Trên cơ sở này, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng quyết định về một số cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2006-2010 trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ báo cáo đánh giá kỹ về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, làm sạch môi trường, phòng chống dịch bệnh...; xây dựng ĐBSCL trở thành một vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước.
Tại hội nghị lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 13 tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và xóa đói giảm nghèo của vùng ĐBSCL.
Được biết, năm năm qua, khu vực ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; các mặt văn hóa - xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào Khơme và nhân dân vùng ngập lũ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 10,41%, trong đó GDP ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng 7%/năm, công nghiệp xây dựng tăng 17%/năm, thương mại dịch vụ tăng 13%/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 7,83 triệu đồng/người/năm.
Nổi bật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, các tỉnh đã phát triển nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao (bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa...) phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Riêng trong lĩnh vực thủy sản, con tôm và cá nước ngọt là con vật nuôi chủ lực của vùng, trong đó đã hình thành các vùng nuôi tôm, cá công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 1.452 triệu USD... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế khu vực này chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người đạt thấp, chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí thấp hơn mức bình quân cả nước và tỉ lệ đói nghèo còn cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận