Trận mưa chiều 23-10 khiến đường An Dương Vương (Q.8, TP.HCM) nước ngập gần 0,5m - Ảnh: Tiến Long |
Qua kinh nghiệm từ thực tiễn, cần có hai giải pháp cụ thể để giải quyết bài toán ngập. Một là tạo sự liên thông giữa các khu vực thoát nước để chia sẻ bớt lượng nước ngập từ lưu vực này chảy bớt qua lưu vực khác khi có mưa lớn.
Dựa trên kết quả quan trắc của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ từ khi có ngành dự báo tới nay, chúng tôi thấy rằng mưa ngày càng gia tăng về lưu lượng.
Mặt khác, lượng mưa phân bổ không đồng đều. Cụ thể theo số liệu đo đạc của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP: trận mưa ngày 6-9-2014 đo được tại trạm Cầu Bông (Q.Bình Thạnh) tới 122mm nhưng những nơi khác lại thấp hơn; hay trận mưa ngày 19-10 tại trạm Phan Văn Khỏe (Q.6) tới 112,9mm nhưng ở trạm Quang Trung (Gò Vấp) xấp xỉ 13mm...
Như vậy trong khi một số tuyến cống tại Q.6 trở nên quá tải, ngập nước lan rộng thì ở những khu vực khác như kể trên, cống thoát nước không có nước để thoát.
Lâu nay thiết kế hệ thống thoát nước của chúng ta theo từng lưu vực. Ví dụ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có hệ thống cống, kênh rạch thoát nước riêng, tương tự lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm cũng vậy.
Do đó chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng tuyến cống bao kết nối các lưu vực với nhau để mượn hệ thống thoát nước của lưu vực này giúp lưu vực khác thoát nước khi xảy ra tình trạng nơi này mưa to, nơi khác mưa nhỏ.
Tuyến cống bao này có thể lắp đặt van và hệ thống bơm hỗ trợ. Trước mắt khu vực thượng lưu của Tân Hóa - Lò Gốm (khu vực Bàu Cát ở Q.Tân Bình) có thể kết nối với hệ thống cống, kênh thượng nguồn của Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua khu vực Hoàng Hoa Thám hoặc Út Tịch (cũng thuộc Q.Tân Bình).
Giải pháp thứ hai là xây dựng các kho nước phân tán (một dạng hồ điều tiết nước). Dựa theo cao độ từ cao đến thấp theo hướng tây - bắc - đông - nam để xây dựng các hồ điều tiết bậc thang nhằm giữ lại một lượng nước khi có mưa lớn, giúp chia tải với hệ thống cống hiện hữu.
Giải pháp này không chỉ giúp giảm ngập mà còn có thể tái sử dụng nguồn nước mưa phục vụ việc tưới cây, rửa đường thay vì sử dụng nguồn nước sạch như hiện nay rất tốn tiền.
Việc thiết kế và tính toán các hồ điều tiết phân tán này phải đồng bộ, tổng thể trên một lưu vực để tính toán các số liệu, dung tích hồ hợp lý dựa trên mặt bằng hiện có. Các hồ này có thể kết nối với nhau chứ không phải cái nào biệt lập cái đó.
Có thể tận dụng các hồ nước hiện có và các khu vực công cộng như công viên 23-9 (Q.1), công viên Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), khu vực bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, thậm chí sân vận động... làm các hồ điều tiết ngầm. Nếu mặt bằng quá chật hẹp thì làm những hồ điều tiết ngầm ngay phía dưới các đường cống hiện hữu.
Trên thế giới đã có nhiều nước làm được những mô hình hồ điều tiết như thế này. Kỹ thuật hiện nay hoàn toàn có thể triển khai những hồ chứa nước ngầm như thế.
Chẳng hạn để giải quyết bài toán ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và một số tuyến lân cận có thể tận dụng công viên Văn Thánh để làm hồ điều tiết.
Nếu khu vực này bị ngập sâu khoảng 1m (tương đương với lượng nước khoảng 35.000m³), khi đó chỉ cần làm hồ điều tiết với kích cỡ 60x60m, sâu khoảng 10m là có thể chứa hết lượng nước trên.
Mặt khác, có thể đào sâu các lòng kênh hiện hữu như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Ông Búp... để gia tăng khả năng chứa, thoát nước.
Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy chỉ cần lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đào sâu thêm 2m thì dung tích chứa nước tăng thêm khoảng 1 triệu m³ so với hiện hữu, tương tự các kênh rạch khác sẽ tăng lên đáng kể nếu được nạo vét, mở rộng...
Cần Thơ: chống ngập, “quên” tính độ lún đất Ngày 23-10, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp với các sở ngành để bàn các giải pháp chống ngập sau hai năm thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP. Theo Công ty Cấp thoát nước TP Cần Thơ, khu vực trung tâm TP Cần Thơ hiện có khoảng 62 tuyến đường bị ngập, trong đó đường bị ngập nặng nhất đến 0,6m. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (văn phòng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ), cho rằng thời gian qua vấn đề lún đất đã không được chú ý trong khi theo tính toán có thể lún đến 1,2cm/năm. “Làm sao để chống lún là vấn đề cần quan tâm bởi ta dùng mọi biện pháp chống ngập mà đất lún hoài thì không thể chống được. Chúng tôi có số liệu gián tiếp chứng minh được đất bị lún, dĩ nhiên với sự dè dặt rất cao, vì vậy đề nghị có nghiên cứu bổ sung việc lún này để chống ngập có hiệu quả” - ông Vinh đề xuất. Đà Nẵng: dân bịt hố ga góp phần gây ngập Mới mưa đầu mùa nhưng nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ, một phần là do các cống thoát nước bị bịt kín, làm mất đi hiệu quả thoát nước. Theo thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, trận mưa lớn ngày 22-10 tại trung tâm thành phố có hơn 10 điểm ngập từ 20-40cm trong thời gian gần một giờ. Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy các tuyến đường bị ngập trong thống kê trên đều có cửa thoát nước bị xâm hại làm mất đi hiện trạng ban đầu. Một số cửa hố thu nước được người dân dùng gạch, đá hoặc ximăng trám kín, chỉ chừa lại lỗ nhỏ để thoát nước. Theo người dân, do cửa thu nước bị mất nắp chắn rác nên chuột, gián từ dưới cống thường xuyên bò lên chui vào nhà, mùa nắng thì hôi thối, nên họ phải chèn kín hoặc trám lại. Ông Đặng Minh Dũng, phó giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết do hệ thống thoát nước mưa được thiết kế chung với hệ thống thoát nước thải nên việc phát sinh mùi hôi từ đường cống là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào người dân cũng không được can thiệp vào hố thu nước. |
Diễn đàn hiến kế chống ngập: mong chờ giải pháp “Cách đây đúng hai năm, báo chí đưa tin TP.HCM cử đoàn sang Bangkok để học tập kinh nghiệm chống ngập của thủ đô Thái Lan. Giờ, không biết bài học hai năm trước được áp dụng như thế nào, hay chỉ cưỡi ngựa xem hoa...” - đó là ý kiến của bạn đọc Hoàng Vy phản hồi bài viết Hiến kế chống ngập bằng giữ nước và thấm nước của KTS Đào Đông Nhựt trong diễn đàn Hiến kế chống ngập do Tuổi Trẻ Online tổ chức trên tuoitre.vn. Thậm chí, bạn đọc Nguyễn Hải còn nhắc lại cách đây chục năm, báo Tuổi Trẻ đã đăng nhiều bài viết bàn giải pháp chống ngập cho TP.HCM. Ngập và chống ngập ở TP.HCM là câu chuyện rất cũ, hoặc chưa được xử lý rốt ráo, hoặc làm sai... nên cứ đến hẹn lại ngập và nhiều nơi chưa từng biết ngập là gì nay phải như lời đùa như thật của một bạn đọc “phải tính chuyện sắm xuồng để dễ đi lại”. Diễn đàn Hiến kế chống ngập vì thế cần phải quay trở lại với hai gợi ý ngắn gọn: Bạn có sáng kiến gì trong việc giúp chống ngập? Các đô thị khác nên rút ra những bài học gì để tránh rơi vào tình trạng ngập nặng như TP.HCM? Chỉ sau một ngày (mở đầu ngày 22-10), diễn đàn đã nhanh chóng nhận được hơn 120 ý kiến bạn đọc. Mời bạn tiếp tục chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc ở phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết liên quan... để cùng cơ quan chức năng trả lời được câu hỏi khi nào TP.HCM hết ngập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận