Một tài xế ôtô mua bình chữa cháy để trang bị trên xe tại một cửa hàng bán phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Quy định bắt buộc xe hơi từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy có hiệu lực từ ngày 6-1 đến nay vẫn còn băn khoăn trong người dân. Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến riêng của một số người về vấn đề này.
* Ông Ngô Quý Linh (Q.Tân Phú, TP.HCM):
Chỉ nên quy định với phương tiện công cộng, kinh doanh
May là vị trí được thiết kế để chai nước ở trong xe của tôi để vừa bình cứu hỏa mini nên tôi có trang bị bình cứu hỏa, nhưng bản thân tôi thấy quy định này không hiệu quả.
Khi điều khiển ôtô chẳng may có cháy nổ, ưu tiên hàng đầu của tôi là đưa người ngồi trên xe và bản thân rời khỏi xe ngay lập tức.
Nếu có xảy ra cháy nổ, tôi không tin bình cứu hỏa nhỏ này có thể dập tắt hỏa hoạn gây ra trong cháy nổ bằng nhiên liệu xăng vốn xảy ra rất nhanh, dữ dội, lại càng lớn hơn khi bắt vào các vật liệu dễ cháy như ghế ngồi, mút...
Một khi đã cháy xe, tôi tin ít người lái xe nào còn đủ bình tĩnh tìm được bình chữa cháy để ở đâu trong xe nhằm chữa cháy hiệu quả.
Thông thường ở các vụ cháy nổ, bản thân người lái xe không thể dùng bình cứu hỏa của xe để dập tắt được hỏa hoạn, mà chủ yếu được người dân xung quanh và các lực lượng khác hỗ trợ, dập tắt bằng các bình chữa cháy lớn.
Nhà nước chỉ nên đưa ra quy định này để bảo vệ lợi ích cho cộng đồng, cho phương tiện công cộng như xe buýt, xe vận tải hàng hóa... còn các xe tư nhân nên để tự họ chịu trách nhiệm. Hơn nữa, các chủ xe cá nhân đều đã tự phòng ngừa rủi ro cho mình bằng bảo hiểm cháy nổ nên quy định này không phù hợp.
* Ông Đỗ Phước Thới (phó tổng giám đốc Công ty Comfort Savico Taxi):
Cập rập gây ra sự phiền toái không đáng có
Các taxi của chúng tôi nhập từ nước ngoài về đều được hãng ôtô sản xuất trang bị một bình chữa cháy loại nhỏ. Vì vậy chúng tôi không lo lắng khi có quy định bắt buộc phải có bình chữa cháy trên ôtô.
Tuy nhiên, bình chữa cháy này chủ yếu chữa lửa đám cháy nhỏ như tàn thuốc lá, không thể chữa cháy khi đám cháy lớn. Vì vậy trên thực tế bình chữa cháy này cũng không phải là hiệu quả lắm.
Hiện nay, nhiều ôtô ở VN không có bình chữa cháy do phần lớn xe nhập về từ nhiều năm trước. Do thông tư 57 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 6-1) quy định phải có bình chữa cháy đã dẫn đến nhiều người ồ ạt đổ xô đi mua bình chữa cháy, khiến giá bình chữa cháy tăng vọt. Theo tôi, nếu như cơ quan chức năng quy định có lộ trình thực hiện, không cập rập như hiện nay để người bán và người mua có thời gian chuẩn bị, không để xảy ra tình hình khan hiếm và đẩy giá bình chữa cháy tăng cao. Trước đây, giá một bình chữa cháy chỉ có vài chục ngàn đồng, nay tăng vọt vài trăm ngàn đồng là sự phiền toái không đáng có cho giới chạy xe.
Một tài xế mua bình chữa cháy trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
* Ông Đỗ Minh Hồ Hải (Q.7, TP.HCM):
Khi cháy, tránh càng xa càng tốt
Trong khi các nhà sản xuất ôtô chuyên nghiệp trên thế giới không thiết kế đặt bình cứu hỏa trong xe hơi cá nhân thì chúng ta lại đưa ra quy định rất không thực tế, không thuyết phục người sử dụng ôtô.
Tại các quốc gia tiên tiến ở châu Âu, Mỹ không đưa ra quy định này, mà quy định kiểu này chỉ áp dụng ở các quốc gia châu Phi vốn chỉ sử dụng các loại xe cũ, hoán cải dễ xảy ra cháy nổ.
Khi xe cháy nổ, việc đầu tiên phải làm là tìm cách thoát ra ngay lập tức, chẳng có ai lại đến lật cốp xe đang bốc khói hoặc cháy phừng phừng để dùng cái bình xịt nhỏ xíu xịt vào. Các nhà sản xuất ôtô thường khuyến cáo trong trường hợp xảy ra cháy nổ, việc đầu tiên cần làm là tránh càng xa càng tốt.
Chưa kể các bình cứu hỏa cũng khuyến cáo người sử dụng phải bảo quản ở nơi có nhiệt độ tối đa 55oC, bởi với một chiếc xe đậu ở ngoài nắng nóng thời gian dài, khi chạm vỏ bình hoặc nút bấm bằng kim loại có thể gây phỏng, gây hại cho người trong xe.
Theo tôi biết, để chữa cháy các vụ cháy bằng xăng phải có một loại hóa chất đặc biệt và người dùng còn phải được hướng dẫn sử dụng thật hiệu quả, chứ không phải dùng bình cứu hỏa nào cũng được. Tốt nhất hãy để người dân tự tìm cách bảo vệ bản thân bằng bảo hiểm cháy nổ, đừng để người dân hoang mang tự trang bị các bình cứu hỏa không đạt chuẩn chỉ để đối phó với quy định không hợp lý này.
Quy định của các nước Các quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về việc gắn bình cứu hỏa trên ôtô. Ở các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Ý, Pháp… người sở hữu xe hơi cá nhân không cần có bình cứu hỏa trên xe, nhưng nhà chức trách khuyến cáo đó là việc cần thiết. Chỉ có taxi và phương tiện vận tải cỡ lớn phải có bình cứu hỏa. Ở Canada, xe thương mại có trọng lượng dưới 2.500kg không cần gắn bình cứu hỏa. Xe có trọng lượng từ 2.500kg đến dưới 5.000kg phải gắn một bình cứu hỏa 2,5kg. Xe có trọng lượng 5.000 - 14.000kg phải gắn bình cứu hỏa 5kg. Ở Mỹ cũng chỉ có xe tải, xe buýt… mới phải trang bị bình cứu hỏa. Tại châu Á, từ năm 2014 Sở Cứu hỏa Vientiane (Lào) đã kêu gọi tất cả xe hơi nên trang bị bình cứu hỏa, đặc biệt là xe buýt và minivan. Cơ quan này cho biết thực tế chính phủ đã có luật về lắp bình cứu hỏa trên xe hơi, nhưng phải chờ Quốc hội thông qua để thực thi. Cũng từ năm 2014, chính quyền Singapore kêu gọi người dân nên trang bị bình cứu hỏa trên xe hơi. Thống kê cho thấy năm 2013 ở Singapore có 218 vụ cháy xe hơi, năm 2012 là 202 vụ. Các chuyên gia giao thông Singapore cho rằng việc trang bị bình cứu hỏa cỡ nhỏ trên xe sẽ giúp người lái phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp. Nhưng họ nhấn mạnh nhà chức trách cần ra quy định rõ ràng về độ an toàn của các loại bình cứu hỏa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận