31/10/2019 09:58 GMT+7

Xay lúa thì thôi ẵm em

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - 'Xay lúa thì thôi ẵm em', các cụ xưa khuyên răn rất đúng, một người không thể cùng lúc làm tốt được hai việc nặng nhọc, mà chức năng và kỹ năng để thực hiện hai việc ấy lại khác nhau.

Xay lúa thì thôi ẵm em  - Ảnh 1.

Với một kỳ họp dài 6 tuần như kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, thật khó khăn để các đại biểu này tham dự đầy đủ các phiên họp - Ảnh: TTO

Cảm nhận được sự khó khăn của tình trạng "hai vai hai gánh", nên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà mới kiến nghị rằng các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không nên là đại biểu Quốc hội.

Đó cũng là kiến nghị chung của khá nhiều ý kiến khi thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội. Ngoài các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì các cán bộ sở, ngành ở địa phương cũng không nên làm đại biểu Quốc hội.

Lý do thứ nhất là với các chức danh lãnh đạo điều hành, công việc của họ thường rất bận rộn, hằng ngày, hằng giờ phải xử lý sự vụ, họp hành, phê duyệt công văn, giấy tờ.

Một nữ đại biểu Quốc hội ngồi cạnh một nam đại biểu là chủ tịch UBND một tỉnh xa, tâm sự rằng rất thương vị đồng nghiệp của mình "vì hôm nào lên hội trường họp cũng phải mang theo cả lô tài liệu, giấy tờ, công văn để đọc, duyệt, cho ý kiến, ký.

Có nhiều việc gấp thì cán bộ văn phòng lại phải đi mấy trăm cây số mang văn bản ra Hà Nội để chủ tịch ký".

Thống kê cho thấy đại biểu Quốc hội là các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, TP vắng họp nhiều nhất. Với một kỳ họp dài 6 tuần như kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, thật khó khăn để các đại biểu này tham dự đầy đủ các phiên họp.

Lý do thứ hai là sự xung đột lợi ích và quyền lực có thể xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao giữ quyền lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đồng thời là cơ quan hành pháp cao nhất.

Nguyên tắc kiểm soát quyền lực rất khó đảm bảo khi một chủ thể vừa thừa hành lại vừa giám sát chính mình, hay nói một cách hình ảnh là "vừa đá bóng vừa thổi còi". Khó khăn còn tăng lên nếu một vị đại biểu đứng đầu một ngành của địa phương chất vấn hoặc giám sát vị bộ trưởng trong ngành của mình đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội.

Thế nên mới xảy ra tình trạng như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng là có đại biểu ở địa phương thực hiện quyền chất vấn bộ trưởng thì bị bí thư tỉnh ủy gọi điện rầy la.

Cũng bởi những xung đột nêu trên, nên ngày nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tổ chức mô hình nghị viện chuyên nghiệp, nơi có các vị nghị sĩ chỉ chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ của nhà lập pháp.

Không ngừng đổi mới, hướng đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động, Quốc hội Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách (tỉ lệ hiện nay là hơn 30%). Nhiều ý kiến đề nghị cần nâng tỉ lệ này lên nữa, có thể đến 60-65% như kiến nghị của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính cũng gợi ý nên nghiên cứu tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách theo hướng: các đại biểu sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở Quốc hội mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để các đại biểu này có thể ứng cử tiếp tục làm đại biểu Quốc hội.

Tất nhiên chuyên trách chỉ là điều kiện ban đầu bởi nhiệm vụ lập pháp rất phức tạp, nặng nề, luôn đòi hỏi các nhà lập pháp phải là những người thông thái với kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm và bản lĩnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn dành Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn dành 'ghế' Quốc hội cho đại biểu chuyên trách

TTO - Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh không nên ứng cử đại biểu Quốc hội, dành thời gian cho công việc chỉ đạo, điều hành.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp