Theo Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đợt triều cường hồi tháng 10-2024 làm nhiều tuyến đường tại trung tâm quận bị ngập gồm đường: Hai Bà Trưng, Châu Văn Liêm, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám…
Trong đó đường Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Lý Thường Kiệt… gần bến Ninh Kiều ngập sâu, khiến sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn. Nguyên nhân được xác định do bờ kè bến Ninh Kiều thấp nên nước tràn vào.
Mới đây Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều cho xây dựng bức tường dài 200m, cao khoảng 0,8m, đoạn còn lại khoảng 800m được đắp bao cát với độ cao 0,6-0,7m. Độ cao kè chắn nước khu vực này được nâng lên 2,5m, cao hơn đỉnh triều cường lịch sử năm 2022.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng đây không phải là giải pháp chống ngập căn cơ và đang khiến bến Ninh Kiều, một biểu tượng du lịch nổi tiếng của thành phố, ngột ngạt, nhếch nhác.
Bà Năm (sống gần bến Ninh Kiều) cho biết có bức tường nước bớt tràn qua, nhưng đoạn đắp bằng bao cát thì đi lại khó khăn. “Nhiều người lớn tuổi và khách du lịch đi qua mấy cái bao cát bị trượt té. Nhưng cũng phải chịu thôi”, bà Năm nói.
Trả lời thắc mắc này, ông Phan Thanh Điền - trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ - thừa nhận công trình xây bức tường này có kinh phí gần 100 triệu đồng, được xã hội hóa và cũng mang tính chất “chữa cháy" để ngăn triều cường từ sông Cần Thơ tràn qua bến Ninh Kiều gây ngập một số tuyến đường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tho - phó giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ - cho biết các hạng mục của dự án chống ngập của thành phố được đầu tư hàng trăm tỉ như âu thuyền, cống ngăn triều... vẫn hoạt động hiệu quả. Các tuyến đường gần bến Ninh Kiều bị ngập do bờ kè bến Ninh Kiều thấp nên nước tràn vào.
Liên quan triều cường gây ngập trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hè - phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - đã có công văn giao chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và Bình Thủy xác định nguyên nhân ngập đô thị qua các đợt triều cường cao trong tháng 10-2024.
Tương ứng với mức báo động I, báo động II và báo động III thì trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy có bao nhiêu tuyến đường, điểm bị ngập, mức độ ngập, trong đó có bao nhiêu tuyến đường, khu dân cư trong vùng dự án chống ngập của Ban Quản lý dự án ODA thành phố bị ngập.
Công tác phối hợp, huy động lực lượng hỗ trợ, khắc phục khó khăn do ngập gây ra ra sao. Các giải pháp ứng phó trước mắt và kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới...
Theo Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch thành phố Cần Thơ tiếp tục lên ở mức cao và vượt mức báo động III vào các ngày 4 và 5-11. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào lúc sáng sớm: từ 6-8h và chiều tối từ 16-20h.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận