Giá xăng tăng do thuế môi trường. Đồ họa Như Khanh |
Bộ Công thương khẳng định sau điều chỉnh, giá bán xăng hiện nay vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Campuchia, Lào, Trung Quốc).
Đừng chỉ nghe doanh nghiệp báo cáo
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả cho rằng ở nước ta còn những doanh nghiệp mang tính thống lĩnh thị trường.
Quan trọng hơn, khi Bộ tài chính điều chỉnh giá xăng dầu đã không tổ chức điều tra, khảo sát thực tế mà chỉ nghe qua báo cáo hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp ấy nên chưa thật sự khách quan.
“Mức tăng lớn là do chi phí kinh doanh của một doanh nghiệp xăng dầu bao gồm cả công tác quản lý, tiền lương, hao hụt… Nếu thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh thực sự giữa các doanh nghiệp thì tự động giá sẽ được điều chỉnh ở mức phù hợp”, ông Long cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Long nhận định, nhiều doanh nghiệp cứ biện minh là do các hoạt động sản xuất tốn nhiều chi phí nhưng thực chất vẫn... lãi hơn cùng kì năm rồi. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm tra giá cơ sở, đừng chỉ nghe vào những số liệu báo cáo của doanh nghiệp.
>> PGS. TS. Ngô Trí Long
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch - Ủy viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, các ủy ban chuyên trách như Ủy ban Tài chính ngân sách hoặc Ủy ban Kinh tế cần phải theo dõi và giám sát để làm rõ hoạt động của các doanh nghiệp cũng như có những cơ sở để điều chỉnh giá xăng dầu hợp lý.
Ông Trần Du Lịch nói chỉ riêng Petrolimex đã chiếm khoảng 50% thị phần. Cơ bản là làm sao xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự thì mới giải quyết được vấn đề.
>> Ông Trần Du Lịch
Giá xăng tăng cao khiến nhiều người lưu ý đến những bí quyết tiết kiệm xăng - Ảnh: Thuận Thắng |
Tăng giá phải có cơ sở
Ông Lịch cho rằng: “Vấn đề không phải là do biến động giá xăng dầu thế giới mà vấn đề là phải xác định cơ sở nào để nâng mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lit lên thành 3.000 đồng/lit”
>> Ông Trần Du Lịch
Ông Long cho rằng: “Trong cơ cấu giá bán lẻ có một bộ phận rất quan trọng là thuế và phí, khi thuế tăng thì chắc chắn cơ cấu giá bán lẻ cũng sẽ tăng”.
Theo ông Long, nói giảm thuế nhập khẩu và tăng thuế bảo vệ môi trường thì không ảnh hưởng đến giá xăng là chưa hợp lý vì xét trên thực tế một lit xăng thì mức tăng này lớn hơn mức giảm.
Giá nhập khẩu xăng dầu thế giới là như nhau, quốc gia nào cũng như quốc gia nào. Tuy nhiên, mặt bằng từng nước sẽ có mức thuế, phí, quỹ bình ổn và chi phí kinh doanh khác nhau từ đó hình thành nên giá bán lẻ xăng dầu. Đầu ra cao tất yếu là do thuế và chi phí kinh doanh của chúng ta quá cao.
>> PGS. TS Ngô Trí Long
Ông Long cho rằng: “Là người “cầm cân nảy mực” thì phải làm sao hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Đi vào phân tích, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ rõ: “Thuế là lợi ích của nhà nước và phải thu ở mức độ phù hợp để doanh nghiệp còn có thể cạnh tranh.
Về phía doanh nghiệp, lợi ích của họ trong cơ cấu giá là lợi nhuận thì lợi nhuận doanh nghiệp cũng phải hợp lý. Lợi ích của người tiêu dùng là mức giá cả. Thuế thu cao thì đương nhiên giá sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng”.
Ở các nước có nền kinh tế phát triển, có môi trường cạnh tranh thực sự, giá cả được hình thành ở mức hợp lý nhất.
>> PGS. TS Ngô Trí Long
Theo ông Long, có rất ít quốc gia trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, ở châu Âu, chỉ có Đức đánh thuế này. Việc áp dụng loại thuế này không là vấn đề gì nhưng điều đáng quan tâm là mức thuế này quá cao, tương đương 15% giá xăng.
>> PGS. TS Ngô Trí Long
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Thuế bảo vệ môi trường phải sử dụng hợp lý. Phải tách bạch mục đích sử dụng nguồn thu này. Xác định rõ thu thế nào, sử dụng ra sao”.
TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - nhận định: “Trong tương lai, nếu chúng ta tính đúng, tính đủ thì thuế môi trường là cần thiết”.
Tuy nhiên, ông Du nhấn mạnh, vấn đề cần bàn là sử dụng nguồn thu đó như thế nào để hợp lòng dân, nâng cao niềm tin của quần chúng.
>> TS. Huỳnh Thế Du
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận