Độc giả Dương Văn Rê nhấn mạnh: “Nếu là tôi, tôi đã tự hào. Ai cũng đã trải qua một thời đi học, dễ gì có điểm 10. Con bạn không đi học thêm mà có điểm 9, tự hào biết bao. Đó là cháu đang đi trên đôi chân của cháu đó! Thật đáng tự hào!”.
“Tôi nhấn mạnh không phải ai mà phụ huynh chính là người hiểu con mình nhất và là người tạo bàn đạp, bệ phóng cho con mình đầu tiên và cơ bản nếu không nói là quyết định. Đâu rồi những người hiểu con mình như bà mẹ của ông Mạnh Tử? Đâu rồi những người cha như ông tổng thống Lincol”, thầy Trần Văn Đúng (giáo viên ngữ văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1) chia sẻ.
Độc giả Hoàng (ngụ quận 9) cho biết: “Việc gì phải xấu hổ, tự gây áp lực cho mình và cả cho con, lẽ ra nên động viên con mới phải. Khi con mình đi thi chứng chỉ ngoại ngữ, cháu rất lo lắng và hỏi "Nếu con thi rớt ba có la con không"?. Tôi đã trả lời: "Con là người Việt, con thi rớt ngoại ngữ là chuyện thường nhưng nếu con viết tiếng Việt sai chính tả thì thật đáng trách. Vậy mà cuối cùng cháu thi đậu”.
Nói về sự việc này, thầy Trần Văn Đúng (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1), cho rằng điểm số cũng rất quan trọng khi nhà trường, xã hội còn dựa vào đó để xếp loại năng lực học sinh nhưng đó không phải là tất cả để đánh giá học sinh.
Thầy Đúng giải thích vì thực tế chính cách đánh giá “cào bằng” như vậy vô hình trung không chỉ tạo áp lực nặng nề cho học sinh phải học “tổng lực” để được điểm cao hay loại giỏi, xuất sắc. Nhưng nếu học tổng lực như thế học sinh không còn thời gian để phát triển năng lực hay năng khiếu thế mạnh của mình, thậm chí là chăm lo sức khỏe như chơi thể thao hay tập thể dục.
“Một học sinh đạt điểm số cao không có nghĩa là học sinh đó giỏi kỹ năng sống, trong đó có những kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sinh tồn, hòa nhập… Một học sinh giỏi toán vẫn có thể ngây ngô về giới tính hay với các sự vật xung quanh. Một học sinh giỏi nhất trường nhưng cũng có thể là một đứa con vô tâm, một học sinh cư xử thiếu lễ độ với thầy cô. Một học sinh gian lận vẫn có thể đạt điểm cao hơn một học sinh tự làm bài hoặc có lòng tự trọng khước từ sự “giúp đỡ” của bạn bè hay thầy cô”, thầy Đúng tâm sự.
Ông Trần Quốc Phúc (tác giả của bộ sách giáo dục con trẻ Vườn tâm hồn): “Điều đầu tiên cha mẹ cần phải cảm thông cho con cái. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng nhất định ở một lĩnh vực nào đó. Hi vọng đặt ra cho con là rất tốt nhưng nếu con không có khả năng làm thì một lúc nào đó cha mẹ sẽ cảm thấy thất vọng và bắt đầu so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Điều này vô tình tạo nên áp lực cho trẻ. Hãy mong con cái mình trở thành người có nhân cách, có tâm hồn đẹp, có lòng tốt, sự vị tha... thay vì muốn con mình sẽ đoạt một giải thưởng nào đó, một kỳ tích nào đó". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận