Công ty ký HĐLĐ với nhân viên như sau:
- Lương chính (tiền lương, tiền công làm cơ sở tính các chế độ cho người lao động theo quy định pháp luật) = Lương tối thiểu x hệ số lương = 700.000 đồng x 1,3 = 910.000 đồng;
- Phụ cấp khác = 100.000 đồng;- Phụ cấp công tác phí = 100.000 đồng;- Phụ cấp tiền ăn = 260.000 đồng;Thu nhập tháng = 1.370.000 đồng;
Nay theo nghị định 110 của Chính phủ, điều chỉnh lương tối thiểu vùng lên 800.000 đồng, công ty dự kiến áp dụng lương tối thiểu trong doanh nghiệp là 812.500 đồng và sẽ chọn một trong ba cách giải quyết sau:
Cách 1:điều chỉnh giảm hệ số lương người lao động để thu nhập không đổi:
- Lương chính (tiền lương, tiền công làm cơ sở tính các chế độ cho người lao động theo quy định pháp luật) = lương tối thiểu x hệ số lương = 812.500 đồng x 1,12 = 910.000 đồng;
- Phụ cấp khác = 100.000 đồng;- Phụ cấp công tác phí = 100.000 đồng;- Phụ cấp tiền ăn = 260.000 đồng;Thu nhập tháng = 1.370.000 đồng;
Cách 2:điều chỉnh giảm phụ cấp người lao động để thu nhập không đổi:
- Lương chính (tiền lương, tiền công làm cơ sở tính các chế độ cho người lao động theo quy định pháp luật) = lương tối thiểu x hệ số lương = 812.500 đồng x 1,3 = 1.056.250 đồng;
- Phụ cấp khác = 0 đồng;- Phụ cấp công tác phí = 53.750 đồng;- Phụ cấp tiền ăn = 260.000 đồng;Thu nhập tháng = 1.370.000 đồng;
Cách 3: điều chỉnh có tăng thu nhập:
- Lương chính (tiền lương, tiền công làm cơ sở tính các chế độ cho người lao động theo quy định pháp luật) = lương tối thiểu x hệ số lương = 812.500 đồng x 1,3 = 1.056.250 đồng;
- Phụ cấp khác = 100.000 đồng;- Phụ cấp công tác phí = 100.000 đồng;- Phụ cấp tiền ăn = 260.000 đồng;Thu nhập tháng = 1.516.250 đồng;
Xin hỏi cách nào đúng pháp luật và người lao động không tranh chấp?
(Nguyen Van Thanh)
- Tư vấn của Việc làm Online:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 mục III thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 13-5-2003 của Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 5-12-2007 của Bộ LĐ-TB&XH) thì:
"b) Việc xây dựng thang lương, bảng lương phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1, điều 5 nghị định số 114/2002/NĐ-CP, trong đó:
- Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%;
- Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường. Danh mục nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH”.
Bên cạnh việc tuân thủ quy định của pháp luật về việc xây dựng thang lương, bảng lương thì việc công ty bạn lựa chọn cách tính nào để không xảy ra tranh chấp với người lao động còn phụ thuộc nội dung HĐLĐ mà công ty bạn đã ký với người lao động. Nếu trong HĐLĐ công ty bạn đã quy định rõ hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu (700.000đ) và các khoản phụ cấp thì bắt buộc công ty bạn phải giữ nguyên hệ số và các khoản phụ cấp theo đúng HĐLĐ mà công ty bạn đã ký với người lao động khi xây dựng lại thang lương bảng lương mới.
Trong trường hợp HĐLĐ của công ty đã ký với người lao động nêu rõ hệ số lương và các khoản phụ cấp thì chỉ có cách 3 nêu trên là đúng quy định và không vi phạm HĐLĐ đã ký với người lao động.
Trong trường hợp công ty bạn muốn lựa chọn cách 1 hoặc cách 2 thì bắt buộc công ty bạn phải tiến hành thỏa thuận lại với người lao động bằng cách sửa đổi HĐLĐ đã ký với người lao động trước khi xây dựng lại thang lương, bảng lương mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận