03/04/2018 12:32 GMT+7

Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ: khó nhưng kiên trì thay đổi

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?" diễn ra ba tuần qua với nhiều góc nhìn khác nhau về câu chuyện xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ.

Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ: khó nhưng kiên trì thay đổi - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ vẫn dành những ngày rảnh đến chăm sóc, vui chơi với các trẻ em kém may mắn đang sinh sống tại các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật, mồ côi - Ảnh: Q.L.

Giá trị đẹp ai cũng hướng đến, ai cũng muốn xây dựng hình ảnh cá nhân tốt hơn để cộng đồng tốt hơn. Trên nền tảng gia đình vững chắc, sự tác động tích cực của giáo dục, xã hội, tin rằng chúng ta sẽ làm được

Chị VƯƠNG THANH LIỄU

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Vương Thanh Liễu nhìn nhận việc xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ rất khó nhưng tổ chức Đoàn sẽ kiên trì bằng từng chương trình, hoạt động để hướng giới trẻ đến các giá trị tốt đẹp, xây dựng lối sống nhân văn. 

"Tôi nghĩ mỗi cán bộ Đoàn và từng cấp bộ Đoàn sẽ phải làm tốt hơn để thông điệp "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" thật sự lan tỏa, đưa nhiều câu chuyện tích cực đến với mọi người" - chị Liễu chia sẻ.

ql-vuongthanhlieu

Chị Vương Thanh Liễu - Ảnh: Q.L.

* Vậy do đâu chúng ta vẫn bắt gặp những biểu hiện xấu, hành vi chưa đẹp mà lại hay rơi vào giới trẻ?

- Sẽ có nhiều nguyên nhân mà thực ra phải dựa vào từng hành vi cụ thể mới đánh giá được tốt - xấu. Nhưng theo tôi, một phần có thể do tác động của xã hội dẫn đến những biểu hiện chưa đẹp đó. 

Giới trẻ luôn nhanh nhạy, dễ tiếp thu cái mới, với trào lưu mới mà đôi lúc vô tình tiếp nhận những cái chưa phù hợp. Nhưng tôi tin đó không phải là bản chất của người trẻ, hoặc chỉ là thiểu số vì số đông vẫn luôn hướng thiện, sống đẹp.

* Trong nỗ lực của mình, tổ chức Đoàn đã có những phương thức nào mới để truyền đi các thông điệp tích cực?

- Cùng với cách tuyên truyền như vốn có, tổ chức Đoàn thời gian gần đây tận dụng mạng xã hội để chuyển tải những thông điệp, câu chuyện nhân văn trong giới trẻ. 

Ngoài hoạt động định kỳ, chúng tôi dựa vào các sự kiện thời sự để góp phần định hướng giá trị đẹp cho người trẻ. Chẳng hạn sự kiện đội tuyển U-23 VN vừa qua là thời cơ tốt để cổ vũ tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, sự đoàn kết...

Cuộc vận động xây dựng các giá trị mẫu hình thanh niên với bốn cặp phạm trù: yêu nước - khát vọng, đạo đức - trách nhiệm, tri thức - sáng tạo, năng động - văn minh mà Đoàn đang thực hiện là xác định những giá trị chung mong muốn hướng đến. 

Từ đó, Đoàn thiết kế môi trường, hoạt động để mỗi bạn trẻ hiểu, thay đổi nhận thức và cùng thực hiện để hình thành những thói quen tốt, rồi hành động trong thực tế. Đơn cử như việc xếp hàng thời gian gần đây đã tốt hơn lên, mọi người đã ý thức hơn.

* Tổ chức Đoàn giữ vai trò gì trong việc kiến tạo lối sống, hình ảnh đẹp cho giới trẻ, thưa chị?

- Đó là định hướng các giá trị sống đẹp ở thanh niên. Trước hết cần giúp các bạn trẻ nhận diện giá trị sống đẹp là thế nào, đồng thời tạo môi trường để các bạn trẻ rèn luyện có phần trách nhiệm của Đoàn.

Cách Đoàn đang làm là không nói chung chung mà chỉ ra cụ thể. Thanh niên TP.HCM đang cần giá trị gì và sẽ phải làm gì để ở từng vị trí riêng, mỗi bạn trẻ sẽ hiểu và chọn cho mình cách phù hợp hướng đến các giá trị ấy. 

Có những việc chúng ta cần làm thường xuyên chính là cư xử văn hóa nơi công cộng, ứng xử trên mạng xã hội sao cho văn minh mà tôi cho rằng tổ chức Đoàn ngoài nhiệm vụ đồng hành còn cần khả năng dẫn dắt hành động cho giới trẻ.

Ông TẠ VĂN HẠ (Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):

Sửa sự khiếm khuyết, lệch chuẩn

ong ta van ha

Ông Tạ Văn Hạ Ảnh: H.THANH

Sống đẹp là bản chất, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người VN. Qua các thế hệ, thanh niên VN vẫn mang đầy đủ bản chất và phát huy những nét đẹp ấy, cả những gương anh hùng tuổi trẻ trong thời chiến lẫn thời bình hiện nay. Đã có biết bao tấm gương dũng cảm hi sinh, bảo vệ chủ quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân cùng hàng triệu thanh niên tham gia tình nguyện.

Nhưng bên cạnh các điều tích cực vẫn còn những thanh niên có hành vi lệch chuẩn. Có thể họ không xấu nhưng chưa được giáo dục đến nơi đến chốn từ gia đình, nhà trường, xã hội nên có phần khiếm khuyết trong suy nghĩ dẫn đến hành động lệch chuẩn. Điều này có trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội hằng năm vẫn làm việc với Chính phủ, T.Ư Đoàn, Bộ Lao động - thương binh & xã hội về công tác thanh niên trong nhiệm vụ của mình. Tới đây sẽ giám sát việc sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên, rà soát cơ chế chính sách nhà nước đối với thanh niên và công tác thanh niên.

Ủy ban đặt vấn đề quan tâm giáo dục, phát triển toàn diện trẻ em, nhất là trong giai đoạn đầu đời. Đây được xem là cái gốc, nền tảng hình thành nhân cách con người. Đồng thời tích cực xây dựng Luật trẻ em làm cơ sở trong chăm sóc, giáo dục trẻ em, tăng cường giám sát, yêu cầu cơ quan liên quan giải trình tình trạng bạo hành hiện nay.

HÀ THANH ghi

* ThS HOÀNG DUẨN (ĐH Văn hóa TP.HCM):

Từng người tử tế, xã hội tử tế

hoang duan

Thạc sĩ Hoàng Duẩn - Ảnh: D.NGUYỄN

Tử tế không phải là cần làm việc gì đó cao siêu, vĩ mô... mà đôi khi chỉ là những hành động như: đưa một người già qua đường, nhặt rác, nói điều hay và làm người khác vui, thấy chuyện không đúng khuyên người khác đừng làm... Sống tử tế làm người ta hạnh phúc. Từng người sống tử tế thì xã hội tử tế, cái xấu bớt đi.

Thời đại công nghệ thông tin, mỗi người đều có quyền thể hiện mình. Mạng xã hội có nhiều ưu điểm nhưng nhiều bạn trẻ đã không còn tử tế với chính mình khi dùng mạng xã hội thiếu trách nhiệm, những cái "like", "share" đôi khi vô tội vạ. Nên mỗi người hãy là một "tổng biên tập" có trách nhiệm với "tờ báo cá nhân" của mình.

Tôi cho rằng truyền thông, báo, đài... phải tiên phong giới thiệu tấm gương với những việc làm tử tế hằng ngày thay vì chăm chăm khai thác đời tư và những chuyện giựt gân. Nên chăng có cuộc thi giới thiệu gương người tử tế, động viên những ai tìm ra các chân dung tử tế, khen thưởng những người có phát hiện hay.

Tùy từng cơ quan, công việc mà các tổ chức xã hội cần động viên người trẻ tham gia làm việc tử tế tại đơn vị và có hình thức khen thưởng, động viên với các việc làm tử tế ấy. Hay cuộc vận động nói không với chuyện "không tử tế", không like, không share những chuyện không tử tế... chẳng hạn.

Và người đứng đầu cơ quan làm việc tử tế, nhân viên sẽ noi theo. Hơn hết, gia đình phải sống tử tế, gương mẫu cho giới trẻ noi theo.

DIỆU NGUYỄN ghi

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp