Chiếc xe để trưng bày và chở đám cưới của ông Võ Văn Phúc (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được "chuyển đổi công năng" chở hàng cứu trợ cho bà con - Ảnh: T.B.
Đó là chiếc xe bán tải cổ màu đỏ của ông Võ Văn Phúc (phường 13, quận Bình Thạnh). Hơn 1 tháng khi dịch bệnh căng thẳng, chiếc xe trở thành "nhận dạng" quen thuộc của nhiều người dân ở TP.HCM: có nó, họ sẽ có quà cứu trợ.
"Đây là xe cổ, sản xuất tại Mỹ năm 1967. Tôi mang lên TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để làm dịch vụ ảnh cưới. Dịch giã cũng chẳng ai cưới xin nên tôi thuê cứu hộ kéo về TP tham gia những chuyến xe 0 đồng. Thay vì để đó nhìn, để không, để ngắm thì tôi nghĩ phải làm gì đó ý nghĩa. Dù xe có bị xấu, có bị hư hại nhưng nó vẫn chạy trong thời gian vô cùng ý nghĩa thì tôi chẳng tiếc", ông Phúc chia sẻ.
Ông Phúc đăng ký chiếc xe vào Hội Liên hiệp phụ nữ TP, vào Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh trên hành trình chuyến xe 0 đồng. Hơn 1 tháng nay, chiếc xe cổ lung linh trong những bộ ảnh cưới lãng mạn trở thành xe chở hàng miễn phí đi khắp nơi xa gần.
Để duy trì những chuyến xe tình nghĩa, ông Phúc tự lo xăng dầu và tạo việc làm, trả lương để giữ chân 4 người quê ở tỉnh chuyên chở hàng.
Chiếc xe cổ đi mọi ngóc ngách, con hẻm để chở hàng cứu trợ cho người dân - Ảnh: T.B.
Ướt nhẹp mồ hôi trong bộ quần áo xanh bảo hộ, anh Lý Quốc Bảo (26 tuổi, tỉnh Tây Ninh) vẫn cố lấy hơi nói thật to để bày tỏ niềm vui khi mình làm việc có ích.
"Dịch bệnh, tôi thất nghiệp. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ về quê tránh dịch vì sợ ảnh hưởng gia đình, làng xóm. May có chủ chiếc xe này tạo công ăn việc làm cho 4 anh em thay nhau chạy chở hàng. Lương, cơm ăn nước uống được chủ xe cho đầy đủ.
Đặc biệt, lần đầu trong đời tôi có một trải nghiệm, chứng kiến để nhìn nhận về cuộc sống, về sự cho đi, tương thân trong cuộc đời mà không có trường lớp, không có va chạm nào dạy được cho tôi điều này. Như hôm nay đi rất xa, tới huyện Củ Chi, nói không mệt thì không đúng, nhưng người nhận họ vui quá, khiến mình quên mệt. Xong hôm nay lại nghĩ đến ngày mai để tiếp tục", anh chia sẻ.
Anh Lý Quốc Bảo (26 tuổi, tỉnh Tây Ninh) và 4 người khác thay nhau "thồ" hàng hơn 1 tháng qua - Ảnh: T.B.
Những lần chạnh lòng khi thấy người dân ùa ra nhận "nhầm" quà ở điểm đường Phạm Thế Hiển (quận 8); hay những lần chạy trên đường, thấy xe màu đỏ là người dân ngoái cổ nhìn theo; những cái ngoắt tay ra hiệu qua chốt của lực lượng canh gác… càng khiến 4 bác tài và cả ông Phúc cảm thấy việc mình làm ý nghĩa, họ cũng thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mình may mắn có sức lực trong mùa dịch.
"Xe đẹp, xe cổ chỉ để ngắm nhưng bạn tôi vẫn chạy hết công suất. Cứ chất lên 400-500kg hàng chạy mọi tuyến đường. Ngày này đến ngày khác, ai cũng vui và mệt mỏi tan hết", anh Bảo bày tỏ.
Chị Võ Thị Phương Uyên - phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc UBND quận Bình Thạnh - cho biết hiện có rất nhiều xe hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ và chủ xe tự chịu chi phí xăng dầu.
"Nhưng xe cổ để ngắm, để trưng bày mà đem ra 'thồ' có khi đến 600kg hàng hơn một tháng nay thì chỉ có xe của chú Phúc. Nhờ chiếc xe của chú Phúc nói riêng và những chiếc xe 0 đồng nói chung, mới đem hàng cứu trợ đến tay người dân", chị Uyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận