Các doanh nghiệp vận tải hành khách than gặp nhiều khó khăn hơn do dịch COVID-19 và giá xăng dầu tăng - Ảnh: THANH HÀ
Tác động kép: dịch COVID-19 và tăng giá xăng
Chiều 11-3, giá xăng dầu đã lập đỉnh liên tiếp lần thứ 7 kể từ kỳ điều hành hồi tháng 12-2021. Theo đó, giá xăng dầu tăng gần 3.000 đồng/lít và hiện giá bán lẻ xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Mức tăng giá xăng dầu lần này là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 12-3, ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho hay xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải hành khách.
Ông nói dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, không có khách đi xe, chịu lỗ rất lớn, đến nay mới bắt đầu phục hồi lại tăng giá xăng dầu.
"Tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng rõ ràng các doanh nghiệp vận tải đang trong cảnh "khó chồng khó"", ông Liên nêu.
Vị này nhận định dù không mong muốn nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng tới túi tiền và khiến hành khách thêm phần ngại đi xe.
Người dân đi đổ xăng ở một cây xăng tại Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ông Đỗ Văn Bằng - giám đốc Công ty Sao Việt - cho biết tác động của dịch COVID-19 khiến lượng khách đi xe của đơn vị giảm rất mạnh.
Hiện tại, số lượng xe của công ty chỉ hoạt động ở mức 20 - 30% sản lượng. Nhiều chuyến xe do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách.
"Thời gian vừa qua, với chúng tôi càng chạy càng lỗ mà giờ lại thêm tăng giá xăng dầu thì không biết sẽ như thế nào. Thực sự, lúc này quá đau đầu", ông Bằng chia sẻ.
Giám đốc Công ty Sao Việt cũng cho hay trong thời điểm hiện tại khi người dân, doanh nghiệp đều trong tình cảnh "khổ sở" mà tính đến bài toán tăng giá vé thì gần như góp phần "tăng lạm phát".
"Khách ít nên nếu phải tăng giá vé chúng tôi cũng thấy xấu hổ, ngại nhưng không tăng không thể nào chịu nổi khi chi phí xăng dầu lên tới 40 - 50%. Ở đây, chỉ còn cách dừng chạy mới không phải đau đầu", ông Bằng nói thêm.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải - giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) - cũng than việc tăng giá xăng dầu cùng với dịch bệnh COVID-19 làm cho doanh nghiệp "khó khăn chồng khó khăn".
Theo ông Hải, lượng khách đi xe rất ít, phải cắt giảm xe, nhân sự nên giá xăng dầu tăng nhưng chưa dám tính đến tăng giá vé.
"Giờ càng chạy, càng làm càng lỗ", ông Hải chia sẻ và thông tin, hiện tại đơn vị đang tiếp tục tìm cách cắt giảm tối đa để giảm lỗ, đảm bảo hoạt động.
Ông Hải cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét việc chi thêm từ quỹ bình ổn và xem xét giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá xăng dầu trong thời điểm này.
Một giám đốc công ty taxi ở Hà Nội cho biết dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, phải đi vay để duy trì hoạt động, cộng thêm giá xăng dầu tăng khiến lái xe mất thu nhập và bỏ việc.
Theo vị này, việc tăng giá được đơn vị tính đến nhưng phải cân nhắc, đánh giá kỹ khi khách chưa nhiều và cạnh tranh gay gắt.
Người dân khó chồng thêm khó
Nhiều người dân cũng than khó khăn khi chi phí sử dụng phương tiện cá nhân và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng tăng theo giá xăng dầu.
"Trước Tết, tôi đổ đầy bình xăng chỉ mất khoảng 120.000 đồng, còn giờ lên tới gần 180.000 đồng.
Chưa kể, sau khi giá xăng tăng, giờ đi chợ, rau tăng 10.000 - 12.000 đồng/mớ tùy loại, thịt, cá cũng được thông báo tăng thêm do cước vận chuyển tăng", chị Hạnh, nhà ở Thanh Xuân (Hà Nội) nói và cho hay gia đình đang phải tính đến việc vợ chồng đi cùng một xe máy, để một xe ở nhà nhằm giảm chi phí.
Còn anh Đỗ Phong (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, từ sau Tết, khi giá xăng tăng cao, anh đã quyết định làm vé tháng để đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông với mức 200.000 đồng/tháng thay vì đi xe máy dù lo ngại vấn đề dịch bệnh khi di chuyển đông người.
Trong khi anh Nguyễn Quy (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, bình thường "nuôi" xe ô tô tối thiểu phải chi gần 2 triệu đồng/tháng, khi giá xăng tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít thì chi phí "đội" lên rất nhiều.
"Trong lúc khó khăn dịch bệnh mà xăng tăng giá cao thì cuộc sống người dân sẽ khó thêm. Riêng tiền đổ xăng đi lại của tôi cũng mất thêm vài trăm nghìn/tháng, chưa kể hàng hóa tăng theo", anh Quy nói thêm.
Trước đó, từ ngày 10-3, Grab đã có thông báo tăng giá cước tất cả các dịch vụ để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng.
Trong đó, GrabCar tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM lên 29.000 đồng, xe 7 chỗ lên 34.000 đồng. Mỗi kilômet tiếp theo lên 10.000 đồng...
Với GrabBike, tại Hà Nội, giá 2km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi kilômet sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP.HCM cũng tăng lên 12.500 đồng cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận