Ngày 18-7, BYD công bố giá bán ba dòng xe đầu tiên tại Việt Nam. Đây là hãng xe điện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô, sản lượng bán xe ở 88 quốc gia.
"Đã tìm hiểu thị trường Việt Nam hơn 10 năm"
BYD tung ra ba phiên bản gồm Dolphin, SUV Atto3, Seal có giá bán lần lượt là 659 triệu đồng; 766 - 866 triệu đồng và 1,1 - 1,3 tỉ đồng. Khi giá bán được công bố, nhiều người lắc đầu vì khá cao so với xe xăng, xe thuần điện cùng phân khúc của hãng khác.
Trước những thắc mắc về giá xe thuộc dạng cao so với thị trường, ông Liu Xue Liang, tổng giám đốc BYD Auto khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết đã nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tác và khách hàng suốt thời gian dài.
"Chúng tôi đã thận trọng tìm hiểu thị trường Việt Nam hơn 10 năm. Đưa ra mức giá trên tại một thị trường chúng tôi đánh giá là trọng điểm là bước đi đã được nghiên cứu kỹ lưỡng" - ông Liu nói.
Giá bán xe BYD ở Thái Lan rẻ hơn ở Việt Nam và được nhiều khách hàng so sánh. Chẳng hạn chiếc Dolphin tại thị trường Thái Lan bán 394 triệu đồng, trong khi ở Việt Nam là 659 triệu đồng.
Chiếc SUV Atto 3 ở Thái Lan giá 563 triệu đồng, Việt Nam đang chào bán 766 triệu đồng. Thực tế nhiều thương hiệu Trung Quốc giá bán không hề rẻ ở Việt Nam.
Với hai mẫu xe MG4EV và Haima 7X-E phân phối tại Việt Nam có giá bán cao hơn so với các mẫu xe thương hiệu xe xăng, dầu của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng phân khúc.
Do giá cao không bán được, vừa rồi mẫu xe Haima 7X-E đã phải giảm giá 130 triệu đồng để kích cầu nhưng cũng không giành được sự quan tâm của khách hàng.
Không phát triển trạm sạc
Nhiều khách hàng cũng băn khoăn vấn đề nạp điện cho xe Trung Quốc. Ông Võ Minh Lực - giám đốc điều hành BYD - cho biết hãng này chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng trạm sạc mà hợp tác với doanh nghiệp khác hoặc sạc tại hệ thống đại lý của hãng.
Ngoài ra khách mua xe tự sạc cầm tay hoặc bộ sạc treo tường 7kW tại nhà được hãng cung cấp khi mua xe.
Khách hàng cũng bày tỏ lo ngại tại các đô thị lớn hầu hết dân cư ở trong các nhà cao tầng, không có khả năng tự nạp điện cho ô tô của mình, trong khi đến các chỗ nạp công cộng chờ đợi rất lâu và không chủ động về thời gian cho chủ xe. Chạy xe về các tỉnh lại còn khó hơn.
"Đi xa mà không có trạm sạc, chỉ phụ thuộc vào hệ thống đại lý ít ỏi sẽ càng khó khăn cho người sử dụng. Lái xe mà thấp thỏm nhìn hết pin thì thất vọng rồi" - anh Quang Hà (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhìn nhận.
Anh Hà cho rằng muốn mua một ô tô điện mới tại thị trường Việt Nam, chắc chắn người dùng sẽ chọn xe đã có độ nhận diện thương hiệu tốt, có dịch vụ hoàn hảo và quan trọng nhất là tính tiện ích, dễ sạc khi di chuyển đường dài.
Ông Nguyễn Minh Đồng, giám đốc Công ty tư vấn công nghệ Đức Việt, khẳng định trạm sạc như xương sống của ngành xe điện. Hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết tốt thì ô tô điện mới có thể phát triển.
Trong khi đó, VinFast đang chiếm vị trí số 1 với 150.000 cổng sạc phủ đều cả nước. Hãng này vẫn tiếp tục "rót" ngàn tỉ đồng đầu tư mở rộng trạm sạc trên toàn quốc.
Theo ông Đồng, đó là yếu tố cơ bản quyết định sự thành hay bại của một thương hiệu xe điện. Và cho dù các ô tô điện đến từ Trung Quốc có giá tốt hơn nhưng không có trạm sạc, khách cũng đắn đo.
Trước đây BYD từng thông tin chi khoảng 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại Việt Nam, mong muốn điều kiện thuận lợi để đầu tư.
Tuy nhiên, sau đó hãng này "quay xe" chuyển sang Indonesia, Thái Lan, Campuchia đầu tư nhà máy rồi nhập xe về Việt Nam bán.
Trước những thắc mắc về việc có xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Liu Xue Liang cho rằng điều này cần chiến lược dài hạn và phụ thuộc vào thực tế thị trường thời gian tới.
Sức ép từ xe nhập khẩu
Xe điện Trung Quốc tạo ra thách thức và kỳ vọng ở nhiều thị trường. Sự mở rộng của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại Việt Nam diễn ra vào thời điểm dư cung ở Trung Quốc và mức thuế 100% mới được công bố ở Mỹ. Nhiều nước đã triển khai các biện pháp để bảo vệ thị trường nội địa.
Sự lo ngại này có lý do khi BYD có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống nhờ chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc. Họ tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận của ô tô thay vì chuyển chúng cho các nhà cung cấp. Giảm chi phí pin - thành phần đắt nhất của xe điện - là chìa khóa.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định các hãng xe Trung Quốc có thể sản xuất ra những dòng xe điện giá rẻ nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam thời gian tới.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng khi lộ trình của Chính phủ đến năm 2040 sẽ hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy nhu cầu về ô tô điện sẽ tăng mạnh.
Không chỉ xe điện Trung Quốc, đại diện VAMA đánh giá sức ép từ xe nhập khẩu lên xe sản xuất lắp ráp trong nước ngày càng lớn.
Ngay sau khi bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào năm 2018, nhiều sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia.
Từ năm 2025, khi thuế nhập khẩu ô tô từ EU và Anh giảm còn 30 - 35% thì lợi thế dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước càng giảm. Không chỉ vậy, ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô trong nước.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết hiện có những doanh nghiệp ô tô có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã mang các mẫu xe điện, xe hybrid thâm nhập thị trường và bắt đầu sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam.
Chẳng hạn như Công ty Hyundai Thành Công với các mẫu xe điện Ioniq5 hay xe Santa Fe hybrid.
Cũng theo ông Sáng, chỉ khi duy trì được sản xuất hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới tiếp tục đầu tư mở rộng để sản xuất nhiều hơn, nhất là các mẫu xe xanh tại Việt Nam, để tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.
VinFast phát huy lợi thế trạm sạc
Trước làn sóng xe điện Trung Quốc, VinFast đã tung "chiến thuật" khách mua ô tô VinFast từ tháng 7-2024 đến hết tháng 7-2026 sẽ được miễn phí gửi xe (dưới 5 tiếng), ưu tiên đỗ xe tại các địa điểm thuộc hệ sinh thái Vingroup và miễn phí sạc pin trong 1 năm.
Đặc biệt cư dân Vinhomes sở hữu ô tô điện VinFast còn được gửi xe và sạc điện miễn phí trong vòng 2 năm tại các bãi đỗ của Vinhomes.
Ngoài ra Vingroup còn thành lập Công ty FGF - Vì tương lai Xanh để mua bán và cho thuê ô tô điện, góp phần bình ổn giá xe điện VinFast và giảm bớt nỗi lo về việc xe bị rớt giá cho khách hàng.
Trung Quốc sản xuất xe điện nhiều nhất thế giới
Hồi tháng 4, Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery (Trung Quốc) cũng ký hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Geleximco của Việt Nam, đầu tư nhà máy sản xuất ô tô vốn 800 triệu USD tại Thái Bình.
Dù vậy các chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng xu hướng xe Trung Quốc đang ưu tiên vào thị trường xe điện.
Khoảng 10 năm trước, ô tô Trung Quốc không có chỗ đứng trên thị trường ô tô thế giới. Khi ngành ô tô thế giới bắt đầu bước sang một chương mới với cuộc đua điện khí hóa, ô tô Trung Quốc đã thay đổi.
Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhiều ô tô điện nhất thế giới, đồng thời cũng xuất khẩu nhiều nhất thế giới.
Theo số liệu mới nhất, trong năm tháng đầu năm 2024 BYD vẫn vững vàng giữ vị trí thương hiệu dẫn đầu về số lượng xe năng lượng mới bán ra trên toàn cầu với 1.191.478 xe và liên tiếp phá kỷ lục doanh số. Riêng trong tháng 6-2024, BYD đã bán ra 341.658 xe, với trung bình 11.000 xe mỗi ngày.
Khách hàng trì hoãn, chờ đợi giảm giá
Anh Trần Thanh Nguyên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng hãng xe Trung Quốc "làm giá" với người tiêu dùng khi chào bán, sau đó lại giảm giá ồ ạt. Mua trước sẽ bị hớ, xe mất giá nhanh.
Điển hình mới đây người tiêu dùng Thái Lan bức xúc khi xe điện BYD giảm giá "quá nhanh, quá mạnh" khiến khách mua xe cảm thấy bị lừa dối. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu văn phòng Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng điều tra vụ BYD giảm giá bán một số mẫu ô tô thời gian qua.
Trên các hội nhóm xe điện tại Việt Nam, từ câu chuyện xe điện BYD ở Thái Lan, nhiều khách hàng Việt Nam bày tỏ do dự, trì hoãn chờ đợi những đợt giảm giá.
Sự xuất hiện của các thương hiệu xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD, cùng với chiến lược mạnh mẽ của VinFast đang tạo nên một bức tranh sôi động cho thị trường xe hơi.
EU sẽ áp thuế mới với xe điện từ Trung Quốc
Lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu Âu bắt đầu tăng từ năm 2020 với hơn 57.000 xe. Đỉnh điểm là năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu xe điện của Trung Quốc trên toàn thế giới đạt 34,1 tỉ USD, trong đó châu Âu chiếm gần 40%, với khoảng 437.000 xe.
Để hạn chế sự gia tăng ồ ạt của xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố quyết định áp mức thuế mới đối với mặt hàng nhập khẩu này từ tháng 7-2024.
Mức thuế mới có thể lên tới 37,6% nhằm bù lại các khoản trợ cấp lớn của Chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện của nước này.
Các khoản trợ cấp cho phép các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc bán sản phẩm với mức giá thấp hơn nhiều tại thị trường châu Âu, tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Mức thuế mới sẽ dựa trên khoản trợ cấp mà Chính phủ Trung Quốc dành cho từng nhà sản xuất xe điện theo số liệu điều tra của EC. Mức thuế đối với BYD là 17,4%, Geely là 19,9%, SAIC cao hơn với 37,6%.
Ngoài ra mức thuế đối với một số nhà sản xuất xe điện có hợp tác điều tra là 20,8%, trong khi các nhà sản xuất không hợp tác là 37,6%.
Mức thuế trên là kết quả của cuộc điều tra chống trợ cấp của EC đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố vào tháng 9-2023. Mức thuế tạm thời bắt đầu áp dụng từ ngày 5-7 trong thời hạn tối đa bốn tháng.
Trong thời gian này, các thành viên của EU sẽ bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng, với hiệu lực trong vòng năm năm.
Nhưng trước đó kết quả còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đề xuất các biện pháp hiệu quả để khắc phục các hành vi cạnh tranh thiếu công bằng và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất xe điện hay không.
Trung Quốc: nhiều chính sách khuyến khích dân dùng xe điện
Bắt đầu từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu trao những khoản trợ cấp tài chính nhằm khuyến khích các nhà sản xuất xe điện chế tạo xe buýt, taxi và ô tô điện cho mục đích cá nhân. Nhờ các khoản trợ cấp này mà giá xe điện trở nên phải chăng hơn đối với người tiêu dùng trong nước.
Theo tạp chí MIT Technology Review của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), tổng cộng Chính phủ Trung Quốc đã rót hơn 29 tỉ USD cho các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế dành cho lĩnh vực xe điện trong giai đoạn 2009-2022, dành cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Người tiêu dùng được hưởng một khoản trợ cấp hoặc ưu đãi khi mua xe điện, với mức hỗ trợ tùy vào từng loại phương tiện.
Chính sách này đã đem lại thành công nhất định khi Trung Quốc ghi nhận hơn 6 triệu xe điện được bán tại thị trường nội địa trong năm 2022, chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu.
Bên cạnh các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế, Trung Quốc cũng ban hành một số chính sách khác nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Ở các TP lớn như Bắc Kinh, người dân phải chờ đợi rất lâu trong nhiều năm hoặc tiêu tốn hàng nghìn đô la để có được một chiếc biển số dành cho ô tô chạy bằng xăng. Tuy nhiên, quá trình này đã được giản lược bớt đối với xe điện.
Không chỉ vậy, Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc phát triển mạng lưới trạm sạc điện công cộng, đảm bảo người sử dụng xe điện có thể dễ dàng tiếp cận các trạm sạc trên toàn quốc.
Một số TP lớn thậm chí còn tung ra các ưu đãi riêng như miễn phí hoặc giảm phí đỗ xe dành cho xe điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận