Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết một số doanh nghiệp vận tải phản ánh thời gian qua xe khách hoạt động theo tuyến cố định chưa được đi vào các tuyến cao tốc mới khai thác.
Lý do là xe khách tuyến cố định chạy theo hành trình qua từng tuyến đường cụ thể được Bộ Giao thông vận tải công bố theo danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Xe chạy tuyến nào sẽ phải có mã QR trên phù hiệu các sở giao thông vận tải cấp cho xe thể hiện hành trình cụ thể của xe.
Ví dụ, xe khách tuyến cố định từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) đến bến thành phố Vinh (Nghệ An) hiện có hành trình: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cao Bồ - Mai Sơn rồi đi theo quốc lộ 1 về thành phố Vinh.
Do vậy, khi xe đi hết cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn mà chuyển sang đi vào cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (là ba đoạn cao tốc mới khai thác) thay cho quốc lộ 1 để về Vinh sẽ bị cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt do đi sai hành trình.
Tương tự, nhiều xe khách tuyến cố định ở phía Nam cũng chưa được đi vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… Các công ty vận tải Kumho Samco Buslines, Phương Trang - Futa BusLines đã đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải cho phép xe tuyến cố định được đi vào đường cao tốc mới.
Trước kiến nghị trên, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các sở giao thông vận tải đồng ý với đề xuất cho phép xe khách tuyến cố định được hoạt động trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, giảm thời gian đi lại.
Để thực hiện, bộ đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định lập danh sách xe; tổng số chuyến/tháng có nhu cầu chạy trên hành trình có đoạn tuyến đi trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác gửi sở giao thông vận tải hai đầu tuyến trước khi hoạt động trên đường cao tốc.
Các sở giao thông vận tải tiếp nhận đề xuất trên và chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình… Đồng thời, gửi danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã, theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định đến cơ quan công an cấp tỉnh để phối hợp kiểm tra, xử lý.
Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các sở giao thông vận tải tổng hợp danh mục tuyến có điều chỉnh hành trình có đoạn tuyến đi trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác gửi Cục Đường bộ Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ rà soát, tổng hợp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đối với các tuyến cố định vào phụ lục quyết định của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại lần công bố định kỳ gần nhất.
Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến.
Định kỳ hằng năm, sở giao thông vận tải hai đầu tuyến thống nhất xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh và Cục Đường bộ tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục mạng lưới tuyến.
Nếu có phát sinh như: có tuyến đường mới, bến xe mới đưa vào khai thác, bến xe ngừng hoạt động hoặc do các phát sinh khác dẫn đến phải cập nhật, bổ sung vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thì sở giao thông vận tải hai đầu tuyến báo cáo Cục Đường bộ tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận