11/11/2024 09:14 GMT+7

Xây nhà tạm trên đất nông nghiệp: Trúng nhu cầu làm nông nhưng tránh biến tướng

Các quận, huyện, TP Thủ Đức đang tổ chức triển khai quyết định số 90 (ngày 23-10) của UBND TP.HCM về việc cho phép xây nhà tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất.

Xây nhà tạm làm nông nghiệp: Trúng nhu cầu nhưng tránh biến tướng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Tuyến (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho hay ông đã nộp đơn đăng ký làm nhà tạm để phục vụ cho việc sản xuất các loại hoa trên diện tích 2.500m² đất nông nghiệp - Ảnh: ÁI NHÂN

Nhu cầu này rất lớn, chỉ riêng tại huyện Bình Chánh trong năm 2023 đã có hơn 1.400 hộ đăng ký xây dựng nhà tạm...

Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là các địa phương cũng phải kiểm soát để việc làm nhà tạm không bị biến tướng khi đất đai ở một đô thị lớn như TP.HCM luôn có "sức nóng" riêng.

Khấp khởi chờ làm nhà tạm

Là nông dân sản xuất giỏi, chuyên trồng hoa của xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), ông Nguyễn Trung Tuyến cho hay ông đã nộp đơn đăng ký làm nhà tạm thông qua Hội nông dân.

Hiện vườn hoa của ông Tuyến đang sản xuất các loại hoa dạ yến thảo, dừa rũ, một số loại hoa, cây kiểng khác... cung cấp cho các trung tâm thương mại, siêu thị, tiệm bán hoa... trên diện tích 2.500m2 đất nông nghiệp tại ấp 10.

Trong đó, phần diện tích khoảng 1.000m2 ông Tuyến phủ nhà kính, còn lại khu đất khoảng 1.500m2 ông để ươm, nuôi các chậu hoa cây con. Tại khu đất này, ông Tuyến đã chuẩn bị nền hơn 40m2, cán bằng phẳng, mua xà gồ sắt, tấm vật liệu để đợi huyện đồng ý thì sẽ dựng ngay nhà tạm.

Nhà tạm rất cần thiết để chúng tôi bảo quản phân, thuốc, dụng cụ chăm sóc, đóng gói hoa kiểng và cho nhân công chăm sóc hoa nghỉ lưng một chút vào buổi trưa. Nhu cầu nhà tạm để làm nông rất cần thiết, nông dân chúng tôi đã kiến nghị lên huyện nhiều năm nay. Nay TP đã cho phép tôi rất mừng...
Ông Nguyễn Trung Tuyến

Tương tự, đại diện Hợp tác xã Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh), ông Trần Văn Thích cho hay quyết định cho nông dân làm nhà tạm của TP là rất hợp lòng dân và giải quyết được nhu cầu thiết yếu cho nông dân nói chung và xã viên hợp tác xã nói riêng.

Hợp tác xã Phước An là hợp tác xã có uy tín, chuyên cung cấp nguồn rau hợp chuẩn cho các trung tâm thương mại, siêu thị, bếp ăn bệnh viện, trường học trên địa bàn TP.

Ông Thích kể lại về hành trình vất vả của hợp tác xã để xin huyện hỗ trợ cho phép xây dựng tạm văn phòng, nhà xưởng đóng gói, kho chứa vật tư nông nghiệp...

"Lãnh đạo huyện các nhiệm kỳ cũng quan tâm và hỗ trợ cho hợp tác xã, chúng tôi làm các công trình tạm vừa đủ nhu cầu sử dụng, cam kết với huyện và sẽ chấp hành tháo dỡ, không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch hay thu hồi đất.

Mới đây tôi cũng đăng ký với huyện cho làm nhà tạm và cơ sở chế biến nông sản trên đất nông nghiệp của gia đình tôi. Huyện thông qua thì tôi sẽ triển khai làm sớm...", ông Thích nói.

Nhu cầu và mong muốn làm nhà tạm phục vụ nông nghiệp của ông Tuyến, ông Thích cũng là mong muốn của hàng ngàn nông dân của TP.HCM và ngay sau khi TP cho phép, ai cũng mong sớm được thực hiện.

Xây nhà tạm làm nông nghiệp: Trúng nhu cầu nhưng tránh biến tướng - Ảnh 2.

Đất nuôi trồng thủy sản ở huyện Bình Chánh, TP.HCM được phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất - Ảnh: TỰ TRUNG

Quy mô nhà tạm thế nào?

Giải quyết nhu cầu của nông dân, nhiều năm qua các địa phương có nhiều nông dân, chủ yếu là 5 huyện ngoại thành, đã nhiều lần đề xuất lên TP. Trong quá khứ, TP cũng đã từng có chủ trương cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp thí điểm.

Đến nay, khi triển khai Luật Đất đai 2024, UBND TP đã ban hành quyết định (số 90 ngày 23-10) cho phép nông dân làm nhà tạm (trừ đất trồng lúa).

Theo đó, nông dân có đất (có sổ, còn thời hạn sử dụng) có diện tích từ 500m2 trở lên (có thể là một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một chủ sở hữu) sẽ được sử dụng tối đa 1% diện tích nhưng không vượt quá 50m2 để xây lán, trại, kho phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.

Nhà tạm có kết cấu bán kiên cố, tường gạch, tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt... và chỉ được xây 1 tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm, được miễn giấy phép xây dựng.

Khi hết thời gian tồn tại hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có yêu cầu, các công trình trên phải tháo dỡ và không được bồi thường.

Như vậy, quyết định của TP.HCM cho phép nông dân được xây nhà tạm với diện tích tối đa là 50m2 và miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên TP.HCM giao UBND cấp huyện là đơn vị xem xét chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình.

Ngoài ra còn phải bảo đảm việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới đường hiện hữu theo quy hoạch được phê duyệt.

Xây nhà tạm làm nông nghiệp: Trúng nhu cầu nhưng tránh biến tướng - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

Tránh biến tướng

Tuy đã có quy định, nhưng câu hỏi đặt ra là: UBND cấp quận, huyện cần làm gì để bảo đảm nhà tạm được xây dựng phù hợp, sử dụng đúng mục đích và tránh nguy cơ biến tướng thành nhà ở kiên cố xây "lụi"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Cao Cường, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay huyện đang triển khai kế hoạch cho nông dân làm nhà tạm.

Trong đó giao các đầu việc cho phòng quản lý đô thị tham gia quản lý về xây dựng, Hội nông dân tham gia xác minh, xem xét nhu cầu xây nhà tạm của các hộ nông nghiệp. Trên danh sách đăng ký của nông dân trên địa bàn (kèm theo đề xuất về địa điểm, quy mô, thời gian sử dụng...), huyện sẽ xem xét chấp thuận cho làm.

Đồng thời huyện sẽ yêu cầu nông dân cam kết xây dựng đúng quy cách và sử dụng công trình đúng mục đích, tự nguyện tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng và không bồi thường.

"Huyện phải có kế hoạch triển khai chặt chẽ quy định của UBND TP. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất. Mặt khác phải tránh việc lợi dụng, biến tướng xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp...", ông Cường nói.

Theo ông Mai Ngươn Khánh - phó chủ tịch Hội nông dân huyện Bình Chánh, hiện huyện đang tổ chức cho nông dân đăng ký làm nhà tạm phục vụ sản xuất. Số liệu thống kê cuối năm 2023 khi huyện Bình Chánh thực hiện thí điểm cho xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp thì có 1.400 hộ đăng ký làm nhà tạm.

"UBND huyện cũng giao cho Phòng quản lý đô thị có hướng dẫn về quy cách làm nhà tạm. Trong đó nghiên cứu theo hướng có hướng dẫn quy cách về hình dáng, màu sắc để nhận dạng ngay đây là nhà tạm...", ông Khánh nói.

Tương tự, tại huyện Củ Chi, ông Nguyễn Thanh Phong, phó chủ tịch huyện, cho hay huyện đã lập tổ công tác để xét duyệt danh sách đăng ký làm nhà tạm của nông dân trên địa bàn huyện.

Phân biệt nhà tạm với nhà cấp phép tạm

Tại TP.HCM đang triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (trước 1-8 gọi là sổ hồng, sau 1-8-2024 là sổ đỏ) cho nhà xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn (xây dựng tạm) theo quy định Luật Đất đai 2024 và nghị định 101/2024.

Tại TP.HCM, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân rất lớn, kể cả người dân có đất nằm trong các khu vực quy hoạch của TP.

Trong khi chờ thực hiện quy hoạch kéo dài, để giải quyết nhu cầu xây nhà của người dân, năm 2017 UBND TP.HCM ban hành quyết định số 26/2017 quy định việc cấp phép xây dựng có thời hạn (gọi nôm na là giấy phép xây dựng tạm) với quy mô tối đa 3 tầng.

Nhà được xây dựng có thời hạn (tạm) đó sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, không được cấp sổ hồng (hiện nay gọi là sổ đỏ).

Như vậy, người dân cần phân biệt việc UBND TP.HCM cho phép nông dân xây nhà tạm để phục vụ sản xuất nông nghiệp với trường hợp nhà được cấp phép xây dựng có thời hạn (tạm) trong khu vực có quy hoạch là khác nhau.

Khác nhau cơ bản là nhà tạm (lán trại, kho chứa vật tư...) của nông dân thì không phải xin giấy phép xây dựng mà chỉ xây dựng tạm bằng vật liệu không kiên cố, mục đích phục vụ nông nghiệp.

Còn nhà được cấp phép tạm là nhà để ở, xây kiên cố trên đất ở, vì vướng quy hoạch nên Nhà nước chỉ cấp phép có thời hạn.

Nông dân lợi, Nhà nước có công cụ quản lý

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, việc TP.HCM cho phép nông dân làm nhà tạm rõ ràng là giải quyết được nhu cầu thực tiễn.

Đương nhiên điều này cũng tạo thêm trách nhiệm cho chính quyền địa phương phải tổ chức thực hiện sao cho đúng quy định, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tránh biến tướng, vi phạm xây dựng thành nhà ở kiên cố.

Tương tự, việc Luật Đất đai 2024 cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích rất có ý nghĩa đối với người sử dụng đất nông nghiệp kết hợp để gia tăng giá trị sử dụng đất để đầu tư làm du lịch sinh thái, farmstay, glamping... phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí đa dạng của xã hội, phát triển kinh tế.

Và việc này cũng phát sinh thêm trách nhiệm giám sát của chính quyền địa phương để bảo đảm tránh việc biến tướng.

"Tuy vậy, nhìn góc độ quản lý nếu có quy định cho người dân thực hiện thống nhất thì vẫn hay hơn. Quy định là công cụ để cơ quan quản lý giám sát, xử lý các hành vi vi phạm như xây dựng "lụi", tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Dựa trên danh sách các hộ dân được làm nhà tạm phục vụ nông nghiệp các địa phương sẽ giám sát quá trình dựng nhà, sử dụng nhà... Trường hợp nào vi phạm thì xử lý, tháo dỡ ngay", ông Tuấn nói.

Chờ hướng dẫn để làm du lịch sinh thái, farmstay...

Xây nhà tạm làm nông nghiệp: Trúng nhu cầu nhưng tránh biến tướng - Ảnh 4.

Nông dân rất cần nhà, công trình tạm (trên đất nông nghiệp) chứa vật tư, nơi bảo quản, chế biến nông sản (ảnh chụp tại huyện Củ Chi, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là quy định về việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích, cho phép việc sử dụng một phần đất nông nghiệp vào mục đích kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch để cá nhân, tổ chức kết hợp đất nông nghiệp đầu tư làm du lịch sinh thái.

Nhiều năm qua Hội nông dân tại các huyện ở TP.HCM đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền TP về chủ trương tạo điều kiện để nông dân có thể đầu tư mô hình làm du lịch sinh thái, farmstay. Tại TP.HCM hiện nay các huyện đều có lợi thế về vị trí hạ tầng, cảnh quan để phát triển mạnh du lịch sinh thái.

Theo điều 99 nghị định 102/2024, từ 1-8 người có đất nông nghiệp có thể kết hợp làm farmstay, du lịch sinh thái bằng cách xin sử dụng đất đa mục đích thay vì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đó, người có đất nông nghiệp có thể xin sử dụng đất đa mục đích với diện tích không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính (trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích).

Ví dụ, khu đất nông nghiệp có diện tích 10.000m2 thì người sử dụng được phép sử dụng tối đa 5.000m2 để làm nhà kho, lều trại, khu ăn uống, giải trí...

Điều kiện: chỉ được xây dựng công trình có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ; việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác...

Người sử dụng phải cam kết bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.

Người sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải nộp bộ hồ sơ theo mẫu (trong đó thông tin về diện tích đất sử dụng; vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng kết hợp; phương án xây dựng, cải tạo công trình đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kết hợp có công trình xây dựng; phương án tháo dỡ công trình, khôi phục để đủ điều kiện sử dụng đất vào mục đích chính khi hết thời hạn sử dụng vào mục đích kết hợp).

Nếu là cá nhân sử dụng đất đa mục đích thì nộp đến UBND cấp huyện, còn tổ chức thì gửi cho UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong vòng 15 ngày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Phong, phó chủ tịch huyện Củ Chi, cho hay quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích hiện đang đợi UBND TP hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Cần quy định đóng thuế theo mục đích sử dụng đất

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ theo quy định điều 218 Luật Đất đai 2024 về sử dụng đất kết hợp đa mục đích thì có 7 trường hợp được sử dụng đất đa mục đích, trong đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu.

Việc các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai cho phép sử dụng một phần đất nông nghiệp để xây dựng công trình trên đất đã được đưa ra trong nghị quyết 18 năm 2022 của Trung ương về quản lý và sử dụng đất.

Sử dụng đất đa mục đích là một thực tế đòi hỏi phải bổ sung quy định để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai.

Vì thế Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn luật phải quy định rõ để việc sử dụng đất đa mục đích không làm rối loạn trong sử dụng đất, đồng thời đáp ứng yêu cầu của người sử dụng đất.

Tuy nhiên việc quy định những thửa đất nông nghiệp từ 500m2 trở lên được sử dụng 1% diện tích để xây dựng công trình trên đất hay quy định thửa đất từ 500m2 đến dưới 5.000m2 được xây dựng công trình không quá 25m2 đất, từ 5.000 - 10.000m2 được xây dựng công trình trên diện tích đất không quá 50m2 và diện tích được xây dựng tăng theo quy mô thửa đất nông nghiệp là chưa thực sự phù hợp.

Vì thế, không nên quy định máy móc chủ sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng bao nhiêu diện tích.

Các nước xử lý vấn đề này rất đơn giản, đó là đất đai sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì chủ sử dụng đóng thuế đất phi nông nghiệp, đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì đóng thuế đất nông nghiệp ở mức độ thấp hơn.

Như vậy, chủ sử dụng đất nông nghiệp được tự cân nhắc sử dụng đất sao cho hiệu quả nhất, Nhà nước cũng thu được lợi ích cao nhất từ đất đai.

Xây nhà tạm làm nông nghiệp: Trúng nhu cầu nhưng tránh biến tướng - Ảnh 5.TP.HCM quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp

Hạn mức giao đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản và làm muối không quá 1ha; đất lâm nghiệp không quá 10ha.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp