26/12/2013 07:47 GMT+7

Xây nhà vùng bão lũ

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Đó là chủ đề của cuộc tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức vào sáng nay, 26-12, tại TP Đồng Hới, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý và các chuyên gia kiến trúc, xây dựng.

lQ5JdUEe.jpgPhóng to
Nhà của người dân xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị tốc mái, ngập nước trong trận bão lũ tháng 10 vừa qua - Ảnh: Lam Giang

Tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện chính quyền từ tỉnh đến các huyện, xã của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là người dân ở các vùng bị thiệt hại nặng do bão lũ.

Nhiều câu hỏi cần lời giải

Cuộc tọa đàm sẽ tập trung vào ba nhóm vấn đề: mẫu nhà và vật liệu xây dựng cho vùng bão lũ; quy hoạch việc cư trú ở vùng bão lũ; đề xuất của người dân ở vùng bão lũ.

Đã có những câu hỏi được đặt ra từ thực tế đang chờ câu trả lời của các chuyên gia, các nhà quản lý: Những mẫu nhà nào phù hợp vùng bão lũ miền Trung? Kết cấu nào để ngôi nhà chống được lũ, chịu được bão, lại phải phù hợp với khả năng tài chính của người dân? Kiểu dáng kiến trúc nào đạt thẩm mỹ và hài hòa với kiến trúc đương thời? Những vật liệu xây dựng nào có giá thành hợp lý, phù hợp với thời tiết bão lũ miền Trung và tập quán của người dân địa phương? Bão lũ vốn là đặc tính tự nhiên của miền Trung. Tuy nhiên biến đổi khí hậu đang khiến cho diễn biến bão lũ ở đây ngày càng gay gắt hơn và không theo quy luật cũ. Nên chăng phải xem xét lại quy hoạch cư trú của người dân, có nên quy hoạch từng thôn xã theo mô hình “cụm dân cư tránh bão lũ” hay những quy hoạch khác để người dân có thể sống chung với bão lũ?...

Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói rằng cuộc tọa đàm này cần thiết, bởi rất phù hợp với tình hình thực tế của vùng nhiều bão lũ như Quảng Bình cũng như cả miền Trung. “Với sự tham gia của nhiều chuyên gia liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, hi vọng sẽ đưa ra được mô hình nhà vượt lũ chịu bão phù hợp cho người dân địa phương. Người dân Quảng Bình vốn đã khó khăn, hằng năm vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do bão lũ. Ngôi nhà là tài sản quý nhất của họ lại hay bị thiệt hại nhất. Vì vậy, nếu có thêm mô hình nhà chống chịu bão lũ, phù hợp với túi tiền của người dân và được hỗ trợ đầu tư xây dựng có chiều sâu thì quá cần thiết” - ông Hoài bày tỏ.

Hi vọng cho mẫu nhà an toàn

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội KTS VN, nói rằng cá nhân ông cũng như Hội KTS VN rất vui khi biết báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc tọa đàm về “xây nhà vùng bão lũ”, và lại tổ chức ở Quảng Bình - ngay vùng đất mà mới mấy tháng trước người dân đã trải qua bão lũ với nhiều thiệt hại nặng nề. Hội KTS VN sẽ cùng tham gia chương trình này và làm với sự đồng tình cao, đồng thời hi vọng sau đó còn có thêm các lực lượng khác trong xã hội hỗ trợ để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất cho đồng bào.

Theo ông Thông, bước đầu cần triển khai ngay một cách nhanh chóng trước khi bão lũ sắp tới với loại nhà đủ độ cứng, độ cao để chống bão và chống lũ lụt cũng như đủ diện tích để người dân sống trong lũ. Giai đoạn đầu là chống lũ, chống ngập bằng khối diện tích có hai tầng chẳng hạn. Bộ Xây dựng đã có theo hướng này, Chính phủ cũng đã quan tâm, có cả các tổ chức xã hội đã làm, chính là giải pháp cấp bách trước mắt. Về lâu dài, cần có sự tính toán kỹ hơn và phải nghĩ đến biến đổi khí hậu trên toàn thế giới đang diễn ra để tiến tới giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn. “Tôi nghĩ phải nghiên cứu thật kỹ, phải để các nhà khoa học về môi trường, vật lý, địa chất, thủy văn, xã hội... vào cuộc tổng thể, cụ thể. Cần khai thác cả kinh nghiệm truyền thống kết hợp với công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Cần chú trọng kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa trong việc lập ấp, lập làng và đã sinh sống rất bình yên ở những ngôi làng đó” - ông Thông nhấn mạnh.

KTS Lê Toàn Thắng (Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế) cho biết sẽ mang đến cuộc tọa đàm rất nhiều thông tin được rút ra từ thực tế. Đó là những kinh nghiệm trong việc xây nhà ở vùng bão lũ miền Trung. Trong đó có phân tích cụ thể các nguyên nhân khiến ngôi nhà bị gió bão phá hoại. Đồng thời, KTS Thắng sẽ trình bày phương án nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh đô thị hóa, đề xuất nhiều mô hình nhà thích ứng đã ứng dụng tại nhiều địa phương miền Trung. KTS Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM) cũng đóng góp một phương án, không phải một vài ngôi nhà mà cả một khu dân cư, một xóm làng thích nghi với bão lũ “không chỉ vững chắc mà còn phải đẹp nữa”, như lời KTS Dũng nhấn mạnh.

Đại diện người dân Quảng Bình từng sống qua nhiều mùa bão lũ, nhất là mùa bão lũ mới đây, họ sẽ đưa ra “đơn đặt hàng” cụ thể để các chuyên gia thiết kế những ngôi nhà chịu được bão, chống được lũ.

KTS Đặng Minh Nam (viện trưởng Viện Quy hoạch Thừa Thiên - Huế) đề đạt cuộc tọa đàm này cần phải đi đến một đáp số cụ thể về mẫu nhà thích nghi với bão lũ, phù hợp túi tiền người dân và văn hóa địa phương, sau đó sẽ ứng dụng ngay tại một làng xóm hay khu dân cư của Quảng Bình.

Từ đóng góp của bạn đọc thời gian qua, báo Tuổi Trẻ sẽ thực hiện chương trình giúp người dân trong vùng bão lũ miền Trung xây dựng những căn nhà chống chịu được bão và lũ.

Trong thời gian qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều chia sẻ của các chuyên gia và người dân miền Trung đóng góp cho mô hình xây nhà vùng bão lũ. Cuộc tọa đàm tổ chức tại Quảng Bình ngày 26-12 đặt mục tiêu sẽ xác định được những tiêu chí cụ thể cho ngôi nhà về thiết kế, vật liệu xây dựng... để triển khai xây dựng cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Báo Tuổi Trẻ cũng mong muốn từ những ngôi nhà mẫu này, người dân địa phương có thể dựa vào đó để xây dựng cho mình những ngôi nhà an toàn trong mùa bão lũ.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp