Ngày 3-2, Bộ Công an và Tổ công tác đề án 06 tổ chức hội thảo lần thứ nhất về việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia với chuyên đề "Xác lập chiến lược dữ liệu đúng đắn tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội".
Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là cần thiết, cấp bách
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu.
Trong khi đó, ở nước ta quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là việc thực hiện đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hạ tầng, nhân lực.
Nhiều hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo an ninh an toàn. Nhiều cơ sở dữ liệu chưa được thu thập, lưu trùng lặp, chưa được chuẩn hóa để kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung.
Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Tại hội thảo, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là vấn đề mới, chưa từng có tại Việt Nam.
Dự báo sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc như về tính pháp lý, bảo mật an ninh an toàn, việc khai thác, chia sẻ, kết nối thông tin…
Đồng thời, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia mang tính chất kết nối, chia sẻ, đòi hỏi phải phát triển song song dữ liệu của từng lĩnh vực, từng ngành, xây dựng con người phục vụ trung tâm này để đảm bảo hiệu quả.
"Lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, chống lãng phí, theo đúng nghị quyết của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển đất nước…", Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.
'Sẽ tăng 1-2,5% GDP nhờ chia sẻ dữ liệu'
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết trên cơ sở kết quả đạt được của đề án 06, mục tiêu đặt ra là xây dựng một Trung tâm dữ liệu quốc gia.
"Đây là trung tâm dữ liệu bảo vệ con người, tập trung những thông tin về con người, phục vụ cho việc xây dựng công dân số, phục vụ phát triển dữ liệu. Từ đó, phục vụ cho người dân, cho doanh nghiệp, cho chuyển đổi số quốc gia", thượng tá Vĩnh nói.
Cũng theo ông Vĩnh, trong suốt thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã triển khai thực hiện, tuy nhiên việc đồng bộ về dữ liệu, hệ thống vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng Trung tâm dữ liệu sẽ khắc phục được những vấn đề này.
Phó giáo sư Tạ Hải Tùng - hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa - dẫn chứng theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nguồn dữ liệu tạo ra mỗi ngày trên thế giới rất lớn, nếu chia sẻ dữ liệu công và dữ liệu tư sẽ tăng 1-2,5% GDP.
"Việc truy cập và chia sẻ dữ liệu có thể tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội trực tiếp cho các nhà cung cấp dữ liệu, gián tiếp cho người tạo ra và người dùng dữ liệu, đồng thời bao trùm nền kinh tế", ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu là xu thế của thời đại, là mặc định, không còn là một lựa chọn.
Ngoài ra, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu cho phép nâng cao độ minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận