Container xe Kia Soluto được đưa lên tàu chuẩn bị xuất khẩu sang Myanmar - Ảnh: THACO
Các doanh nghiệp này cơ bản đều tham gia được chuỗi sản xuất linh kiện hàng hóa cho các doanh nghiệp lớn, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng để tăng xuất khẩu.
Lội ngược dòng
Dù chịu tác động dịch COVID-19, Thaco Trường Hải vẫn đều đặn xuất khẩu ôtô, sơmi rơmooc, linh phụ kiện sang Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar... như chưa hề có dịch. Phương thức xuất khẩu của Thaco hiện nay là xuất khẩu theo sự phân chia thị trường và kiểm định chất lượng từ đối tác là các hãng ôtô mà công ty nhận chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất và phân phối sản phẩm.
Nắm bắt thời điểm Chính phủ Myanmar tăng cường các biện pháp để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 với chính sách thông thoáng hơn, nhu cầu mua xe của khách hàng cũng tăng, cuối tháng 8 vừa qua Thaco đã "xuất ngoại" 80 xe Kia Soluto.
Những tháng trước đó, đơn vị này vẫn miệt mài xuất khẩu ôtô, linh kiện phụ tùng... sang các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Philippines.
Nhiều năm qua, hầu hết xe du lịch nhập khẩu vào thị trường Việt Nam là từ Thái Lan. Tuy nhiên nay đã khác khi Thaco lội ngược dòng xuất khẩu hàng chục xe du lịch Kia Grand Carnival hồi tháng 7-2020 qua nước được mệnh danh là "Detroit của châu Á" này...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Thaco - cho biết khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu sang Thái Lan là chính sách và thủ tục nhập khẩu tương đối khắt khe hơn so với các thị trường khác ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, xe du lịch Kia Grand Carnival được Thaco sản xuất và xuất khẩu qua Thái Lan đạt tiêu chuẩn chất lượng Kia toàn cầu và đạt tỉ lệ nội địa hóa (RVC) trên 40%, với thuế suất nhập khẩu là 0% theo Hiệp định ATIGA nên giá bán thấp hơn so với xe nhập khẩu từ Hàn Quốc. Vì vậy, xe đã đáp ứng được các yêu cầu từ phía Thái Lan.
Chúng tôi nghiên cứu đặc điểm các thị trường có tiềm năng, xây dựng các dự án xuất khẩu khả thi, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt tại từng thị trường...
Ông Phạm Văn Tài (tổng giám đốc Thaco)
Vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, Thaco đã tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ôtô quốc tế sản xuất tại Việt Nam như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), đồng thời xuất khẩu ôtô, linh kiện phụ tùng sang các nước ASEAN
"Chúng tôi nghiên cứu đặc điểm các thị trường có tiềm năng, xây dựng các dự án xuất khẩu khả thi, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt tại từng thị trường... Đồng thời Thaco gia tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực (RVC) để hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định ATIGA trong khu vực ASEAN" - ông Tài nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nửa mừng nửa lo trước làn sóng di chuyển, mở rộng đầu tư ngoài Trung Quốc nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu. Nhiều quốc gia đang có lợi thế hơn hẳn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...
Tuy vậy, ông Tài lạc quan cho rằng đây chính là cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh và tập trung nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư để có thể đáp ứng và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Xác định từ năm 2003, ông Tài cho biết Thaco đã xây dựng chiến lược tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu chiến lược là nội địa hóa sản phẩm ôtô và xuất khẩu linh kiện, phụ tùng bằng các giải pháp: nhận chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ các tập đoàn lớn trên thế giới, đầu tư xây dựng các nhà máy hiện đại để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và giá thành của thị trường xuất khẩu.
Theo ông Tài, Thaco lựa chọn hình thức sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn theo tiêu chuẩn toàn cầu để tham gia chuỗi sản xuất ôtô thế giới thông qua các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là phát triển các sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Xóa bỏ "điểm tắc" xuất khẩu
Ông Đ.V.C. - tổng giám đốc một công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng điện, cơ khí (Q.12, TP.HCM) - cho biết đối tác châu Âu tại Việt Nam đặt lịch làm việc nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Ông C. vui nhưng không trọn vẹn bởi không ngại chất lượng, mà lo không cạnh tranh lại giá linh phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Lý do nguyên phụ liệu để sản xuất ra thành phẩm phụ thuộc nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc nên giá thành bán ra chưa thể cạnh tranh với những doanh nghiệp hoạt động cùng ngành tại quốc gia này.
Tương tự, ông Phạm Văn Tài cũng chỉ ra điểm nghẽn hiện nay là nguyên vật liệu, linh kiện là yếu tố quyết định 60-70% giá thành sản phẩm, tuy nhiên năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá thành.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các nước khác khá cao, gần gấp đôi so với các nước phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu.
"Để tháo gỡ các vấn đề này, tôi nghĩ Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích phát triển công nghệ hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn quốc tế và ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối logistics đa phương thức như đường bộ, đường biển, cảng, dịch vụ cảng..." - ông Tài đề xuất.
Đồ chơi tận dụng cơ hội xuất khẩu
Công nhân sản xuất các sản phẩm đồ gỗ cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu tại nhà máy của Nam Hoa - Ảnh: PHƯƠNG HẠ
Trong khi phần lớn các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sản xuất đình đốn, đơn hàng ngưng trệ thì thời gian qua nhà máy của Công ty CP sản xuất và thương mại Nam Hoa tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn liên tục sáng đèn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN này vẫn tăng trưởng tốt, trong đó đồ chơi bằng gỗ trong 7 tháng đầu năm tăng hơn 20%.
Theo ông Nguyễn Tiến Thọ - tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Nam Hoa, do các gia đình cách ly, nhu cầu cho trẻ em vui chơi ở nhà tăng lên khiến các đơn hàng xuất khẩu đồ chơi gỗ cao cấp đi các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật cũng tăng. Đặc biệt, các sản phẩm đồ gỗ gia dụng phân khúc cao cấp của DN này như đồ dùng nhà bếp không những giữ được nhịp độ và doanh số trong xuất khẩu mà còn tăng mạnh đơn hàng khi tăng 100% so với trước. "Các sản phẩm của chúng tôi chỉ tập trung phân khúc cao cấp nên đây là giới ít bị ảnh hưởng thu nhập, khi ở nhà họ vẫn cần cho con trẻ vui chơi cũng như tăng nấu nướng nên xuất khẩu vẫn tăng mạnh" - ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết ngay khi dịch xuất hiện, công ty đã họp và lên 4 kịch bản ứng phó, nỗ lực đẩy mạnh marketing online, giới thiệu các mẫu mã mới, quảng cáo trình độ tay nghề nhân công, năng lực sản xuất qua mạng.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến thị trường Mỹ của DN này thời gian qua tăng trưởng rất tốt, gấp hàng trăm lần so với trước. Theo ông Thọ, trước đây DN chỉ tập trung thị trường châu Âu và Nhật với sản lượng xuất khẩu chiếm đến 60% của DN, nhưng hiện nay thị trường Mỹ cũng tăng trưởng rất nhanh.
Nhờ vậy, dù có thời điểm cắt giảm nhân công nhưng đến nay công ty đã tăng tuyển dụng trở lại. "Trong bối cảnh nhiều DN còn cắt giảm nhân công, lương bổng bị ảnh hưởng thì chúng tôi đã tăng tuyển dụng, đảm bảo miếng cơm, manh áo cho công nhân và các phúc lợi họ đều được hưởng đầy đủ" - ông Thọ nói.
NGỌC HIỂN - PHAN TRÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận