Nhà chờ mẫu được xây dựng trên dải phân cách tại ngã tư Hoàng Minh Giám và Lê Văn Lương mang tên "Trạm Nguyễn Tuân", được thiết kế với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế. Với diện tích 129m2, nhà chờ được thiết kế theo đúng chuẩn của xe buýt nhanh quốc tế, đồng thời được nghiên cứu phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.
Tiếp sau việc xây dựng nhà chờ Nguyễn Tuân, ban quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) sẽ xây dựng tiếp 20 nhà chờ còn lại trên dọc lộ trình của tuyến buýt BRT từ Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Quang Trung - Bến xe Yên Nghĩa. Các nhà chờ được xây dựng có 3 loại diện tích gồm 113m2, 129m2 và 99m2.
Trước khi triển khai xây dựng chuỗi nhà chờ xe buýt, dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT đã khởi công xây dựng trung tâm điều khiển tại bến xe Kim Mã, Yên Nghĩa và làn đường riêng cho xe buýt nhanh từ quý I/2013. Các hạng mục còn lại của dự án hiện đang được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ đạo ban quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị tích cực triển khai để sớm đưa tuyến buýt BRT đầu tiên tại Hà Nội vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Ngân hàng Thế giới tài trợ có tổng mức đầu tư khoảng 495 triệu USD, bao gồm cả tái định cư, trong đó hợp phần Hanoi BRT có mức đầu tư khoảng 55 triệu USD.
Tuyến buýt Hanoi BRT sẽ được xây dựng và lắp đặt thiết bị từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã, dài khoảng 14,7 km bao gồm: Ga đề pô Yên Nghĩa (4.000m2); 21 nhà chờ; trạm trung chuyển Kim Mã. Xe buýt sử dụng trên tuyến là xe sàn cao, sức chứa 90 hành khách, chiều dài khoảng 12m, trọng tải 18 tấn, tốc độ khoảng 22 - 25km/giờ.
Tuyến buýt nhanh Hanoi BRT dự kiến đưa được vào sử dụng vào quý II/2015.
Nguồn: UBND TP.Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận