Thêm một tai nạn thương tâm liên quan xe thô sơ chở vật dụng khi một phụ nữ chạy xe máy trên đường 3 Tháng 2, quận 10 (TP.HCM) hôm 7-11 bất ngờ tông vào các thanh sắt trên xe xích lô và ngã xuống đường tử vong tại chỗ.
Bị công an bắt, bỏ xe, mua xe khác
Vụ việc này xảy ra vào buổi sáng, theo đó người phụ nữ (khoảng 60 tuổi) chạy xe máy trên đường 3 Tháng 2 hướng từ quận 11 đi quận 3. Khi vừa qua giao lộ với đường Sư Vạn Hạnh khoảng 100m (thuộc phường 10, quận 10) thì xảy ra va chạm từ phía sau với xe xích lô (do người đàn ông khoảng 60 tuổi đẩy bộ), trên xe đang chở các thanh sắt dài.
Theo một số người dân chứng kiến, người phụ nữ chạy xe máy đã tông từ phía sau vào các thanh sắt trên xe xích lô. Theo ghi nhận tại hiện trường, xe xích lô đang chở hơn chục thanh sắt dài, nhô ra phía sau và phía trước mỗi đầu khoảng 1,5m.
Thời gian qua mặc dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân để xử lý nhưng chiều 7-11, tại nhiều tuyến đường khu vực các quận 5, 6, Bình Tân..., nhiều xe ba gác, xe máy cũ, xe tự chế... chở những thanh sắt dài, tấm tôn sắc bén, quá khổ, cồng kềnh... nhô ra phía sau vẫn nhan nhản trên đường. Khi những xe này đi ngang, nhiều người phải né tránh.
Anh L.A.V. (30 tuổi) - chuyên lái xe máy cà tàng chở hàng ở quận 5 - cho biết được chủ thuê và giao luôn xe máy. Xe anh V. chạy không có giấy tờ và được chủ "độ" lại mạnh, chở hàng cho nhiều. "Chủ nói nếu xe này bị cảnh sát giao thông bắt là bỏ luôn, mua lại xe khác do xe này rẻ mà, có vài triệu đồng" - anh V. chia sẻ.
Một cán bộ cảnh sát giao thông của một đội ở TP.HCM cho biết từng xử lý rất nhiều trường hợp xe ba gác, xe máy "cà tàng"... chở hàng cồng kềnh. Tuy nhiên những xe này sau khi bị bắt thì chủ xe thường "bỏ rơi" vì tiền phạt còn cao hơn tiền mua xe mới.
"Nhiều người sở hữu xe cà tàng có tâm lý khi bị bắt xe thì bỏ luôn", cán bộ cảnh sát giao thông chia sẻ. Theo Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, từ đầu năm đến tháng 10-2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn TP.HCM đã phát hiện và xử lý 2.029 xe ba bánh, trong đó 704 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ giới hạn (cồng kềnh).
Người thuê chở hàng... vô can
Phân tích góc độ pháp lý, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay theo quy định tại điều 19 thông tư 46/2015/TT-BGTVT: "Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông" đối với xe cơ giới thì chiều dài hàng hóa được xếp không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe và không lớn hơn 20m.
Trường hợp khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định... Đối với mô tô, xe gắn máy thì không được phép xếp hàng hóa vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt phía sau giá đèo hàng là 0,5m...
Nếu xe ô tô, xe máy, xe gắn máy chở hàng mà vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 800.000 đến 1 triệu đồng, xe máy có thể bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. Ngoài ra, trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm khi xảy ra hậu quả, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hư hỏng tài sản, sức khỏe, tính mạng.
Trường hợp gây tai nạn bị khởi tố khi làm chết một người, họ có thể đối mặt với khung hình phạt phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu làm chết hai người thì hình phạt có thể từ 3 đến 10 năm tù, hình phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 15 năm tù.
Riêng đối với người thuê chở hàng hóa cồng kềnh, họ không phải chịu trách nhiệm về hình sự hay trách nhiệm dân sự do tài xế gây nên. Lúc này trách nhiệm bồi thường về dân sự chỉ đặt ra đối với chủ xe vì họ là chủ của nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận