Hai người lái xe cự cãi nhau sau một va chạm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm điều khiển hai xe máy tông vào một người phụ nữ đang mang thai. Bất chấp sự khuyên ngăn của người dân, một trong bốn thanh niên cầm gậy đe dọa người đi đường và vụt vỡ nát phần đầu một xe máy dựng bên lề đường. Đó là một thiếu niên 17 tuổi.
Những hình ảnh xấu xí lan truyền khắp nơi
Câu chuyện này tiếp nối sau rất nhiều vụ nổi cơn hung hãn giữa đường liên tiếp xảy ra gần đây. Mấy tuần trước, mạng xã hội ầm ĩ lan truyền clip đánh ghen trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
Vấn đề chính được quan tâm là những cái vung tay múa chân của ba người trong cuộc cùng một vài người đi đường, song ít ai để ý cuộc ẩu đả ấy đã làm tắc nghẽn cả đoạn đường dài. Những người đang bận rộn với công việc phải mất thời gian để thoát ra khỏi đám người hiếu kỳ.
Ngày 20-9, một thanh niên điều khiển xe phân khối lớn đã tông gãy chân CSGT đang thi hành nhiệm vụ ở Gia Lâm, Hà Nội rồi bỏ trốn. Ngày 22-9, trên đường Nguyễn Văn Bứa, đoạn qua xã Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn, TP.HCM), một người phụ nữ đi chợ bằng xe máy bất ngờ dừng xe và chặn đầu một chiếc xe tải.
Sau đó chị này trèo lên đầu xe, bẻ gãy cần gạt nước, gây hấn với tài xế và có hành động khiêu khích người đi đường...
Đó là những hình ảnh xấu xí được ghi lại và lan truyền khắp nơi. Nhưng theo định nghĩa giao thông đường bộ, phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông qua lại. Đánh ghen hay giải quyết mâu thuẫn không phải là chuyện đem ra đường, giữa phố.
Những cái xấu trong clip lan truyền nhanh hơn những điều tốt đẹp trẻ đang học trong nhà trường. Bên dưới những clip đó còn chứa đựng hàng ngàn bình luận các kiểu, trẻ có thể xem và đọc hết tất cả. Và bao nhiêu bài học ở trường bị chìm lấp trước hình ảnh hung nộ, bất chấp luật giao thông của người lớn trên đường và trên mạng.
Muốn chê người khác, hãy nhìn lại mình
Bên dưới những đoạn clip tương tự như trên thường có những ý kiến so sánh văn hóa giao thông Việt Nam với các nước khác, kiểu như "ở nước ngoài thì...". So sánh vậy rồi cũng sẽ không thể tốt hơn nếu người Việt vẫn cứ đi đứng bất chấp trật tự và văn minh trên đường.
Phê phán thì ai cũng có thể nói, nhưng sửa mình để đi đứng đàng hoàng thì không thấy rõ. Như kiểu những đứa trẻ luôn bị cha mẹ đem ra so sánh với bạn bè "con nhà người ta như vậy...", mà không nhìn lại thực tế trong chính gia đình mình.
Ý thức văn hóa giao thông nơi người Việt cũng đang bị ám ảnh bởi phán xét này. Rất dễ thấy kiểu so sánh chuyện giao thông xứ mình với nước ngoài, mà quên rằng cái "tệ" của giao thông xứ mình trước tiên do chính người mình tạo nên.
Thay vì phê bình, hãy nhìn thẳng vào thực tế: Chúng ta đi đứng văn minh chưa? Luật giao thông có đó nhưng bao nhiêu người chưa tuân thủ? Muốn thay đổi, từng người phải tự giác thay đổi. Và muốn chê bai ai khác, xin nhìn lại chính mình.
Trở lại câu chuyện thiếu niên 17 tuổi gây án trên đường sau va chạm giao thông, lại thấy quá nhiều lời phê kiểu "còn trẻ mà đã nổi máu hung hăng thế này?", không ít người bình loạn cả hình dáng mặt mũi đương sự. Thật đáng buồn, đó là một trong hàng chục triệu trẻ vị thành niên đã và đang chứng kiến kiểu ứng xử giao thông của người lớn trên đường.
Rồi có người lại lên tiếng chê trách nhà trường trong việc giáo dục học sinh về giao thông. Xin thưa, trẻ mầm non và tiểu học đã được học bao điều về an toàn giao thông, về đi đúng làn dừng đúng vạch, chấp hành tín hiệu đèn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận