư 65 có quy định: Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính thì thực hiện xử lý kết quả thu thập bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật thiết bị nghiệp vụ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Việc người bị phạt nguội không cư trú tại địa bàn phát hiện vi phạm có thể sẽ được chuyển kết quả phạt nguội về địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện nơi cư trú để xử lý.
Theo luật sư Hương, hoàn toàn có thể phạt nguội chủ xe và tài xế vi phạm tốc độ từ thiết bị giám sát hành trình.
Luật sư Hương viện dẫn điểm b khoản 9 điều 22 nghị định số 10 của Chính phủ thì xe ô tô kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu nếu có từ năm lần vi phạm tốc độ/1.000km khi trích xuất dữ liệu giám sát hành trình.
"Bên cạnh đó việc tước phù hiệu căn cứ vào khoản 8 điều 80 nghị định 100, thì cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu nhà xe cung cấp thông tin tài xế chạy quá tốc độ để tước giấy phép lái xe có thời hạn.
Đối với trường hợp chạy quá tốc độ được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở để giải quyết.
Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm", luật sư Hương nói.
Cùng với đó, tại điểm b, c khoản 11 điều 5 nghị định 100 có quy định: Người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm tốc độ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 tháng đến 4 tháng tùy mức độ vi phạm.
Bên cạnh tài xế, thiết bị giám sát hành trình còn là chứng cứ để xử phạt chủ xe. Bởi tại điểm i khoản 4 nghị định 100 có quy định: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải không xây dựng quy trình bảo đảm an toàn giao thông hoặc xây dựng nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.
"Đối chiếu quy định trên, trường hợp tài xế lái xe vi phạm tốc độ liên tục được thể hiện trong giám sát hành trình thì nhà xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, nhà xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải từ 1 đến 3 tháng", luật sư Hương nói.
"Trong đó, cần xử phạt nguội như ngành công an đang làm, có như vậy mới hạn chế phương tiện vi phạm về tốc độ, nhất là phương tiện chở khách", ông Thư nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận