Xung quanh dự thảo nghị định xử phạt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến dư luận, Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) đưa ra câu hỏi thăm dò với ba đáp án gợi ý: 1- Ủng hộ để giảm vi phạm giao thông; 2- Cần cân nhắc bởi thu nhập của dân còn thấp; 3- Ý kiến khác.
Tính đến chiều 18-9 đã có 1.479 ý kiến tham gia trả lời. Trong đó, đáp án được nhiều bạn đọc đồng tình nhất là cần cân nhắc bởi thu nhập của dân còn thấp với 698 lựa chọn (chiếm tỉ lệ 47,2%).
Trong khi đó cũng có đến 43% bạn đọc (636 lượt người) cho rằng đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Có 9,8% (145 lượt người) chọn đáp án ý kiến khác.
Không chỉ ủng hộ hoặc chưa đồng tình với dự thảo nghị định đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, một số bạn đọc còn hiến kế đồng thời có những góp ý xác đáng cho dự thảo này.
Bạn đọc nickname Thợ Rèn viết: “Lâu nay các biện pháp an toàn giao thông được đưa ra hầu như chỉ tập trung vào người tham gia giao thông, cụ thể là liên tục tăng chế tài xử phạt, trong khi chế tài cho các yếu tố khác rất mờ nhạt, thậm chí không có quy định rõ ràng”.
Tương tự, bạn đọc Minh Châu bổ sung: “Tăng mức phạt vi phạm giao thông vì các nhà quản lý chỉ luôn đổ lỗi vi phạm giao thông do lỗi của người tham gia giao thông mà không chịu nghĩ rằng trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông vi phạm vì có lỗi của tổ chức quản lý thiếu trách nhiệm”.
Để góp phần giảm tai nạn giao thông, bạn đọc Thanh Tam hiến kế: “Tôi nghĩ chỉ phạt nặng thì không răn đe được đâu, phải có cách xử lý khác có tính giáo dục hơn. Ví dụ giữ phương tiện, cho về phòng học luật một ngày nhưng phải đóng phí học luật, xong mới được nhận phương tiện, cho ngồi nhìn những cảnh tai nạn thương tâm ở phòng CSGT, về nhà trong đầu họ sẽ nhớ lại hình ảnh ghê gớm đó mà tự sợ thôi”.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Trần Văn Hiệp kiến nghị: “Theo tôi, để giải quyết được bài toán vi phạm giao thông, trước nhất nên cương quyết loại bỏ hoàn toàn nạn mãi lộ. Thay vì chi tiền cho mãi lộ, Nhà nước dùng tiền phạt của người vi phạm đầu tư vào biển báo, biển chỉ dẫn, vạch phân làn đường... sau đó mới nghĩ đến chuyện tăng nặng hình phạt”.
Từ thực tế xảy ra ở các thành phố lớn, nhiều bạn đọc đi đến kết luận: xe đông, đường hẹp là hai lý do chính khiến người đi đường dễ phạm luật!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận