Theo các nhà nghiên cứu, đề án xây dựng tới 428 đập thủy điện tại lưu vực sông Amazon của Brazil - gấp ba lần hiện nay - sẽ phá hủy môi trường và thậm chí làm biến đổi thời tiết khu vực.
Trong bài viết trên tạp chí Nature của nhóm nghiên cứu này, họ đưa ra Chỉ số ảnh hưởng môi trường từ các đập ngăn nước (DEVI), để ước tính tác động từ các đập tương lai thông qua một loạt các tiêu chí. Đây là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách quyết định loại một số đập thủy điện ra khỏi quy hoạch.
Chỉ số này chia các đập thủy điện theo bậc từ 1 (ôn hòa) đến 100 (phá hủy cao), được sử dụng cho các đập thủy điện trong tương lai, đồng thời có thể áp dụng cho các đập hiện đang hoạt động.
Tác giả của bài viết, giáo sư Đại học Texas tại Austin, Latrubesse, cho biết: "Chúng ta phải liệt kê các rủi ro vào một bảng số liệu và thay đổi cách nhìn nhận của con người đối với vấn đề này".
Theo Ông Latrubesse, con người đang ngày càng phá hủy nhiều hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và "cần tìm kiếm một số giải pháp hợp lý để bảo tồn và phát triển bền vững".
Mạng lưới các nhánh sông chảy vào Amazon có quy mô lớn nhất trên thế giới, đây cũng là môi trường nuôi dưỡng hệ đa dạng sinh học cao nhất hành tinh. Phá hủy các nhánh của dòng chảy lớn khu vực thượng lưu sẽ ngăn chặn nguồn thực phẩm nuôi dưỡng hệ sinh thái tại hạ nguồn, gây ngập lụt các khu rừng khổng lồ, đe dọa các loại sinh vật sống dưới nước và các loại động vật hoang dã sống trên cạn.
Bên cạnh đó, ngăn chặn dòng chảy của sông Amazon cũng sẽ dẫn tới sự mất dần của các trầm tích hạ lưu, một trong những nguồn cung cấp dưỡng chất dành cho các giống cây đước - loại cây ngập mặn thường được trồng để phòng hộ rừng trước các cơn bão và là nguồn cung thức ăn cho nhiều loại sinh vật khác nhau.
Sự biến mất của các trầm tích cũng được xem là nguyên nhân khiến các châu thổ chính của thế giới - ngôi nhà của khoảng 600 triệu người dân - sẽ dần bị chìm do hiện tượng nước biển dâng (ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu) và nền đất hạ thấp dần (từ sự cạn kiệt của các mạch nước ngầm).
Thống kê của Ủy ban quốc tế về đập thủy điện lớn cho thấy, trên toàn thế giới hiện có hơn 58,500 đập lớn, cao ít nhất 15 mét từ nền móng tới đỉnh đập hay chứa ít nhất 3 triệu khối nước.
Nhà nghiên cứu hàng đầu về động lực bề mặt trái đất James Syvitski nhận xét: "Chúng ta đang chạm trổ bề mặt trái đất. Hàng nghìn con đập được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 19 đã hoàn toàn làm thay đổi hệ thống lõi hành tinh này".
Theo ông Syvitski, các con đập hiện đại có thể được xây dựng theo chiều hướng giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng bất lợi tới các loại động vật, các loại cá lớn và điều tiết lũ lụt khu vực hạ lưu, ngăn chặn khí carbon bên lề tầng khí quyển và giảm lượng trầm tích làm đầy các nguồn dự trữ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng để thực hiện được điều đó đòi hỏi chi phí rất lớn và làm giảm khả năng thu hồi vốn của các nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận