Dự báo nhu cầu đi lại những ngày cận Tết tiếp tục tăng cao, khả năng xảy ra ùn ứ, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đã lên phương án phân luồng, xử lý khi có sự cố, kẹt xe.
Tài xế còn "ngơ ngác" với tuyến cao tốc mới
Trưa 23-1, hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được thông xe. Trong đó, đoạn đầu tuyến dài khoảng 3,4km từ nút giao Mỹ Yên (huyện Bến Lức) đến đường Lê Khả Phiêu (quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh) thông thoáng, có lác đác xe đi vào. Tương tự, đoạn cuối tuyến ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (khoảng 7km từ đường dẫn vào cảng Phước An đến quốc lộ 51) cũng vắng vẻ.
Hiện đoạn này chủ yếu kết nối trung tâm huyện Nhơn Trạch ra quốc lộ 51 đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Trong khi việc kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải đi qua BOT đường 319, đồng nghĩa tài xế tốn thêm một lần phí. Mặt khác, tuyến quốc lộ 51 vẫn khá thông thoáng nên nhiều xe không chọn vào đoạn cao tốc trên.
Ông Đặng Hữu Vị, giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), cho biết do tuyến đường mới thông xe nên lượng xe đi lại chưa nhiều, không ít tài xế còn bỡ ngỡ. Giai đoạn này, VECE chưa thu phí đường bộ. Việc đưa hai đoạn tuyến vào khai thác tạm nhằm giảm lượng xe qua các tuyến đường bộ lân cận, góp phần bớt kẹt xe.
Nội thành thông thoáng, cửa ngõ ùn ứ
Trong khi hai đoạn cao tốc mới ngày đầu thông thoáng, tại các tuyến đường khu phía đông (nút giao An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) có lượng xe tăng đột biến, gây kẹt đường kéo dài từ sáng sớm. Do cùng lúc nhiều người chọn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về quê khiến khu vực này quá tải, tạo nên cảnh ùn tắc kéo dài từ 4h sáng.
Các tuyến đường xung quanh như Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Lương Định Của, Võ Nguyên Giáp... cũng chịu áp lực lớn, hàng ngàn xe nối đuôi nhau đi chậm. Chung tình cảnh này, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hướng về các tỉnh miền Trung, miền Bắc (đoạn Đồng Nai, Bình Thuận), hay cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn nút giao An Phú đến trạm thu phí Long Phước) cũng xảy ra ùn ứ kéo dài.
Còn ở khu vực phía tây thành phố, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này cũng đã bắt đầu đông dần, có ùn ứ một số thời điểm gần giao lộ. Dự báo những ngày cận Tết nhu cầu đi lại còn gia tăng nên khu vực cửa ngõ phía đông TP.HCM, khu vực sân bay nhiều khả năng tiếp tục xảy ra cảnh kẹt xe.
Phân luồng giao thông từ xa
Để hạn chế kẹt xe những ngày cận Tết, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (đội 6) thuộc Phòng 6 Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) và cảnh sát giao thông Cát Lái đã có những phương án phân luồng từ xa, điều tiết giao thông.
Cụ thể xảy ra kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành (đoạn ngay cầu Long Thành) sẽ đóng nút giao với đường Võ Chí Công, phân luồng các xe đi ra đường Võ Nguyên Giáp, giảm tải cho đường cao tốc. Còn kẹt xe khúc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ phân luồng các xe ra quốc lộ tại các nút giao.
Đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình gần các cảng đơn vị phụ trách để lên phương án giải quyết, hạn chế ùn ứ kéo dài. Theo đó đơn vị này cũng phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn người dân đi các tuyến đường khác để tránh đi vào khu vực đang xảy ra ùn tắc.
PC08 khuyến cáo người dân vào thời điểm trước, trong và sau Tết hãy chủ động tìm hiểu về lịch trình của mình để lựa chọn hướng đi phù hợp. Trong trường hợp đã chạy vào đường đang xảy ra ùn tắc, tài xế cần làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết cũng phối hợp các đơn vị lên kịch bản phân luồng từ xa, linh hoạt đèn tín hiệu tùy tình hình giao thông thực tế.
Đồng thời tổ chức giao thông tạm thời cho một số xe vào khu vực nội thành, đảm bảo việc chở hàng hóa phục vụ Tết được liên tục. Trường hợp xảy ra sự cố, đơn vị sẽ cập nhật trên các ứng dụng như "TTGT" để người dân chú ý chọn thời gian và đường đi phù hợp. Và thông tin đến các tổ phản ứng nhanh để giải quyết kịp thời.
Xe đông hơn, đường cao tốc qua miền Trung vẫn thông thoáng
Theo ông Vương Duy Tú, giám đốc Trung tâm khai thác vận hành đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, trong những ngày qua lượng xe qua cao tốc tăng khoảng 10 - 15% so với mức lưu thông trung bình hằng ngày 7.000 lượt. Do chưa tới kỳ nghỉ Tết theo quy định của Nhà nước nên dòng xe từ Nam ra Bắc ăn Tết vẫn chưa về miền Trung nên lưu thông vẫn thông suốt. Đơn vị này cũng huy động 100% quân số bộ phận trực sản xuất.
"Năm nay chúng tôi phối hợp với CSGT hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Ngãi để đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu. Tùy thực tế trên đường cao tốc sẽ bố trí thêm người chốt ở nút ra và có đường cắt ngang để điều tiết chống ùn ứ" - ông Tú nói.
Từ cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng đến đoạn Hòa Liên - Cam Lộ vẫn còn đoạn Túy Loan - Hòa Liên dài hơn 10km đang được thi công. Trước Tết, các đơn vị thi công đã giải phóng mặt đường để tăng làn xe lưu thông trong dịp Tết. Tại tuyến đường Hòa Liên - Cam Lộ, lưu lượng xe tăng từ 20 - 30% so với ngày thường tùy từng đoạn do đường này chưa tiến hành thu phí.
Đại diện Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Thừa Thiên Huế cho biết lưu lượng xe trên cao tốc này tăng cùng với việc một số loại xe tải trọng nặng bị hạn chế đi trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ nên nhiều xe từ cao tốc rẽ xuống đường tránh Huế tăng đột biến so với ngày thường.
Người dân miền Tây có nhiều cung đường để lựa chọn về quê
Ngày 23-1, cầu Rạch Miễu xảy ra tình trạng kẹt xe từ sáng sớm do lượng xe tăng mạnh, trong đó chủ yếu là xe tải chở hàng cuối năm. Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu đã đưa ra kế hoạch giảm thiểu kẹt xe trong những ngày tới.
Cụ thể theo bà Trần Thị Kim Uyên - giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, sẽ tiếp tục cấm xe 3 trục qua cầu Rạch Miễu theo khung giờ quy định, tổ chức tuần tra 24/24, sẽ thuê xe cứu hộ túc trực để kịp thời di chuyển phương tiện nếu xảy ra sự cố. Người dân đi từ Tiền Giang qua Bến Tre có thể chọn đò, phà Bình Tân - Cửa Đại hoặc phà tạm Rạch Miễu hay phà Cây Dương, phà Sơn Định - Ngũ Hiệp...
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê trong dịp Tết, ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Khu quản lý đương bộ 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) - gợi ý tuyến quốc lộ 1 nối từ TP.HCM về đến Cà Mau chạy qua hầu hết các tỉnh thành miền Tây như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây sẽ là sự lựa chọn của số đông người dân các tỉnh miền Tây.
Trong những năm qua, do có nhiều tuyến đường khác "chia lửa" nên tuyến quốc lộ 1 đã ít xảy ra tình trạng kẹt xe. Cụ thể, N2 là tuyến đường trục dọc được nhiều người dân miền Tây chọn để về quê trong các dịp lễ, Tết những năm gần đây. Tuyến đường người dân vùng Đồng Tháp Mười như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp chọn lựa để đi TP.HCM và ngược lại. Tuyến đường này mới, mặt đường khá đẹp và thường xuyên được duy tu. Một tuyến đường khác từ TP.HCM về tỉnh Tiền Giang được nhiều người lựa chọn là quốc lộ 50.
Một điểm mới năm nay là người dân đi ô tô từ TP.HCM về miền Tây sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn khi đi trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 120km cũng sẽ góp phần chia lửa rất lớn cho các quốc lộ. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho biết vào những ngày Tết lượng phương tiện qua lại có thể lên đến 50.000 lượt mỗi ngày đêm, tuyến đường vẫn có thể đáp ứng được. Lực lượng cảnh sát giao thông, nhân viên túc trực 24/24 trên tuyến đường để kịp điều tiết giao thông khi trên đường xảy ra sự cố...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận