Phóng to |
Theo thông báo của xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, những căn nhà trái phép tại ấp 3E này sẽ bị đập bỏ - Ảnh: NG.LỮ |
Vẫn tiếp tục hàng ngàn vụ vi phạm
Trao đổi với lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và TTXD các quận huyện, hầu hết đều cho rằng tình hình vi phạm trong xây dựng trong những tháng đầu năm 2008 có giảm nhưng vẫn còn "nóng", nhất là tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh. Theo số liệu thống kê từ 19 quận huyện, trong quý 1-2008, TTXD đã phát hiện trên 2.470 trường hợp vi phạm - trong đó, xây dựng không phép phát hiện trên 1.440 vụ, sai phép 602 vụ. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý buộc phải tháo dỡ trên 450 trường hợp và đình chỉ thi công gần 750 trường hợp.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Thị Kim Loan cho biết, so với cùng thời điểm năm trước, tình hình xây dựng trái phép có giảm, tuy nhiên, chưa giảm nhiều. Nguyên nhân vẫn là những vướng mắc, hạn chế lâu nay chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Cụ thể, theo Luật Xây dựng, việc cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng mới được duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn TP, nhất là các huyện ngoại thành, quy hoạch chi tiết 1/2.000 chưa được phủ kín, đặc biệt là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn chưa thực hiện.
Tình trạng này dẫn đến việc người dân, cơ quan cấp phép và cơ quan quản lý xây dựng không có đủ cơ sở để xác định khu vực nào không cần xin phép, khu vực nào cần xin phép theo quy định, trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, tình trạng xây dựng không phép là khó tránh. Bên cạnh đó, sự hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ của TTXD phường xã cộng với công tác kiểm tra, xử lý chưa triệt để cũng là nguyên nhân chính để tình trạng xây dựng không phép ngày càng lan rộng.
Chưa có hướng xử lý những tồn tại
Vấn đề quan tâm nhất của dư luận hiện nay là bao giờ tình trạng xây dựng không phép, trái phép tràn lan ở TP.HCM mới thực sự chấm dứt. Qua trao đổi và tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận ra để có được câu trả lời là không dễ, thậm chí là không thể nếu như các biện pháp không được thực thi thống nhất. Lãnh đạo một huyện lý giải, từ khi Nghị định 180 có hiệu lực cùng với việc ra đời lực lượng TTXD quận huyện, phường xã, việc quản lý xây dựng dần đi vào quy cũ, chặt chẽ. Cứ một trường hợp được phát hiện đều có hướng xử lý dứt điểm ngay.
Phóng to |
Cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng sai phép thuộc dự án Thủ Thiêm tại quận Bình Thạnh. Ảnh: HUY ANH |
Trước đây, Sở Xây dựng đã từng đề xuất một số giải pháp xử lý những căn nhà nói trên, nhưng đến nay UBND TP.HCM cũng như Bộ Xây dựng vẫn chưa đưa ra giải pháp nào nên địa phương phải "chờ". Trong khi "chờ" xử lý, nhiều căn nhà trái phép tiếp tục xây dựng sau ngày 3-1 và "nhờ" một lý do nào đó, nó có thể "biến thành" nhà xây dựng trái phép từ trước ngày 3-1! Mà muốn xử lý nhà dạng này, phải "chờ", chưa nói đến việc do chưa phủ kín quy hoạch, một số địa phương tùy vào tình hình mà có thể cho phép tồn tại hay phải đập bỏ một số khu dân cư, khiến cho tình hình ngày càng "rối".
Đây rõ ràng là hệ quả tất yếu của việc quy định pháp luật không thống nhất, giải pháp xử lý của cơ quan quản lý nhà nước không rõ ràng, dứt điểm.
Người dân "lãnh đủ"
Tình hình xây dựng trái phép - nếu xét ở khía cạnh pháp luật - thì lỗi hoàn toàn về phía người dân. Khi các địa phương "mạnh tay" xử lý, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân. Một dẫn chứng cụ thể tại ấp 3E xã Phước Kiển huyện Nhà Bè, nơi có gần 40 căn nhà không phép đang tồn tại và lãnh đạo địa phương đang "kiên quyết" xử lý bằng những quyết định buộc người dân tự tháo dỡ. Bà Nguyễn Thị Phi Yến (ngụ tại đây) thừa nhận hầu hết các hộ dân trong khu vực đều mua bán đất bằng giấy tay.
Nhưng điều khó hiểu nhất là trước đó, chủ đất đã bơm cát, san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp nhưng không thấy ai xử lý. Khi mua xong đất, các hộ dân này bắt đầu xây nhà nhưng cũng chẳng thấy ai kiểm tra. Đột nhiên đầu tháng 5 năm nay, các hộ dân nhận được giấy thông báo của xã yêu cầu phải tự tháo dỡ nhà trong vòng 10 ngày, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiển Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các hộ dân này xây dựng nhà trái phép trên khu đất được quy hoạch làm khu tái định cư thuộc dự án giai đoạn 2 của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Chánh TTXD huyện Nhà Bè Trần Văn Lợi thừa nhận có sự buông lỏng quản lý của cán bộ địa phương và đã có hướng xử lý thích đáng số cán bộ này, riêng việc cưỡng chế giải tỏa các hộ dân đang được các ngành chức năng tiến hành xem xét, đánh giá. Theo các hộ dân, đáng ra ngay từ đầu chính quyền phải kiên quyết để họ không bị thiệt hại lớn (thậm chí nhiều gia đình không có cơ hội tìm được chỗ ở mới) như hiện nay. Tình cảnh tương tự như các hộ dân ở ấp 3E xã Phước Kiển cũng không hiếm gặp tại TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận