14/06/2022 09:15 GMT+7

Xăng dầu ngóng giảm thuế

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tăng liên tiếp trong 6 kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh, tạo gánh nặng lên người dân và nền kinh tế trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao. Biện pháp nào để 'hãm' đà tăng của giá xăng dầu, giảm áp lực lạm phát?

Xăng dầu ngóng giảm thuế - Ảnh 1.

Nhân viên thay đổi giá tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, chiều 13-6- Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từ 15h chiều 13-6, theo thông báo của liên bộ Công thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít, không cao hơn 32.375 đồng/lít. 

Đặc biệt dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng/lít.

Nhiều áp lực với lạm phát

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 14 đợt, trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng giá xăng dầu. Giá xăng dầu trong nước trong 5 tháng đầu năm tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

"Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng. Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu cao còn tác động tới các ngành vận tải làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tác động tới hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó gây áp lực lạm phát trong thời gian tới", vị này nói.

Do vậy, theo vị này, tác động của giá xăng dầu khiến cho áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2022 là rất lớn, do tổng cầu tăng cao, cùng với áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, việc kiểm soát lạm phát năm nay theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không hề đơn giản.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng giá tăng mạnh trong khi chiết khấu liên tục duy trì mức thấp khiến doanh nghiệp liên tục thua lỗ. 

Ông Nguyễn Văn Tiu, tổng giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1, cho hay: "Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu ngày 13-6, chúng tôi mua dầu rất khó khăn, nên chỉ cầm cự được qua hôm nay là hết. 

Giá tăng cao khiến giá vốn tăng, chi phí đều tăng nhưng chiết khấu thấp, trong khi nhu cầu xăng dầu tăng cao, nên doanh nghiệp bán ra đều không có lợi nhuận. Nếu không tiếp tục có công cụ kiểm soát, kìm hãm đà tăng giá xăng dầu thì rất khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh".

Cần linh hoạt hơn trong chính sách thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng với dư địa quỹ bình ổn đang ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang âm quỹ, nên việc có các công cụ để có thể giảm giá xăng dầu là cần thiết, cũng như có lộ trình quản lý giá xăng dầu bền vững hơn, gắn với đảm bảo nguồn cung.

Với mức giảm thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đang được Bộ Tài chính đưa ra để sửa đổi từ 20% xuống còn 12%, theo ông Bảo, cần giảm mạnh hơn nữa, xuống mức 10% hoặc thậm chí là 8%. 

Bởi các thương nhân đầu mối chủ động nhập khẩu xăng dầu ở những nguồn có cạnh tranh trong ASEAN, với mức thuế chỉ 8%.

Trên thực tế, không doanh nghiệp nào nhập từ các nguồn theo thuế MFN, mà nhập từ ASEAN để hưởng mức thuế ưu đãi. Vì vậy việc giảm thuế cần có tính khả thi cao hơn, tạo ra dư địa để doanh nghiệp tăng thêm nguồn nhập khẩu, nhằm chủ động thêm nguồn cung ứng xăng dầu.

Ngoài ra các công cụ khác ngoài thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, các loại thuế như giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt... cơ quan quản lý cần chủ động kiến nghị, với lộ trình phù hợp. 

"Cần có sự linh hoạt trong trao quyền quyết định mức thuế ở thời gian nhất định, nhằm có cơ chế điều chỉnh thuế chủ động hơn trong bối cảnh giá xăng dầu biến động như hiện nay", ông Bảo nói.

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ đã có những giải pháp tích cực để kiềm chế tốc độ tăng giá của xăng dầu như sử dụng quỹ bình ổn, miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, siết chặt thị trường, chống tăng giá. 

Tuy nhiên giá xăng dầu chịu sự biến động theo giá thế giới nên trong ngắn hạn phải có những giải pháp tiếp theo.

"Cần đẩy mạnh quản lý xăng dầu nhập khẩu cho đến đầu ra, chống buôn lậu, nghiên cứu tiếp tục giảm các loại thuế trong xăng dầu nhằm kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá quá cao của mặt hàng này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân", vị này đề nghị.

Vận tải "than trời" với giá xăng tăng

Ngày 13-6, tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp do UBND tỉnh An Giang tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Xuân, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang, đã kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang có ý kiến đề nghị Chính phủ bỏ bớt thuế trong cấu thành giá xăng để giúp các doanh nghiệp vận tải có thể tồn tại trong "bão giá" hiện nay.

"Xăng dầu đã và đang tăng liên tục làm các doanh nghiệp vận tải sống "vật vờ". Nếu xăng tiếp tục tăng như hiện nay sẽ "bứt gân" của các doanh nghiệp vận tải.

Chúng tôi đề nghị tỉnh An Giang sớm kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để kéo giảm giá xăng xuống trong thời gian ngắn, để cứu các doanh nghiệp vận tải.

Vì bây giờ chúng tôi cố gắng gồng gánh vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa mà không thể tăng cước vận chuyển trong giai đoạn này được", ông Xuân nói.

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng kiến nghị giãn, giảm thuế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, bất cập của luật đầu tư, đất đai...

Ông Lê Văn Phước, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết sẽ giao Sở Công thương tổng hợp các ý kiến, đề xuất liên quan đến giá xăng dầu gửi về Bộ Công thương, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc hỗ trợ giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đã nêu, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn. (BỬU ĐẤU)

PGS.TS Trần Hoàng Ngân:

Cần tạm dừng thu thuế nhiên liệu

Trước cơn sốc giá xăng dầu, nhiều nước trên thế giới đã tạm ngừng thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu.

Ngay cả các quốc gia giàu có như các nước châu Âu hay một số bang ở Mỹ cũng đã tạm thời ngừng thu thuế trong khoảng thời gian ngắn để chờ qua đợt khủng hoảng nhiên liệu, khi giá dầu thô hạ nhiệt sẽ tái thu các loại thuế này hoặc họ có các chính sách hỗ trợ riêng nhằm kìm giá xăng dầu trong nước.

Trong đó những nước có lợi thế về khai thác dầu mỏ (trong đó có Việt Nam) cũng đã có những hỗ trợ để người dân trong nước có được giá xăng dầu thấp hơn so với các nước khác.

Nếu để giá xăng dầu tiếp tục tăng cao chót vót sẽ tăng lạm phát, gây thêm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vốn đã chịu tổn thương nặng nề sau 2 năm dịch.

Đặc biệt lạm phát sẽ khiến lãi suất tăng, các gói kích thích kinh tế, các chương trình đầu tư công không thể giải ngân vì giá nhiên vật liệu, vật tư tăng lên, phá vỡ các kế hoạch, buộc phải điều chỉnh dự toán.

Do đó, theo tôi, giải pháp hiện nay là vì mục tiêu lớn ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần đề xuất để Quốc hội quyết định tạm dừng thu thuế đối với xăng dầu, lồng ghép trong nghị quyết cuối kỳ họp này.

Dù việc tạm dừng thu thuế ảnh hưởng đến ngân sách nhưng nếu chúng ta chấp nhận giảm thu thuế nhiên liệu sẽ có điều kiện để tăng thu từ các nguồn khác. (NGỌC HIỂN ghi)

Sức ép từ giá xăng dầu lên nhiều loại hàng hóa, Phó thủ tướng họp khẩn bàn giải pháp Sức ép từ giá xăng dầu lên nhiều loại hàng hóa, Phó thủ tướng họp khẩn bàn giải pháp

TTO - Sức ép của giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… nên cần chủ động các giải pháp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp