Ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - chủ trì hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Chiều 21-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban công tác phía Nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam, quý 1-2022.
Đưa ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Văn Khoa - ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho biết hiện nay người dân đang rất quan tâm về các biện pháp kiềm chế giá xăng. Giá xăng dầu tăng rất nhanh thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Theo ông, xăng dầu hiện nay được xem là mặt hàng thiết yếu. Người dân mua 100.000 đồng xăng, trong đó có thể 50% là thuế và lệ phí, như vậy là quá cao. Bên cạnh đó, hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia, theo ông là "quá phi lý".
Vừa qua, Nhà nước có điều chỉnh giảm VAT xuống 8% cho một số mặt hàng, nhưng xăng vẫn giữ 10% trong khi đây là mặt hàng thiết yếu.
"Mấy chục năm trước, khi đất nước khó khăn, người ta quan niệm chỉ người giàu mới dùng xăng dầu, coi như mặt hàng không thiết yếu, nhưng đến bây giờ vẫn áp dụng quan điểm này thì quá là phi lý", ông Khoa nói.
Ông Đặng Văn Khoa - ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Còn theo ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - hiện nay nghịch lý là Việt Nam khai thác dầu và xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu dầu. Năm 2021, Việt Nam xuất 3,5 triệu tấn dầu được 1,7 tỉ USD và nhập 6,9 triệu tấn xăng dầu với số tiền 4,4 tỉ USD.
Ông Anh cho rằng Việt Nam phải đầu tư cho lọc hóa dầu và các ngành cơ bản như ngành nhựa, ngành cao su. Đây là những ngành chúng ta phụ thuộc 90% vào nước khác.
"Vừa qua, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hạn chế công năng do không đủ dầu lọc xăng trong khi chúng ta đang sản xuất dầu thô. Chúng ta đang nhập dầu mỏ trong khi chúng ta có dầu mỏ", ông Anh dẫn chứng.
Về vấn đề đầu tư FDI, ông Anh cho biết theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vừa qua có 14.100 doanh nghiệp khai lỗ tới 151.000 tỉ đồng. Những doanh nghiệp này lỗ liên tục nhiều năm, nhưng tài sản và quy mô đầu tư ngày càng tăng lên.
"Đây là nghịch lý. Các doanh nghiệp ít lỗ nhất là các nhà đầu tư châu Âu, nhiều lỗ nhất là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong", ông Anh nói.
20 năm trước, Việt Nam thiếu việc làm, dư lao động, nhưng bây giờ lại thiếu lao động. Doanh nghiệp đưa ra chính sách để thu hút người lao động nhưng vẫn thiếu. "Lao động bây giờ như vàng" nhưng Việt Nam vẫn đón nhận những doanh nghiệp FDI về da giày, dệt may sử dụng hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn lao động.
Bên cạnh đó, công nghệ của các doanh nghiệp FDI hiện nay không hơn gì doanh nghiệp trong nước. Họ đưa máy mới nhưng công nghệ cũ, vẫn sử dụng lao động chân tay nhiều.
"Chúng tôi từng đấu thầu cho Samsung ở khu công nghệ cao. Chính người Hàn Quốc khuyên chúng tôi không nên tham gia vì khi Samsung sang đây thì gần 500 nhà công nghệ phụ trợ của họ sẽ đi theo, họ ưu tiên dùng hàng hóa của họ trước", ông Anh kể và cho rằng những công nghệ phụ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài phải có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, tích cực phân tích và có những đề xuất đến các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh, đảm bảo đời sống người dân trong tình hình mới.
Quy định về thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ảnh: THẢO LÊ
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng các quy định về thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp. Theo quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Tuy nhiên, hiện thống kê về CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân phải chi trả. Việc cập nhật, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động chưa kịp thời và chưa phù hợp.
Quy định cho giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng với người phụ thuộc là không đảm bảo cho nhiều gia đình. Hầu hết người làm công ăn lương đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân do chi phí sinh hoạt hiện nay đã vượt xa mức 11 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng đối với cá nhân kinh doanh cũng được cho là không hợp lý, trong khi mức giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 132 triệu đồng/năm.
Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng có nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi cá nhân có chi phí sinh hoạt lại không được khấu trừ, đó là điều bất hợp lý.
Do đó, cử tri đề nghị Luật thuế thu nhập cá nhân sắp sửa đổi nên xây dựng theo hướng cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng 5 - 10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét. Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc có mức chi tiêu để giảm trừ gia cảnh bằng 40 - 50% số lương của người nộp thuế hoặc quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng.
Các khoản chi phí phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày như tiền học cho con, khám bệnh, tiền lãi vay mua nhà, các khoản chi phí mà có hóa đơn, chừng từ hợp lý thì nên khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân giống như đang áp dụng với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận