Làm việc như thế nào, học tập như thế nào, ứng xử với gia đình và những người xung quanh như thế nào, lãnh đạo một công việc, một tập thể được giao như thế nào...
Có lẽ vì vậy mà khi nói đến giá trị của một việc làm, một con người, một tổ chức, chúng ta hay gắn ở phía trước đó hai từ văn hóa. Văn hóa kinh doanh, văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử, văn hóa hội nghị, văn hóa báo chí... và gần đây có cả khái niệm văn hóa Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa Đảng không có gì khác là "đạo đức" là "văn minh"... thì cũng có nghĩa thực hành đạo đức cách mạng là thực hành văn hóa.
Giá trị của một chính đảng cầm quyền là đạo đức, năng lực, trí tuệ của tuyệt đại bộ phận các thành viên. Không thể nói đảng cầm quyền mạnh khi một bộ phận không nhỏ các thành viên của đảng suy thoái về đạo đức, yếu kém năng lực, trí tuệ và tinh thần pháp luật.
Đòi hỏi xây dựng văn hóa Đảng từ mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, là một đòi hỏi chính đáng bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam đang giữ vai trò lãnh đạo chính trị duy nhất của đất nước.
Cũng vì Đảng là người lãnh đạo đất nước, thiết nghĩ Đảng không chỉ cần quan tâm xây dựng văn hóa Đảng mà còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa công dân.
Một đất nước có nhiều công dân ưu tú: trung thực, có kiến thức, kỹ năng, tinh thần học tập suốt đời, ý thức tuân thủ pháp luật và trân trọng dân chủ, sự quan tâm giúp đỡ người khó khăn, có tình yêu và ý chí bảo vệ đất nước, bảo tồn di sản... thì chất lượng phát triển đảng cũng sẽ thuận lợi hơn nếu các công dân ưu tú ấy sẵn sàng gia nhập một tổ chức mà họ tin là đang và sẽ ngày càng mạnh hơn về văn hóa lãnh đạo.
Đảng chỉ là một bộ phận của dân tộc, chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số của đất nước nhưng lại đang được giao trọng trách lãnh đạo đất nước nên việc chăm lo xây dựng văn hóa công dân phải được coi là một nội dung của các quyết sách.
Nếu số đông công dân đang làm việc trong các môi trường khác nhau của đất nước là những người ưu tú thì việc chọn lựa những người ưu tú nhất để tham gia bộ phận lãnh đạo các cấp sẽ thuận lợi hơn.
Bằng không chúng ta sẽ chỉ có thể chọn người đỡ kém nhất trong những người kém để tiến cử, bầu cử mà thôi. Nếu không quan tâm xây dựng văn hóa cho số đông thì khó có thể yên tâm về sự mạnh mẽ vững bền của số ít là các tổ chức lãnh đạo đoàn thể chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao.
Muốn thế, xin được bắt đầu xây dựng văn hóa từ gia đình - nơi mà con trẻ nhận được từ cha mẹ các giá trị cốt lõi là lòng trung thực, tình yêu thương đồng loại, sự trân trọng học hành và lao động, sự tôn trọng pháp luật và nhân phẩm của con người... (xin đừng nhầm với danh hiệu gia đình văn hóa), văn hóa học đường (không đồng nghĩa với danh hiệu trường học văn hóa), văn hóa công sở (cũng vẫn xin đừng đánh đồng với danh hiệu công sở văn hóa).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận