Thứ yêu thích của cô chỉ là một chai vang, một cái bánh phủ đầy kem tươi. Phải rồi, đã đến lúc về nhà. Nhà của mình.
Chủ nghĩa "tự thưởng"
Đó là cách nhiều người bạn của tôi chọn thành phương châm sống cho bản thân mình sau một ngày, một năm làm việc vất vả.
Điều cần làm chỉ là chút xíu khoảng lặng để bản thân được thả lỏng, một ánh nến ấm áp trong ngôi nhà nhỏ của mình, một giờ đọc cuốn sách mình yêu thích, một bó hoa mình cắm trong cái bình mình tự tặng mình. Đáng lắm chứ.
Một chị bạn khác của tôi năm vừa rồi đã dành ra hẳn những ngày suy nghĩ thật sâu về mọi thứ. Tự ghi ra những gì khiến mình mệt mỏi và những gì khiến mình vui vẻ hơn.
Cuối cùng, chị vỡ ra rằng hóa ra chính cách mình sống khiến cho mình mệt. Cái gì cũng muốn nhiều hơn mà không kiềm chế. Áo quần chỉ cần vài bộ tươm tất là đủ.
Giày dép chỉ cần vài đôi thuận tiện êm ái là đủ. Ăn uống cũng vậy, không cần phải nhét đủ thứ vào tủ lạnh rồi đến lúc dùng đến thì cái nào cũng mất đi tươi ngon.
Những điều này không phải là mới. Nhưng làm như chị bị nhiễm nặng cái gọi là "chủ nghĩa tiêu dùng" - cái gì cũng thấy thiếu, sợ thiếu. Lúc dẹp gọn lại, cho đi những thứ không cần dùng ngay. Nhìn những góc nhà trống, tủ lạnh trống, tủ quần áo thông thoáng..., chị thấy hóa ra cái sự "dễ thở" nằm ở những khoảng trống đơn giản này.
Từ chuyện xếp gọn nhà, chị tiếp tục giảm bớt những chuyện gây "tổn thương" cho chồng con mình trong hành vi ứng xử hằng ngày, "làm trống" não cũng bằng cách "giảm ít yêu cầu lại".
Đơn giản nhất của việc này là bớt so sánh con mình với con người khác, chồng mình với chồng người ta, bản thân mình với bản thân ai đó, công việc mình đang làm với công việc của đồng nghiệp mình đang làm...
Chẳng hạn, thay vì đòi hỏi con mình phải hạng nhất siêu sao trong học tập thì khuyến khích con học để tích lũy kiến thức vì điều này mới quan trọng hơn. Chẳng hạn, thay vì nổi cáu và gây gổ vì những điều không hài lòng với chồng, chị chọn cách quay vào thế giới của mình: nấu một món mình thích, trồng một cái cây, dọn lại khu vườn ban công.
Cái cách xếp này xếp nọ cũng giống cách chị cắt đi những cành nhánh yếu ớt, rệp bám, sâu đục... càng gọn thì cái cây càng phát triển tốt.
Bừng tỉnh theo cách của mình
Bạn tôi gọi đó là những cách xả stress kinh điển và không có gì mới. Tuy nhiên, điều mới ở đây có lẽ là sự thông suốt. Một năm sau đại dịch, người ta đã dễ thở hơn (hiểu theo cả nghĩa đen nghĩa bóng). Thở dễ, nhưng sống thì không dễ chút nào.
Một năm vất vả đúng nghĩa, khi công ăn việc làm dường như căng thẳng hơn và mọi thứ thay đổi chóng vánh. Mỗi người dường như cũng "bừng tỉnh" theo cách của mình. Có những bừng tỉnh tích cực.
Như chị bạn tôi, hay bạn đồng nghiệp tự tìm cách chuyển hướng những sự giận dữ thành nguồn năng lượng tích cực. Nhưng hẳn nhiên cũng có những thứ bỗng trở nên xấu xí hơn, như việc người ta tranh giành từng chút này nọ nhiều hơn, sẵn sàng gây tổn thương cho nhau hơn.
Đổ thừa cho đời sống ngày một trở nên bất định hơn có lẽ cũng không phải là điều công bằng. Tuy nhiên, ai đó cũng cần có thứ để họ đổ lỗi.
Khi nhìn thẳng vào câu hỏi: "Người ta sống vì điều gì?", hẳn mỗi người sẽ có câu trả lời phù hợp với chính mình. Riêng tôi, có cái gì đó như là cảm kích với những người bạn, người chị, người mẹ, người chồng, người vợ... dù có hơi vất vả nhưng vẫn chọn cho mình thông điệp tử tế với bản thân.
Giống cô bạn nọ mua những cành củi mận khô đem cắm vào chiếc bình mà cô rinh về trong một bữa không muốn mình nổi sân si với đồng nghiệp.
Cần có cái gì để vui. Niềm vui đó là cách cô chờ đợi cái ngày đám củi khô đâm chồi nảy lộc và nở những bông trắng nhỏ. Nhìn chúng, cô thấy không ai khác hơn là mình đủ khí chất để tạo một niềm tin để tự tin hơn, để yêu lại mình, yêu lại người, yêu lại cuộc đời, để bước tiếp và vượt qua những khó khăn.
Người ta sống vì điều gì? Chắc là cũng vì chuyến hành trình đi tìm kiếm sự hạnh phúc, bình yên, niềm hy vọng và cả sự kiên cường. Ngày mai chưa biết trước ra sao nên hôm nay sao ta không cùng nhau làm bữa tiệc nhỏ, chơi cùng nhau một game vui.
Làm thêm một ly nữa. Và cùng cười.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận