Đại biểu Nguyễn Thị Khá |
Nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bức xúc trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 10-11 về tình trạng đất nông, lâm trường bị buông lỏng quản lý, dẫn đến bị lấn chiếm, xâu xé để làm nhà vườn, biệt phủ...
* Đại biểu NGUYỄN THỊ KHÁ:
Người đứng đầu có chịu trách nhiệm gì không?
Đối với cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành khác có liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp... xin hỏi người đứng đầu có chịu trách nhiệm gì không?
Đối với cơ quan tài chính, thanh tra và kiểm toán, đối với các đơn vị được giao, khai thác quản lý sử dụng đất đai với diện tích lớn chỉ nộp ngân sách trong 10 năm là khoảng 1.722 tỉ đồng.
Các đơn vị còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì ý kiến ngành tài chính về vấn đề này ra sao? Hay vào túi cá nhân nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: V.Dũng |
* Bộ trưởng Bộ NN&PTNT CAO ĐỨC PHÁT:
Xin Quốc hội minh xét
Báo cáo với Quốc hội là chính nhờ các nông, lâm trường thì chúng ta mới hình thành được ngành cà phê, ngành cao su, ngành chè. Nhiều nông, lâm trường là nòng cốt để bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở các vùng miền núi, nông thôn.
Do đó, tôi băn khoăn khi có ý kiến nói là đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất có vẻ như là vì nông, lâm trường. Tôi xin Quốc hội minh xét lại chỗ đó.
Khuyết điểm chính của chúng tôi là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả. Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội là tổ chức thực hiện kém hiệu quả, bản thân tôi cũng thấy rõ điều đó, cũng cố gắng mà làm nhưng không được như mong đợi.
Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang): Nên giải thể nông lâm trường kém hiệu quả
Tôi vẫn nhớ lần dự hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần 7 khóa IX tháng 3-2003 nghị quyết về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nội, ông Trương Đình Tuyển vừa rời chức bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về làm bộ trưởng Bộ Thương mại nói: “Tôi về làm bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chỉ có công duy nhất là “phá” hết các nông lâm trường quốc doanh. Nó toàn phát canh thu tô, còn dân thì không có đất sản xuất”. Lúc đó tôi vô cùng khâm phục ông Tuyển vì năm 1988, tôi làm giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao toàn quyền quản lý ngành dọc từ tỉnh đến xã, có quyền giải thể các doanh nghiệp thuộc sở và đề bạt cách chức từ phó giám đốc sở đến giám đốc các công ty, xí nghiệp trực thuộc. Được Tỉnh ủy ủng hộ nên trong 3 năm (tháng 3-1988 đến tháng 10-1991) tôi đã giải thể hết các nông lâm trường quốc doanh thuộc sở và cũng là của tỉnh. Nhờ số lượng ít và làm ăn không có uy tín nên bị giải thể ai cũng mừng chứ không ai phản đối. Nay theo dõi thấy Quốc hội bàn trở lại, các đại biểu cho biết qua giám sát phát hiện nhiều nơi ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, ở đâu cũng có điểm nóng và cũng có thể trở thành điểm nóng tranh chấp đất giữa dân và chính quyền. Có nơi người ta lợi dụng các “dự án” mà thực hiện việc chia chác nên nông trường còn đất sống. Có đại biểu còn thông tin các nông trường đang sở hữu nhiều đất đai thẳng cánh cò bay, rồi cho thuê, phát canh thu tô, rất lãng phí trong khi dân nghèo thì lại không có đất sản xuất. Riêng ở ĐBSCL một vài nông trường dù không đến mức như ở phía Bắc nhưng cũng có tình trạng đất đai để hoang hóa, lãng phí tương tự. Tôi đề nghị đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần mạnh dạn kiểm tra rà soát kỹ và đi đến quyết định giải tán các nông, lâm trường quốc doanh đang nắm giữ nhiều đất đai nhưng sử dụng không hiệu quả. Chúng ta có thể giải quyết bằng cách cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho người trực canh (nông trường viên nhận khoán) thu tiền theo Luật đất đai và theo tỉ lệ thời gian trực canh, không theo giá thị trường, do họ đã đầu tư trước rồi. Đây là chính sách “tam nông” của Đảng cần phải minh bạch. Tuyệt đối không bán đất lâm nông trường cho tư nhân, cho các “đại gia” đầu cơ đất đai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận