11/06/2016 15:46 GMT+7

​Xây dựng mới chung cư cũ: còn nhiều lực cản

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TTO - So với dự án nhà ở bình thường thì dự án xây dựng mới chung cư cũ có quá nhiều rủi ro nên doanh nghiệp không mặn mà.

Lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa, Phường 27 q. Bình Thạnh. Hai trong nhiều lô chung cư cũ hư hỏng mà chính quyền phải tổ chức di dời khẩn cấp trong thời gian qua - Ảnh: N.Hà
Lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa, P.27 Q.Bình Thạnh - hai trong nhiều lô chung cư cũ hư hỏng mà chính quyền phải tổ chức di dời khẩn cấp trong thời gian qua - Ảnh: N.HÀ

Đó là phát biểu của đại diện một doanh nghiệp tại tọa đàm Giải pháp cải tạo chung cư cũ do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 11-6.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo UBND các quận, huyện cho biết việc kêu gọi đầu tư xây dựng mới các chung cư cũ khá khó khăn. Tại Q.Tân Bình có 42 chung cư và nhà tập thể được xây dựng từ trước năm 1975, UBND quận đề xuất cải tạo 9 chung cư cũ nhưng thực tế việc tìm chủ đầu tư có nhiều trở ngại. 

Nhiều cái khó

Cụ thể như các chung cư tọa lạc trên diện tích đất khá nhỏ nên không thể xây dựng mới, vị trí các chung cư không thuận lợi, trong hẻm nhỏ... nên không hấp dẫn được nhà đầu tư. Những nhà đầu tư quan tâm thì thiếu năng lực, chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án, còn những đơn vị đủ năng lực thì không quan tâm. 

“Trong khi thủ tục hành chính để đầu tư một dự án kéo dài, chi phí tạm cư cho người dân, chi phí lãi vay cao nhưng lợi ích mang lại không lớn, quy định của pháp luật hay thay đổi...” - ông Châu Minh Hiếu, phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, nhận định. 

Tương tự, ông Nguyễn Thành Phương, phó chủ tịch UBND Q. Phú Nhuận, cũng nêu một trường hợp chung cư mà quận đang kêu gọi đầu tư nhưng chưa thành công. Chung cư tọa lạc trên lô đất 1.000m2, lối tiếp cận có lộ giới 6m, được Sở Quy hoạch - kiến trúc cho phép xây cao 12 tầng. 

“Trên địa bàn quận Phú Nhuận hiện có một chủ đầu tư xây đến bảy dự án nhà ở cao cấp nhưng họ tuyệt đối không “đụng” tới dự án chung cư cũ. Tôi giới thiệu ra đây vừa là trao đổi, vừa để quảng cáo cho dự án này hi vọng có nhà đầu tư nào tham dự tọa đàm quan tâm”, ông Phương nói. 

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cũng nhìn nhận những khó khăn của các dự án xây dựng mới chung cư cũ.

Cụ thể công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không thuận lợi khi có một bộ phận các hộ dân đòi hỏi giá bồi thường cao, chính quyền địa phương ngại phát sinh khiếu kiện, phương án bồi thường chưa hợp lý, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân và Nhà nước. 

Trong khi đó thủ tục hành chính trong đầu tư cũng là một lực cản, ngăn chủ đầu tư đến với các dự án cải tạo chung cư cũ. 

Ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa, cho biết công ty này hoàn toàn thua lỗ trong 4 dự án xây dựng mới chung cư cũ mà công ty đã thực hiện trên địa bàn TP. 

Gỡ khó từ đâu?

Theo Sở Xây dựng, toàn TP có 474 chung cư cũ, hư hỏng cần xây dựng mới nhưng từ năm 2006 đến 2016 mới chỉ xây mới được 32 chung cư, con số khá khiêm tốn (!) Mục tiêu từ nay đến năm 2020 phấn đấu xây dựng mới 50% số lượng các chung cư cũ, hư hỏng còn lại.

Muốn thực hiện thành công mục tiêu này, cần phải thực hiện nhiều giải pháp để hài hòa lợi ích giữa ba bên: người dân, chủ đầu tư và Nhà nước. 

Đại diện các quận cũng kiến nghị một số giải pháp để các dự án xây dựng mới chung cư cũ hấp dẫn hơn. Đại diện Q.Tân Bình đề nghị dùng một phần tiền sử dụng đất và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước lập quỹ tín dụng để hỗ trợ các chủ đầu tư.

Một số mặt bằng chung cư cũ quá nhỏ thì được bán đất chỉ định chứ không nhất thiết phải xây dựng chung cư mới, rút ngắn nửa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cho phép chỉ định thầu cho dự án xây mới chung cư cũ và ưu tiên bố trí dân số cho các dự án này. 

Ông Lê Hữu Nghĩa, đại diện Công ty TNHH XD-TM Lê Thành, tán thành phương án giảm thủ tục hành chính trong đầu tư dự án để giúp các dự án xây dựng mới chung cư cũ có lực hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

Ông Nghĩa cũng kiến nghị thêm các giải pháp như tăng hệ số sử dụng đất gấp 3, 4 lần hệ số cũ...

Sở Xây dựng cũng thông tin đang xây dựng quy trình cấp giấy phép xây dựng theo cơ chế “một cửa” để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất UBND TP phân cấp mạnh cho UBND các quận, huyện trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án xây mới chung cư cũ. 

Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 470 chung cư cũ, có tuổi đời trên 40 năm tọa lạc tại 15 quận/huyện, chiếm khoảng 1/3 số lượng chung cư tại TP. Hiện có khoảng  27.000 hộ gia đình đang sinh sống trong các căn hộ thuộc các chung cư cũ, trong đó có 1.440 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước. Quận có nhiều chung cư cũ nhất là quận 5 với 203 chung cư. 

Từ năm 2006 đến nay, TP đã xây dựng mới được 32 chung cư cũ, tái định cư cho khoảng 4.000 hộ gia đình.

Ông Tô Điệp, một hộ dân từng di dời khỏi chung cư cũ tại Q.1 được mời đến cuộc tọa đàm, cho biết người dân ở chung cư cũ không chống đối chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, các bên thực hiện dự án phải lưu ý bảo đảm quyền lợi của người dân.

Đa số dân chung cư cũ là dân nghèo, không muốn đi xa khỏi nơi cư trú cũ, không có nhiều tiền để mua căn hộ tái định cư với diện tích lớn.

“Vai trò của chủ đầu tư rất quan trọng trong việc thuyết phục người dân chấp thuận di dời để thực hiện dự án. Chủ đầu tư hợp tác với dân, thái độ có tình, có lý, có trước có sau thì người dân tin tưởng” - ông Điệp chia sẻ. 

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp