Ngày 15-8, 40 hộ nông dân khó khăn ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đã được nhận hơn 900 triệu đồng từ chương trình Tiếp sức nhà nông do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân và Tỉnh Đoàn Bắc Kạn tổ chức.
Vay không lãi suất lại được thưởng tiền
Mỗi hộ gia đình được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng không lãi suất và 3 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi trong hai năm. Nếu trả nợ đúng hạn, hộ dân vay vốn còn được thưởng 20% số vốn (4 triệu đồng).
Con, em các hộ có thành tích học tập tốt cũng được chương trình tặng học bổng trong suốt hai năm. Tổng kinh phí hỗ trợ 920 triệu đồng, trong đó có 800 triệu hỗ trợ vốn và 120 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi.
Đây là năm thứ 15 chương trình Tiếp sức nhà nông được tổ chức. Chương trình đã hỗ trợ cho 2.620 hộ nông dân tại 24 tỉnh thành trên khắp cả nước. Tỉ lệ phụ nữ tham gia chương trình chiếm 95%. Đa số các hộ được trợ vốn đã và đang làm ăn có hiệu quả với tỉ lệ hoàn vốn đạt trên 94%.
Bên cạnh đó, với mong muốn mang đến những giá trị thiết thực cho cuộc sống của bà con nông dân, Công ty cổ phần ACECOOK Việt Nam hỗ trợ cho các hộ nông dân tham gia chương trình các phần quà là những thùng mì từ công ty.
Phát biểu tại lễ trao vốn, bà Phương Thị Thanh - phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn - cho hay Bắc Kạn là tỉnh khó khăn nhất cả nước. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cảm ơn báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ GREENFEED đã có một chương trình hỗ trợ nông dân thiết thực và nhân văn.
Bà Thanh cho hay Bắc Kạn là tỉnh khó khăn nhất cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn hơn 30%. Toàn tỉnh có đến 67 xã và 148 thôn, bản vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn. Riêng xã Bình Trung, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng trên 40%.
Nguồn hỗ trợ của chương trình là động lực rất lớn để các hộ dân này vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Hỗ trợ cho nông dân cách làm kinh tế
Bà Thanh đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn phối hợp với địa phương xây dựng mô hình từ nguồn lực này.
Bà Thanh cho rằng nếu cũng nguồn lực này nhưng để cho các hộ nông dân tự vận động riêng rẽ thì hiệu quả ít có sức lan tỏa.
"Tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương ở đây phải ngồi lại với nhau bàn sâu lại nội dung này. Chúng ta phải xây dựng mô hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, tập huấn kỹ thuật và sau cùng là tính toán đầu ra cho bà con. Thường xuyên bám sát, đồng hành với bà con để xây dựng thành mô hình hiệu quả" - bà Thanh nói.
Nhà báo Nguyễn Đức Bình - phó trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - cho hay thông qua chương trình, báo Tuổi Trẻ mong muốn tạo động lực cho các hộ nông dân vươn lên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
Bên cạnh trao vốn, chương trình luôn đồng hành với bà con trong suốt quá trình vay vốn để bà con có thêm kỹ thuật, kinh nghiệm, từ đó tạo sinh kế lâu dài.
Nhà báo Nguyễn Đức Bình cũng đề nghị Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên địa phương tiếp tục theo sát, đồng hành để các đồng vốn vay phát huy hiệu quả nhất. "Khi các hộ chăn nuôi hiệu quả, hoàn vốn đúng hạn thì nguồn vốn này tiếp tục xoay vòng đến với các hộ nông dân khác để có nhiều hộ nông dân được thụ hưởng chương trình" - nhà báo Nguyễn Đức Bình nói.
Ông Nguyễn Doãn Hợi - trợ lý giám đốc điều hành dự án Farm miền Bắc 1 - cho hay trao vốn mới là bước khởi điểm. Đơn vị GREENFEED tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo sát, hướng dẫn bà con chăn nuôi hiệu quả.
"Thực tế bà con ở những vùng sâu, vùng xa không chỉ thiếu vốn mà họ còn thiếu cả kinh nghiệm, kỹ thuật làm ăn. Chúng tôi có các đối tác là những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp, họ có những cách làm mới, hiện đại nên sẽ giúp được bà con thay đổi tư duy làm ăn. Từ đó họ có cách làm hiệu quả, nâng cao đời sống, thu nhập" - ông Hợi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận