17/10/2018 11:41 GMT+7

Xây trường từ 'cửa hàng đồng nát' online

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TTO - Những người mua hàng online của chúng tôi rất kỳ quặc, mua rất nhanh và hay tặng thêm tiền. Họ thường kỳ kèo điều duy nhất: đừng ghi tên họ khi công bố danh sách xây trường, tặng quà cho người nghèo.

Xây trường từ cửa hàng đồng nát online - Ảnh 1.

Lớp học cũ của các em nhỏ ở Mường Nhé, Điện Biên - Ảnh: THÚY ANH

Từ những đơn hàng bán bánh trung thu, kẹo lạc, túi cũ, giầy cũ, đồ cũ, dầu ăn, nem, paté, voucher tiệc chay…, trong 5 năm, đã có 4 điểm trường tiểu học ở rẻo cao được xây mới, tặng 31 con bò cái, nhiều thẻ bảo hiểm y tế, nhiều quà tết và tiền cho người nghèo chữa bệnh.

Ai tưởng tượng được đồ cũ lại thu được nhiều tiền đến thế, nhưng tôi - nhà báo - đã chứng kiến điều đó.

Ngày ấy cách đây 5 năm, năm 2013, sau 23 năm quay lại mảnh đất mình được sinh ra, tôi và các bạn đến một ngôi trường ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tôi giật mình khi thấy vách lớp thưng bằng tre, chiều cao vách chỉ tầm cậu bé lớp 1. Ngày nắng, nắng vào tận lớp. Ngày đông, gió lùa lạnh cứng tay chân, y hệt như hồi tôi còn đi học tiểu học ở đây.

Xây trường từ cửa hàng đồng nát online - Ảnh 2.

Ngôi trường nắng chiếu chói chang mùa hè, gió lùa lạnh ngắt mùa đông - Ảnh: THÚY ANH

Cùng bạn bè, chúng tôi quyết định xây dựng một điểm trường ở tỉnh Điện Biên, tính đi tính lại kỹ càng, tiết kiệm đủ mọi thứ, kinh phí xây dựng vẫn lên tới 275 triệu đồng. Đó là ngày tôi quyết định trở thành người bán hàng online.

Chúng tôi tổ chức tiệc chay, bán voucher dự tiệc chay. Phải 5 tiệc chay, mỗi tiệc bán được voucher cho hơn 100 khách dự mới thu lời được gần 100 triệu đồng. Tất cả voucher đều bán trên mạng, để người mua đỡ thiệt thòi, các chị em chia nhau vận chuyển voucher miễn phí.

Có khách mua voucher tiệc chay làm việc ở ngân hàng, chúng tôi phải "đáp lễ" bằng cách làm thẻ ngân hàng. Muốn chuyển hàng cho khách, mà nay thường gọi là "ship", chúng tôi phải đi ngoài giờ làm việc. Cứ rời cơ quan, chúng tôi đi ship hàng đến tận khuya.

Có lần trời tối như mực, khu phố chúng tôi đến không hiểu sao lại rất ít đèn đường, các chị em vẫn chưa ăn uống gì, bụng đói meo. Nhưng khi gặp được khách, chị ấy bảo ngày mai sẽ báo thêm số lượng khách dự tiệc chay, cả nhóm cười òa lên. Niềm vui chỉ giản dị như thế.

Từ ship voucher tiệc chay, giờ "cửa hàng đồng nát" đã mở ra đủ thứ, ai cho gì, chúng tôi bán nấy. Có lúc, hàng là đôi giầy một nhà hảo tâm mua nhưng đi không vừa, có lúc là cái túi xách cũ, máy sên nhân bánh trung thu bạn bè mua nhưng không dùng đến, rồi cây son, cái áo rét, bán bánh lọc bánh nậm Huế, kẹo lạc, dầu ăn, có lúc là nhang thơm loại an toàn cho sức khỏe, bán táo tươi và cả hoa tươi, đặc biệt là hai loại loa kèn và lys...

Cứ có gì bán được lấy lời, chúng tôi bán, và tất cả những gì thu được đều đem tặng. Sợ nhất là những lần bán trái cây tươi, vừa bán vừa lo. Nếu không hết hàng, nhà mình ngày mai phải ăn trừ bữa. Nhưng chẳng lần nào phải "ăn trừ" như nỗi sợ, vì tình thương yêu của mọi người không có giới hạn.

5 năm kể từ ngày bán hàng online, chúng tôi đã xây được bốn điểm trường, tặng cho người nghèo 31 con bò cái sinh sản, giúp tiền chữa bệnh cứu sống hàng chục người, tặng thẻ bảo hiểm y tế, và tặng "chuyến xe yêu thương" cho những người bệnh chuẩn bị rời xa cõi đời.

"Chúng tôi" ở đây là những người mua hàng online rất kỳ quặc. Họ mua hàng rất nhanh và hay tặng thêm tiền, họ rất hào phóng khi mua hàng và không lấy lại tiền lẻ. Họ thường kì kèo một điều duy nhất là đừng ghi tên họ khi công bố danh sách, còn "tôi" - người bán và ship hàng - là người vận chuyển tình yêu thương.

Và ở đâu đó trên rẻo cao, bốn điểm trường mới xây từ những chuyến xe long rong chuyển hàng, những mặt hàng kỳ lạ và những người mua kỳ lạ. Với người giàu có, tiền xây bốn điểm trường nhỏ xíu là không lớn, nhưng với người bán online, mấy bông hoa, quả táo, chiếc bánh ngon, đó là chuyện khó tưởng tượng.

Trong hành trình dài làm người bán hàng online, tôi có các trang báo Tuổi Trẻ - nơi mình đang làm việc - giúp sức. Mỗi ngày Tuổi Trẻ đều mang đến những câu chuyện đẹp: là Bảo Trang, cô bé 18 tuổi mồ côi, đã tự kiếm sống từ năm lớp 10 và vừa vào Đại học với điểm số cao, là câu chuyện cô tân sinh viên ĐH Y Dược Huế cõng mẹ đến giảng đường, là câu chuyện người mẹ Đậu Thị Huyền Trâm đã hy sinh cuộc đời mình để sinh ra con trai là bé Gấu giờ đã hơn một tuổi, vui vẻ và khỏe mạnh.

Cuộc đời rất đẹp nếu ta yêu và luôn khao khát tặng cho người bên cạnh, dù chỉ là một que diêm để làm sáng đêm đông, cho họ đỡ khó nhọc, bớt đi vài giọt mồ hôi, và hơn tất cả là tặng cho nhau niềm tin rằng không bao giờ tuyệt vọng.

Giờ tôi lại lo bao việc khác, khi Tuổi Trẻ Online đã trở lại.

"Trà My trên cát bỏng" tưới mầm tử tế

TTO - Trà My hôm nay không đi trên cát bỏng, mà đi về trên những con đường ở TP.HCM, những chuyến xe, chuyến bay liên tỉnh khắp Việt Nam.

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: làm từ thiện
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp