Sở GTVT nhận thấy cần phải xây dựng chuẩn chung trong quản lý, điều hành xe buýt thông qua việc ra mắt những tuyến xe buýt mẫu. Mục tiêu là dù những tuyến xe buýt khác nhau, phương tiện có khác nhau, đơn vị quản lý khác nhau thì cũng phải đảm bảo đồng nhất về chất lượng, cung cách phục vụ và đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh, lịch sự
Ông Bùi Xuân Cường
Đây là một trong những nỗ lực của ngành giao thông nhằm thu hút người dân TP tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân, cũng là kết quả bước đầu của diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân mà báo Tuổi Trẻ phát động vừa qua.
Hài lòng với xe buýt mẫu
Ba tuyến xe buýt mẫu bao gồm: tuyến số 03 (Bến Thành - Thạnh Lộc), tuyến số 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành) và tuyến số 33 (bến xe An Sương - Suối Tiên - ĐH Quốc gia).
Trong đó tuyến số 3 hiện có khoảng 11.000 lượt khách, tuyến số 18 là 12.000 lượt khách và tuyến số 33 có 25.000 lượt khách đi lại hằng ngày.
Được trải nghiệm một trong ba tuyến xe buýt mẫu trong ngày ra mắt, chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt so với những xe buýt thường. Hầu hết các xe phục vụ tuyến này là những xe mới sử dụng khí CNG, sạch đẹp và hiện đại.
Để phục vụ người khuyết tật, trên xe có trang bị dãy ghế riêng, đồng thời hệ thống loa phát tự động mỗi khi xe buýt sắp tới trạm dừng để hỗ trợ người khiếm thị.
Điểm nổi bật trên các tuyến xe này là được trang bị hệ thống WiFi miễn phí để hành khách có thể lướt web, giải trí. Trên xe còn được trang bị kệ trưng bày nhiều loại báo để hành khách tiếp cận thông tin mới nhất.
Nhiều hành khách đi xe buýt mẫu trong sáng 1-12 cũng cho biết họ hài lòng với chất lượng xe và thái độ phục vụ của nhân viên. Chị Cao Thùy Linh, đi tuyến xe buýt mẫu số 18, chia sẻ: "Hôm qua xe còn cũ kỹ thì nay đã sạch sẽ, tinh tươm.
Tôi thấy vui và hi vọng điều này sẽ được duy trì, phát huy hơn nữa, chứ đừng phát động một thời gian rồi đâu lại vào đấy".
Chị Linh cho biết đã bỏ xe máy để chọn xe buýt đi từ nhà (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp) đến nơi làm ở Q.1 hơn một năm qua và đã vận động một người thân trong gia đình làm như vậy.
Trong lúc ngồi chờ tuyến xe buýt 102 gần khu vực tổ chức lễ ra mắt xe buýt mẫu, bà Cao Thị Năm cũng nhận xét: "Nếu xe buýt nào cũng đẹp, hiện đại, an toàn, đúng giờ như xe buýt mẫu thì những người như tôi chắc chắn chọn đi thay vì đi xe máy".
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, các tuyến xe buýt mẫu ngoài yêu cầu phải đảm bảo về phương tiện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc xuất phát và đến bến đúng giờ được đặt lên hàng đầu.
Để giám sát vấn đề trên, các xe được lắp đặt thiết bị định vị GPS và hệ thống camera.
Ông Trung cũng khẳng định dù làm việc trong môi trường bị áp lực về thời gian, đặc biệt tình hình hạ tầng giao thông trên đường còn nhiều bất cập, nhưng đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ luôn phải ân cần, niềm nở khi hướng dẫn và giúp đỡ hành khách, nhất là đối với người cao tuổi, khuyết tật, thương binh, bệnh binh...
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt tình trạng quấy rối tình dục có thể phát sinh trên các tuyến xe buýt mẫu, ông Trung cho hay đã phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP, thanh tra Sở GTVT có kế hoạch xử lý vấn đề này.
Chia sẻ về lý do chọn 3 tuyến xe buýt trên làm mẫu, ông Trung cho rằng ngành đã chọn những "điểm khó" để từng bước thay đổi dần, chứ không phải chọn "hình mẫu" đã có sẵn.
Ví dụ như tuyến xe buýt số 33 (bến xe An Sương - Suối Tiên - ĐH Quốc gia) được chọn vì trước đây vốn là một trong những tuyến có nhiều người trà trộn để móc túi.
Hay tuyến xe buýt số 03 (Bến Thành - Thạnh Lộc) được chọn vì là tuyến dài, kết nối qua nhiều địa bàn từ khu vực quận 12 qua Gò Vấp, Phú Nhuận... vào trung tâm TP.
Về việc có tiếp tục nhân rộng tuyến xe buýt mẫu, ông Trung cho biết đến tháng 2-2018 sẽ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được trong quá trình triển khai để xem xét nhân rộng mô hình xe buýt mẫu.
Hành khách đi xe buýt tăng trở lại
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chia sẻ trong tình hình khách đi xe buýt sụt giảm, Sở GTVT trăn trở và triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm tăng lượng người đi xe buýt trở lại.
Trong quá trình thực hiện các giải pháp đó đã có sự thay đổi tích cực về mặt quản lý nhà nước, ở các hợp tác xã, phương tiện, bến bãi, đội ngũ phục vụ kể cả lái xe, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành...
Từ đó đã chặn được đà sụt giảm sản lượng, hành khách đi xe buýt trong năm 2017 đã tăng trở lại khoảng 1% so với chỉ tiêu đặt ra và tăng 10% so với cùng kỳ 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận