12/04/2019 05:59 GMT+7

Xe buýt, cầu bộ hành sẽ kết nối với tuyến metro số 1 thế nào?

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Trong các nghiên cứu đã tính đến phương án khai thác giao thông thủy để kết nối với metro, ví dụ thiết kế chi tiết cho nhà ga khu vực Ba Son, nhà ga Tân Cảng gần bờ sông Sài Gòn có lối dẫn từ nhà ga đến các bến tàu thủy.

Xe buýt, cầu bộ hành sẽ kết nối với tuyến metro số 1 thế nào? - Ảnh 1.

Nhà ga Bến Thành (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) nằm gần trạm xe buýt Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM (metro số 1) dự định vận hành vào năm 2020, nhưng ngay lúc này, vấn đề kết nối với metro qua mạng lưới xe buýt, BRT, cầu vượt bộ hành... đã được đặt ra, phải triển khai đồng bộ mới tạo thuận tiện cho người dân sử dụng metro.

Vậy ngành giao thông thành phố phải chuẩn bị những gì để tuyến metro số 1 vận hành tốt nhất?

Xe buýt gom khách cho metro

Tuyến metro số 1 dài 19,7km bao gồm 14 nhà ga, trong đó có 11 nhà ga trên cao (dọc theo trục xa lộ Hà Nội), 3 nhà ga ngầm khu vực trung tâm TP: Ba Son, Nhà hát TP và Bến Thành. 

Nhiều người dân rất háo hức chờ đợi được trải nghiệm đi lại trên tuyến metro đầu tiên của TP.HCM nhưng vẫn chưa mường tượng được cách tiếp cận các nhà ga này như thế nào, có thuận tiện không.

Theo ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, để giúp hành khách tiếp cận các nhà ga metro, đơn vị này được giao nhiệm vụ tái cấu trúc toàn bộ hệ thống xe buýt quanh trục metro thông qua dự án Tổ chức vận hành các tuyến xe buýt kết nối tại các nhà ga trên cao tuyến metro số 1. Dự án này được thừa hưởng và phát triển từ nghiên cứu trước đây của các đơn vị tư vấn Nhật.

Hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội (đường song song với tuyến metro trên cao) được thay đổi theo hướng từ "điểm nối điểm" sang "tuyến trục - tuyến nhánh". Việc thay đổi này nhằm đảm bảo người dân tại các địa bàn như quận 2, quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Dương... đều có thể tiếp cận được các nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt.

Ông Trung cho hay khi metro số 1 hoạt động, số tuyến xe buýt trên trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển thêm 7 tuyến buýt nhánh và 18 tuyến buýt gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách này tạo thành các đường "xương cá" kết nối vào các nhà ga metro. 

"Chúng tôi cố gắng thiết lập khoảng 500m có trạm xe buýt, để người dân dễ dàng đón xe tới thẳng các nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội", ông Trung cho hay. Các tuyến xe buýt này hoạt động trong bán kính từ 4,2 - 17,8km (một hoặc hai chiều) tính từ tâm là các nhà ga.

Theo ông Bùi Xuân Cường - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị, trong các nghiên cứu cũng đã tính đến phương án khai thác giao thông thủy để kết nối với metro. Cụ thể trong thiết kế chi tiết cho nhà ga khu vực Ba Son, nhà ga Tân Cảng gần bờ sông Sài Gòn có lối dẫn từ nhà ga đến các bến tàu thủy này.

Xây nhiều cầu bộ hành vượt xa lộ Hà Nội

Hiện nay tuyến metro số 1 được xây dựng bên phía tay trái xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn về Đồng Nai). Vì vậy ngoài phương tiện cá nhân hoặc buýt công cộng trong tương lai, người dân ở các khu dân cư bên tay phải xa lộ Hà Nội không dễ dàng tiếp cận các nhà ga theo lối bộ hành bởi việc băng ngang đường lớn, có lưu lượng giao thông cao là nguy hiểm. Tuyến xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn kéo dài đến Suối Tiên cũng ít các giao lộ để người dân có thể băng qua đường.

Để giải quyết vấn đề này, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết sẽ xây dựng hàng loạt cầu bộ hành nối trực tiếp từ nhà ga băng qua bên kia đường. Ngoài nhà ga Suối Tiên (hiện hữu đã có cầu vượt bộ hành), các ga khác như ga Khu công nghệ cao, Thủ Đức, Bình Thái, Phước Long, Rạch Chiếc, An Phú, Thảo Điền đều có cầu vượt bộ hành bắc ngang qua xa lộ Hà Nội. 

"Chiều dài của cầu vượt chưa tới 100m, hệ thống các cầu vượt này có mái che, chiếu sáng... đáp ứng nhu cầu người dân đi bộ đến các ga trong điều kiện mưa, nắng hoặc ban đêm", đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị cho hay.

Cũng theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị, hiện nay việc thi công các nhà ga đạt hơn 80% khối lượng. Riêng hệ thống cầu vượt bộ hành đang trong quá trình thiết kế chi tiết và có thể triển khai thi công trong năm 2019, đảm bảo hoàn tất trong năm 2020. 

Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng các cầu vượt này là một số vị trí "đáp" xuống vỉa hè trước mặt tiền một số nhà dân. "Chúng tôi tiếp tục vận động và nghiên cứu điều chỉnh thiết kế làm sao giảm ảnh hưởng đến mức thấp nhất", vị đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết.

Xe buýt, cầu bộ hành sẽ kết nối với tuyến metro số 1 thế nào? - Ảnh 2.

Thông tin : Q.Khải - Đồ họa: N.KH.

Văn minh lịch sự khi đi metro

Theo ông Bùi Xuân Cường, hiện nay Trung tâm quản lý giao thông công cộng đang triển khai thí điểm thẻ xe buýt thông minh. Đây là nền tảng để các đơn vị nghiên cứu tích hợp với hệ thống thẻ đi metro.

Nguyên tắc xây dựng các loại thẻ này là không bắt buộc phải dùng chung công nghệ mà quan trọng là phải tương thích với nhau, tức khách hàng có thể dùng thẻ xe buýt đi metro, BRT và ngược lại.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng - Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM - nhận định: metro là hình thức giao thông công cộng đòi hỏi rất khắt khe về kỷ luật trong tổ chức vận hành và sử dụng dịch vụ mới đảm bảo an toàn trong hoạt động và phục vụ hành khách. Do vậy, hành khách cần quan tâm đến các nội quy, quy tắc buộc phải tuân thủ khi đi metro để đảm bảo an toàn cho mình và cho các hành khách khác. Việc này đòi hỏi Ban quản lý đường sắt đô thị cần xây dựng bảng quy tắc sử dụng dịch vụ và truyền thông rộng rãi cho người dân được biết và tuân thủ.

Quý 3-2019, hai đoàn tàu metro đầu tiên về Việt Nam

Ngày 11-4, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết như trên. Cũng theo vị đại diện này, trước đó trên cơ sở đoàn tàu mô hình đưa ra lấy ý kiến (năm 2015), Ban quản lý đường sắt đô thị đã tiếp thu ý kiến, tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền thông qua phương án chỉnh sửa thiết kế để yêu cầu nhà thầu Hitachi (Nhật) điều chỉnh phù hợp.

Theo đó, màu sơn của các đoàn tàu metro vẫn giữ màu xanh da trời chủ đạo thể hiện sự hòa bình, hiện đại. Các thiết kế khác như đầu tàu, tay nắm, ghế ngồi trên tàu... cũng được điều chỉnh hợp lý hơn.

Vị đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết việc chế tạo, điều chỉnh 2 đoàn tàu hiện hoàn tất và dự kiến trong quý 3-2019 sẽ đưa về Việt Nam. Các đoàn tàu tiếp theo dự kiến sẽ được hoàn tất và đưa về Việt Nam sau đó.

Mỗi đoàn tàu bao gồm 3 toa, mỗi toa có sức chứa gần 300 chỗ. Toàn bộ tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, trong đó 15 đoàn tàu vận hành hằng ngày, 2 đoàn tàu dự phòng. Theo thiết kế, với tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/h trong đường hầm và 110 km/h trên cầu, thời gian đi từ Suối Tiên vào trung tâm TP chưa tới 30 phút.

Sớm có vốn bổ sung cho metro

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có vốn đầu tư 17.388 tỉ đồng nhưng sau đó được đề xuất nâng lên là 47.325 tỉ đồng. Do vướng mắc về mặt thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, có thời gian việc triển khai gặp khó khăn, chậm tiến độ.

Cũng vì lý do này, việc giải ngân nguồn tiếp theo cho dự án chưa thực hiện được. Đầu năm 2019, đã có chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến số 1.

Hiện các bộ ngành, UBND TP.HCM trong quá trình thực hiện việc điều chỉnh này, dự kiến hoàn tất trong tháng 6-2019 làm cơ sở cấp vốn tiếp theo cho dự án. Trong khi chờ đợi, UBND TP.HCM đã xin ý kiến trung ương tạm ứng hơn 2.235 tỉ đồng giải ngân cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tốc độ thi công.

Metro Bến Thành - Suối Tiên có tiền vẫn không xài được

TTO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tiết lộ 2 lý do chậm giải ngân vốn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa xác định rõ giá trị vay lại hoặc cấp phát từ trung ương cho dự án.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp