22/03/2022 10:39 GMT+7

Xây khu vườn nhỏ trong từng ngôi nhà

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Lịch làm việc kín mít vì vừa dạy đại học, vừa khởi nghiệp, vừa lèo lái gia đình nhỏ…, bạn Nguyễn Duy Xuân Bách - 34 tuổi, CEO Công ty FMB kiêm sáng lập viên ứng dụng FarmerBox - không giấu tham vọng phủ xanh màu lá khắp các vùng đô thị.

Thực hiện: CÔNG NHẬT - THẾ KIỆT - DIỄM HƯỜNG

Xây khu vườn nhỏ trong từng ngôi nhà - Ảnh 2.

Bạn Nguyễn Duy Xuân Bách (đứng) trao đổi công việc với cộng sự - Ảnh: CÔNG NHẬT

Có thể hình dung FarmerBox là thiết bị thông minh để "chăm sóc" cho cây trồng ở các vùng đô thị, nói cách khác sản phẩm mong muốn hướng tới việc xây dựng văn hóa "nông nghiệp đô thị".

Một đội ngũ không chỉ cần trình độ chuyên môn tốt mà còn phải có tâm huyết, biết phối hợp ăn ý để giải quyết các vấn đề luôn xảy ra, nhất là trong thời điểm biến động liên tục như hiện nay.

XUÂN BÁCH

Từng chao đảo vì đại dịch

Với ứng dụng này, người dùng có thể ứng dụng điện thoại di động để có thể tưới tiêu từ xa, lập lịch tưới tiêu theo ngày, theo dõi được thời tiết, độ ẩm của khu vườn nhỏ... Bên cạnh đó, ứng dụng cũng cung cấp những hướng dẫn chi tiết để người dùng dù không có nhiều kiến thức về trồng cây cũng có thể tự trồng và nuôi dưỡng cây tốt.

Nói về khởi nguồn ý tưởng, Xuân Bách cho biết bạn đam mê và tìm hiểu về nông nghiệp đã hơn bốn năm, cụ thể là cung cấp giải pháp tưới tiêu tự động cho các nhà kính, nông trại... Sau đó, gương mặt 8X là cựu sinh viên Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận ra tiềm năng của việc tận dụng các khoảng không gian như bancông, sân thượng để trồng cây xanh ở đô thị.

"Vấn đề là ở đô thị mọi người thường không có nhiều thời gian chăm sóc cây xanh nên tôi quyết định tạo ra một thiết bị nhỏ gọn có thể tích hợp nhiều chức năng hỗ trợ chăm sóc, tưới tiêu... Sản phẩm hướng đến mục tiêu tạo môi trường xanh sạch, mọi người có rau sạch để dùng hoặc không gian trong lành hơn để thư giãn", bạn nói về điểm nhấn của sản phẩm.

Nói về các thử thách đáng kể, Xuân Bách cho biết là làm sao để mọi người có thể thấy cái lợi của việc trồng cây xanh đúng cách và có tính thẩm mỹ cao trong nhà. Song song đó, do sản phẩm có tính công nghệ nên người dùng cần thời gian thích nghi để có thể tự mua về và lắp ráp, sử dụng một cách hiệu quả.

"Sóng gió" khởi nghiệp lên đỉnh điểm khi COVID-19 ập đến, có giai đoạn start-up của bạn đã phải cắt giảm gần như toàn bộ nhân sự các mảng kinh doanh, tiếp thị và chỉ giữ lại những thành viên bộ phận kỹ thuật để tiếp tục phát triển sản phẩm. 

Những người ở lại vừa làm chuyên môn vừa choàng gánh nhiệm vụ của những ai đã ra đi. Bạn thừa nhận quyết định trên là không dễ dàng nếu không muốn nói là gây tổn thất đáng kể đến những chiến lược lâu dài, nhưng theo Xuân Bách thì việc ra quyết định dứt khoát là cần thiết trong start-up bởi nguồn kinh phí eo hẹp.

Những bài học xương máu

Sau bảy năm khởi nghiệp đầy chông gai, thời điểm hiện tại Xuân Bách đúc kết một số bài học lớn. 

"Đầu tiên, sản phẩm hay giải pháp start-up không nhất thiết phải luôn xuất sắc mà điều quan trọng là giá trị mang lại cho người dùng ở mức như thế nào, xác định rõ tập khách hàng mình hướng đến là ai, sản phẩm có phù hợp với túi tiền của người dùng hay so với giá của đối thủ thì như thế nào", bạn cho biết. 

Bên cạnh đó, yếu tố tài chính cũng là một "nỗi niềm" không tên của các bạn start-up bởi các sản phẩm thường không thể hoàn thành một sớm một chiều, chưa kể các cá nhân giỏi thường được những công ty lớn chèo kéo với mức lương rất cao so với thu nhập ở start-up.

"Bài toán cân đo đong đếm tài chính cần kế hoạch dài hạn để tạo được sản phẩm hoàn chỉnh, sản xuất và tung ra thị trường. Đội ngũ cũng là một yếu tố cốt lõi trong khởi nghiệp. Một đội ngũ không chỉ cần trình độ chuyên môn tốt mà còn phải có tâm huyết, biết phối hợp ăn ý để giải quyết các vấn đề luôn xảy ra, nhất là trong thời điểm biến động liên tục như hiện nay", Xuân Bách chia sẻ.

Nói về câu chuyện tiếp cận nhà đầu tư, bạn thừa nhận start-up của mình vẫn chưa gặp được bên phù hợp. 

Xuân Bách chia sẻ góc nhìn: "Đó là câu chuyện của sự đàm phán và hợp tác. Quỹ thường sẽ đầu tư vào các start-up tiềm năng, có chiến lược rõ ràng và đem lại giá trị thật cho cộng đồng phù hợp với mục tiêu của quỹ. 

Nhưng nếu quỹ thay đổi quá nhiều sứ mệnh, tầm nhìn của start-up thì lúc đó chúng ta cần phân tích xem quỹ đang giúp cho start-up phát triển tốt hơn hay sự can thiệp đó khiến start-up không thể kiểm soát được "đứa con" của mình nữa? Lúc này điều quan trọng là chúng ta cần đánh giá lại mục tiêu khởi nghiệp và nhờ các cố vấn dày dạn chuyên môn, khách quan đưa lời khuyên phù hợp".

Xây khu vườn nhỏ trong từng ngôi nhà - Ảnh 4.
Bỏ học bổng tiến sĩ, chọn khởi nghiệp Bỏ học bổng tiến sĩ, chọn khởi nghiệp

TTO - Dẫu còn rất trẻ, gương mặt start-up 9X Vũ Hải Nam (CEO tMonitor) đã kịp ghi nhiều dấu ấn trong hành trình khởi nghiệp.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp