Trình diễn các giải pháp, ứng dụng thông minh tại Internet Day 2018 - Ảnh: T.H.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tại sự kiện Internet Day 2018 với chủ đề Internet và Việt Nam diễn ra sáng 5-12 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, "với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người (xếp 15 thế giới), trong đó, tỉ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet.
Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này đã chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng phục vụ các nhu cầu khác nhau".
Doanh nghiệp đã vào cuộc
Ông Hưng nhìn nhận các doanh nghiệp Việt hiện nay đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã sớm nắm bắt được xu hướng phát triển hệ sinh thái số ở Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều công nghệ, dịch vụ của các đơn vị trong nước như VNG, CMC, FPT… đã được trình diễn.
Với chủ đề Connected City, VNG đã diễn hàng loạt công nghệ thông minh mới nhất, thể hiện tầm nhìn về một cuộc sống "kết nối toàn diện" trên nền tảng đám mây trong tương lai gần.
Một số giải pháp, ứng dụng thông minh được VNG và VinaData trình diễn tại sự kiện năm nay như vCouldcam, vTicket, vCS, vCDN hay IoT Hub một sản phẩm đám mây thuộc khối hạ tầng PaaS, IoT Hub hỗ trợ kết nối giữa nhiều thiết bị IoT khác nhau, phù hợp cho mọi giải pháp: nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh, nhà thông minh hay sản xuất thông minh…
Hai dịch vụ Cloud được CMC Telecom giới thiệu là Elastic Compute và Elastic GPU do CMC Telecom nghiên cứu và phát triển, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng có nhu cầu khác nhau. Sử dụng công nghệ ảo hóa hiện đại, bảo mật nhiều lớp, quản trị đa nhiệm, giải pháp CMC Cloud hiện đã được triển khai cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có tiềm năng trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ nền tảng số phục vụ người Việt và có thể vươn xa hơn ra thị trường quốc tế..
Ông Lê Duy Tiến, thành viên tổ công tác thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái số (Bộ Thông tin - truyền thông), cho biết trong thời gian tới, việc phát triển Hệ sinh thái số Việt Nam sẽ tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ: mạng xã hội - công cụ tìm kiếm - trình duyệt - hệ điều hành - phần mềm phòng chống mã độc (AV).
Cần chính sách theo kịp xu thế
"Việc công nghệ thay đổi chóng mặt, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện không chỉ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mà tư duy quản lý, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý... cũng cần phải cập nhật, bắt kịp thực tế.
Nếu Chính phủ hành động đủ nhanh, nếu các chính sách và cơ chế theo kịp xu thế và tạo được động lực cho các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển, thì đó chính là cơ hội lớn. Nhưng ngược lại, độ trễ càng cao thì lại trở thành thách thức cho Hệ sinh thái số Việt Nam" - ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VNG phụ trách mảng dịch vụ đám mây, chia sẻ.
Các công nghệ, ứng dụng thông minh made in Vietnam thu hút sự chú ý tại Internet Day 2018 - Ảnh: T.H
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng thẳng thắn thừa nhận: "Cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là "luật chơi".
Theo ông Hưng, thời gian gần đây vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự "xung đột" giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới. Về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
"Mặc dù các cơ quan quản lý đã có nỗ lực điều chỉnh, chúng ta cần thừa nhận rằng có một độ trễ nhất định của chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp" - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận