Phóng to |
Chen chúc, luồn lách, xô đẩy... là những “bí quyết” để hành khách có thể giành được một “suất” trên xe buýt vào giờ cao điểm ở Hà Nội. Chỉ cần chậm chân hoặc ngại chen lấn thì nhiều người sẽ phải chấp nhận đi làm trễ, đi học muộn hoặc phải ngậm ngùi thuê xe ôm, taxi đi cho kịp giờ.
Đi xe không thở được
Vào giờ cao điểm, trạm trung chuyển Cầu Giấy thường xuyên có hàng trăm người chen nhau đứng ngồi trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường ngóng xe. Mỗi khi xe buýt đến, mọi người lại ùa ra, xô đẩy tìm lối lên xe.
Trên xe thường chật như nêm vì “nhồi” đến hơn trăm người. Hành khách phải chen lấn, xô đẩy. Phụ xe đi thu tiền vé phải luồn lách, chen bở hơi tai. “Ngày nào cũng vậy, đi xe buýt mà như hành xác, đông không thở được. Nhiều hôm đến công ty ê ẩm cả người, chân tay thâm tím” - một hành khách đang đứng bám tay vào thành ghế than thở. Nhiều hành khách thường xuyên đi xe buýt cho biết họ còn phải luôn sẵn sàng trong tư thế “nhảy” bởi lái xe thường chỉ dừng đón trả khách trong vài giây. Việc hành khách bị cửa xe buýt kẹp chân, kẹp tay, hất ngã xuống đường không còn là chuyện hiếm. Cụ Lê Phương Thảo (70 tuổi, nhà ở đường Lương Định Của, Q.Đống Đa, Hà Nội, nạn nhân trong vụ xe buýt kẹp chân hất ngã hồi tháng 10) nói: “Sau lần bị kẹp chân ngã, tôi hết vía với xe buýt”.
Một cựu giáo viên Trường THPT Thăng Long bức xúc: “Khách hàng là thượng đế mà chúng tôi đi xe buýt như được ban ơn. Nhiều phụ xe xé vé mà cứ quát “đưa tiền đây”. Có vài lần mấy cậu phụ xe bằng tuổi con tôi quát vào mặt tôi vì không chuẩn bị tiền lẻ”. Bạn Trần Thị Liễu, sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Du lịch, kể: “Xe đang đi trên đường Hai Bà Trưng thì có một bác cằn nhằn vì chưa kịp xuống tài xế đã đóng cửa. Thay vì giải thích để hành khách hiểu, tài xế lại quát mắng rồi bực bội nên phóng nhanh, phanh gấp liên tục, đến các điểm đỗ cũng không dừng lại khiến nhiều người trên xe hoảng loạn. Sau lần đó, tôi bắt đầu ngại đi xe buýt”.
Gỡ khó cho xe buýt
Lý do khách không đi xe buýt là: 65% do chờ lâu, 16% do mức độ phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn, 4% do lái ẩu |
Lý giải về việc dừng đón, trả khách vội vàng gây tai nạn, nhiều tài xế cho rằng do áp lực về thời gian phải chạy đúng ca, đủ chuyến. Tuy nhiên, lãnh đạo các xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng đây chỉ là lý do để biện minh cho sự cẩu thả của tài xế. Ông Tạ Đăng Khoa, giám đốc Xí nghiệp xe buýt 10-10, nói: “Trong mọi trường hợp, tài xế và phụ xe phải đảm bảo an toàn cho hành khách. Công việc nào cũng có áp lực, nếu tài xế làm tốt, chạy xe cẩn thận vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc và sự an toàn của hành khách. Chúng tôi luôn xử lý kỷ luật nặng những lái xe, phụ xe để xảy ra tai nạn”.
Theo ông Trần Ngọc Thành - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để hành khách không ngại đi xe buýt, cần tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng khi đi bộ tới trạm xe buýt. Biện pháp là nghiêm cấm chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe để tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận tiện và dễ dàng tiếp cận xe buýt. Ông Thành cũng đề nghị nghiên cứu biểu đồ chạy xe và điểm dừng sao cho khoảng cách từ nơi người dân ở đến bến xe buýt dưới 1km để họ chấp nhận đi bộ tới trạm xe buýt. Bên cạnh đó, cần bổ sung thông báo giờ đến của từng tuyến xe tại nhà chờ để hành khách chủ động. “Hiện nay mới chỉ có thông báo điểm đầu - cuối tuyến, nhiều khi hành khách, nhất là người từ nơi khác đến Hà Nội, muốn đi xe buýt lại thiếu thông tin lộ trình cần đi khi họ chưa biết đường trong thành phố” - ông Thành khuyến cáo.
TS Khuất Việt Hùng - trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý GTVT (Trường đại học GTVT) - cho rằng cho nếu giữ nguyên mạng lưới xe buýt, cách quản lý điều hành thủ công và điều kiện hạ tầng không ưu tiên cho xe buýt như hiện nay, như vỉa hè bị lấn chiếm, trạm dừng xe buýt bị ôtô đỗ... thì không có cách nào nâng được năng lực xe buýt. “Cần phải xác định tập trung cho phương tiện nào trên đường. Hiện nay, ôtô chiếm 10% phương tiện nhưng khi tham gia giao thông chiếm 55% diện tích đường. Nếu giảm được 20% ôtô tham gia giao thông giờ cao điểm sẽ có 11% đường dự trữ cho xe buýt” - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận