Khi cua trưởng thành, đủ lô đủ ký, đủ dinh dưỡng thì cho xuất chuồng.
Tò mò mô hình nuôi của biển trên cạn của chàng trai trẻ Lê Đức Cảnh (ở Thanh Trì, Hà Nội), sáng sớm chúng tôi có mặt ở nông trại ven sông Hồng của gia đình anh để tận mục sở thị mô hình độc đáo này.
Huấn luyện cua biển
Ngoài trời giá lạnh, nhưng bên trong nhà cua lúc nào nhiệt độ cũng 25 tới 27 độ C - mức nhiệt lý tưởng để cua sinh sống. Giám đốc Cảnh đã tới nông trại từ sáng sớm, nhưng kỹ thuật viên Huỳnh Trọng Lực còn có mặt sớm hơn để chăm sóc lũ cua mà anh xem chúng như con của mình. Biết khi nào chúng đói ăn, khi nào đổ bệnh, khi chịu chơi, khi lột vỏ và lúc đến tuổi dậy thì - tuổi thu hoạch.
Chiếc đèn pin đội đầu soi sáng, cùng cuốn sổ và cây bút, anh Lực đi gõ cửa từng phòng cua để kiểm tra và ghi chép các thông số về tình trạng của cua một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Công việc này anh phải làm mỗi ngày, một ngày ba lần để đảm bảo các chú cua vui sống khỏe mạnh.
Ngôi nhà của cua được chia dãy như những tòa chung cư nhiều phòng nhỏ, cao vừa đầu người để tiện việc chăm sóc. Để tránh hại nhau, mỗi chú cua được ở một phòng, được đánh số rõ ràng. Ở giữa có khoét một đường tròn như chuồng bồ câu để quan sát, cho cua ăn và dọn vệ sinh.
Riêng những chú cua con được đưa về từ Cà Mau đều phải qua chọn lựa, vận chuyển cẩn thận về thủ đô. Lọc một lần nữa, chỉ giữ lại những con thật sự khỏe mạnh. Cua Cà Mau nổi tiếng ngon cả nước nên đã được chọn làm vùng giống duy nhất.
"Khó nhất thời gian đầu mới đưa cua giống về, tìm cách để cua thích nghi với môi trường sống trên phố. Mỗi ngày chúng tôi phải theo dõi nhất cử nhất động của cua, xem cua có chịu ăn chịu ngủ không, có khỏe hay yếu ớt. Mất vài tuần đầu, cua khỏe mạnh mình mới yên tâm được" - anh Lực chia sẻ rồi soi đèn pin vào hộp cua thấy thức ăn đã hết, anh nói đó là con cua khỏe.
Sinh ra ở phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), anh Lực vừa có kinh nghiệm thực tế vừa có kiến thức chuyên ngành thủy sản học ở Trường đại học Nông Lâm TP.HCM. Cùng với đam mê nghiên cứu, thực nghiệm mô hình mới, anh đang có những thành công bước đầu trong sự nghiệp khi tuổi còn khá trẻ.
Nhờ có hồ sơ chất lượng, anh đã lọt vào mắt xanh tuyển dụng yêu cầu cao của sếp Cảnh và gắn bó tới nay. Như minh chứng của duyên phận, anh Lực đã cưới vợ và gia đình anh sinh sống ngay cạnh nông trại cua.
Tìm "thượng đế" cho cua
Thuần phục được cua biển sinh sống ở trên cạn đã khó, tìm được khách hàng mê cua cũng khó không kém. Thị trường kinh doanh luôn là bài toán với bất kỳ ông chủ nào, dù mô hình có độc đáo đến mấy.
Anh Cảnh thấu hiểu điều này, vì thế khi chia sẻ mô hình kinh doanh với các start-up trẻ, anh luôn hỏi câu đầu tiên: "Đã tìm được thị trường cho cua chưa? Tìm được rồi hãy học nuôi cua. Vì mình học nuôi được thì các bạn ấy cũng có thể nuôi được nếu xuống trại cua một thời gian, nhưng thị trường thì không ai dạy cho ai được".
Ban đầu quyết định đem cua biển về phố nuôi, anh Cảnh cũng không thể nuôi loại cua biển thông thường như cua thịt, cua gạch.
"Nước ta có đường bờ biển dài, các tỉnh ven biển đều có thể đánh bắt cua biển, nuôi cua đầm. Bây giờ mình cũng nuôi loại cua đó thì không thể nào cạnh tranh được về giá, tôi phát hiện loại cua lột rất hiếm, không nơi nào nuôi được nên đầu tư ngay" - anh Cảnh giải thích cua lột là loại vỏ mềm, giá trị dinh dưỡng cao, khi ăn không cần bỏ vỏ.
Cái khó khi nuôi loại cua này là phải đầu tư, nào trang thiết bị, nào thời gian chăm sóc, thu hoạch nên đẩy giá thành lên cao. Một năm cua lột vài lần, mỗi lần lột chỉ vài tiếng là cứng vỏ nên phải canh bắt đưa vào đông đá. Hiện nay cua lột của nông trại anh Cảnh có giá gần 800.000 - 900.000 đồng/kg.
"Trong group những người nuôi cua hay giao lưu với nhau, có người hô hào cứ nuôi thành công đi đã rồi tính thị trường tiêu thụ. Nhưng tôi cản, khuyên họ phải làm ngược lại, tìm thị trường trước nếu không sẽ hối hận" - anh Cảnh cho biết nhiều người đã thất bại khi học mô hình nuôi cua lột giống anh.
Một bạn trẻ quê Tuyên Quang gọi điện mong anh chỉ giáo cách nuôi cua lột và khoe đang có trong tay gần hai tỉ tiền vốn. "Bạn ấy nói đầy hào hứng, nhưng khi tôi hỏi thị trường em có chưa. Bạn ấy nói chưa có, dự định sẽ đưa xuống Hà Nội tiêu thụ. Tôi lại hỏi em đã tính quãng đường vận chuyển từ Hà Nội lên Tuyên Quang chưa. Bạn ấy thật thà nói chưa tính, rồi bảo anh bao tiêu giúp em...
Tôi trả lời rằng anh làm sao có thể bao tiêu hết được, bao tiêu phải chấp nhận hạ giá, có chịu lỗ được không và không phải lúc nào cũng bao tiêu được" - nghe anh Cảnh phân tích, bạn trẻ ấy đã tạm dừng dự án khởi nghiệp của mình.
"Phải hiểu thị trường cua, sở thích của thượng đế mới làm được" - anh Cảnh cho biết riêng khẩu vị của người Hà Nội cũng khác với người Sài Gòn. Hà Nội thích loại cua to, càng to càng khoái; còn người Sài Gòn thích loại cua nhỏ, vừa.
Ngã xuống, đứng lên từ COVID-19
Được đào tạo bài bản chuyên ngành kinh doanh ở Singapore về nước, ông chủ tuổi 30 Lê Đức Cảnh từng thành công ở mảng giáo dục với chuỗi trường mầm non chất lượng cao tại Hà Nội. Nhưng hai năm trước, dịch COVID-19 đã "đóng băng" tất cả các điểm trường của hai vợ chồng. Anh đưa gia đình về nông trại mẹ vợ ở ẩn, trốn dịch, ý tưởng nuôi cua biển trên phố cũng nảy ra từ đây.
Nắm được tình hình mùa đông ở miền Bắc cua biển hiếm, vì lạnh nên chúng kém sinh trưởng. Anh Cảnh nhớ mô hình nuôi cua biển trên phố từ thời còn du học sinh, các nước Malaysia và Singapore đều đã làm thành công. Tham khảo thêm các tài liệu trên mạng, anh bắt đầu thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam.
"Khi thực hiện vẫn phải thay đổi, điều chỉnh tất cả các thông số để cua sinh trưởng. Ví dụ nước biển ở ta khác, khí hậu khác và giống cua nuôi cũng khác. Chúng tôi phải thử nghiệm, theo dõi, tìm ra vấn đề cần giải quyết. Thất bại nhiều lần, tốn kém nữa", anh Cảnh cười nhớ lại.
Lần cua chết nhiều nhất khiến anh Cảnh mất cả trăm triệu tiền giống là khi cua bị đánh thuốc để vận chuyển mà vẫn khỏe mạnh. "Cua mang về trại tuần đầu đều khỏe, hai anh em mừng lắm nhưng đến tuần thứ hai thứ ba thì lăn ra chết. Mỗi ngày chết mấy chục con", anh kể về sau phải chọn nơi cung cấp giống tin tưởng.
Anh Cảnh còn phải trả lời câu hỏi của "thượng đế" về cua tự nhiên tốt, giá rẻ hơn cua nuôi. Về giá trị dinh dưỡng, anh cho biết có thể dùng máy móc phân tích, đo đếm. Còn môi trường ngoài tự nhiên tốt, nhưng rủi ro cua dễ nhiễm khuẩn, ký sinh và dễ thiếu dinh dưỡng vì bị cạnh tranh nguồn thức ăn.
Cua nuôi kiểm soát được bệnh tật, độ dinh dưỡng. Về môi trường, anh đã tìm hiểu đầu tư quy trình lọc nước vi sinh tuần hoàn với độ mặn phù hợp. Thức ăn từ nguồn tự nhiên cũng phải được làm sạch để tránh nhiễm khuẩn và nếu cho hóa chất vào sẽ hỏng toàn bộ nguồn nước.
Hiện nay một số tỉnh thành đã xuất hiện mô hình nuôi cua biển trên cạn như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP.HCM nhưng số lượng không nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận