Lên sóng từ tháng 9-2005 đến nay, là một trong những chương trình truyền hình được yêu thích - Ảnh: HTV
Hầu hết là những ý kiến chia sẻ tình cảm và cả nỗi lo cho tương lai của chương trình mang đậm tính nhân văn này, như:
"Chương trình hay và đầy nhân văn vậy mà ngưng là tiếc lắm. Tôi mỗi lần xem chương trình là khóc" (bạn đọc Nguyễn Thị Huyền Nga).
"Một chương trình rất nhân văn. Mong chương trình có thể chuyển đổi sang một mô hình khác vẫn hướng đến người nghèo. Cám ơn êkip Vượt lên chính mình trong những năm qua..." (bạn đọc Xuân Me).
Mình cực một chút, thiệt thòi chút nhưng làm xong một chương trình có thêm một người bớt khó khăn. Hạnh phúc nhất là sau một hai năm khi chúng tôi thăm lại những trường hợp được giúp đỡ, có những người đã thay đổi cuộc sống tốt hơn.
Nghệ sĩ Đình Toàn
Có thể nói dù các game show giải trí ngập tràn và lấn át trên màn ảnh nhỏ nhưng những chương trình truyền hình nhân văn, nhân ái luôn chiếm được tình cảm của khán giả. Đó cũng là động lực, chất xúc tác để những người thực hiện chương trình vững bước dù gặp không ít khó khăn.
Quyền Lộc - đạo diễn thực hiện chương trình Tiếp sức hồi sinh và Mở cửa tương lai... - chia sẻ người gieo cho anh niềm đam mê với chương trình nhân ái chính là người anh - nghệ sĩ Quyền Linh.
"Dẫu biết làm những chương trình nhân ái không những không có lời nhiều mà đôi khi còn phải bỏ tiền túi cho những chi phí mới phát sinh, nhưng càng đi càng thấy ở những nơi vùng sâu vùng xa, người dân còn nhiều khó khăn vất vả, càng cần sự sẻ chia của cộng đồng. Đôi khi chúng tôi phải tự vượt lên chính mình. Ai cũng làm game show giải trí thì ai giúp những người nghèo đây" - Quyền Lộc trải lòng.
Nghệ sĩ Đình Toàn, tám năm gắn bó với chương trình Thần tài gõ cửa của truyền hình Vĩnh Long, được bà con miền Tây đặt biệt danh "Thần tài" của người nghèo, bộc bạch: "Vì chương trình Thần tài gõ cửa hướng đến bà con không chỉ nghèo mà còn bị khuyết tật nên làm gì chúng tôi cũng phải chậm rãi, vất vả hơn. Nếu quay chương trình giải trí một ngày được bốn số thì với Thần tài gõ cửa được ba số là tốt lắm rồi".
Một nhân vật của Thần tài gõ cửa khiến Đình Toàn nhớ mãi là một người đàn ông bị cụt cả hai chân làm nghề đánh cá trên sông. "Anh ấy nhờ móc ghe vào một thuyền lớn rồi ra sông đánh cá. Có lần gặp sóng lớn, anh ấy bị rớt xuống sông, may nhờ người đi cùng cứu lên. Tôi hỏi trong đêm tối như vậy nếu lỡ không có ai biết mà cứu thì sao? Anh ấy trả lời mộc mạc rằng "Thôi thì số của mình tới đó", nghe thương lắm!
Chúng tôi tư vấn cho anh ấy dùng số tiền có được trong chương trình để chuyển sang một nghề khác an toàn hơn. Sau đó anh ấy chuyển sang sửa đồng hồ và buôn bán cá. Sự thay đổi ấy thật sự giúp cuộc sống của anh đỡ nguy hiểm hơn" - Đình Toàn xúc động kể.
Thông qua các chương trình nhân đạo nhân ái trên truyền hình, nhiều cuộc đời chông chênh được tiếp sức. Như suốt 11 năm phát sóng trên HTV, Ngôi nhà mơ ước đã xây được 541 ngôi nhà tình thương cho người nghèo. Trong năm 2017, Cùng xây ước mơ - phiên bản mới của Ngôi nhà mơ ước - tiếp tục đến với khán giả.
Ngoài Cùng xây ước mơ, HTV hiện cũng phát sóng khá nhiều chương trình nhân ái như Xin chào cuộc sống, Ước mơ trong tầm tay, Ước mơ từ làng, Nối kết yêu thương, Yêu thương cuộc sống, Nơi yêu thương ở lại... Đại diện HTV cho biết đài vẫn rất ủng hộ và ưu tiên các chương trình nhân ái được phát sóng.
Và dù không ít chương trình truyền hình "tiếp sức" cho người kém may mắn phải dừng lại (vì nhiều lý do khác nhau), hẳn là nhiều khán giả cùng mong ước như độc giả Nguyễn Hữu Nhân: "Tình cảm yêu thương, chia sẻ, giúp nhau vượt khó khăn vẫn còn mãi".
Cùng trăn trở để giữ lửa cho các chương trình nhân ái tiếp tục cháy bền bỉ, ông Lê Quang Nguyên, giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Vĩnh Long, nhìn nhận một thực tế không phải nhà sản xuất và nhà đài nào cũng đầu tư và ưu ái khung giờ phát sóng đẹp cho các chương trình dạng này.
Tuy nhiên, người đứng đầu một đài truyền hình đang có trên 10 chương trình nhân ái phát sóng trong tuần khẳng định: "Tuy không thể kỳ vọng lượng người xem các chương trình nhân đạo, nhân ái đạt như các chương trình giải trí nhưng các chương trình này tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng".
Cũng theo lời ông Nguyên, chương trình nhân đạo, nhân ái nếu có format tốt vẫn tìm kiếm được quảng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận