27/01/2015 13:29 GMT+7

Xắn tay giải quyết nợ xấu ngân hàng

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Nợ xấu tiếp tục là tâm điểm xử lý của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 với mục tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới mức 3% so với hơn 5% của năm 2014.

Xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ khơi thông được nguồn vốn vào sản xuất. Trong ảnh: sản xuất bình xịt, bình tưới xuất khẩu tại Nhà máy nhựa Đức Đạt (Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Đây là thông điệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra vào ngày 26-1.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN thừa nhận đây là áp lực không nhỏ đối với cả hệ thống vì nợ xấu được áp theo chuẩn mới sẽ tăng rất cao.

Nhiều ngân hàng nhỏ có nợ xấu 2 con số!

Ông Tô Duy Lâm, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết nguyên nhân chính của tình trạng nợ xấu phát sinh và ở mức cao trong năm 2014 (5,3%) chủ yếu là do thực hiện thông tư 02 và thông tư 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Theo đó, việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Ngoài ra, việc đánh giá nợ xấu minh bạch hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng, nợ xấu tăng cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thanh - phó thống đốc NHNN - cho rằng con số hơn 5% nợ xấu chưa phản ánh đúng hết chất lượng thực trạng tín dụng.

“Đây là mức bình quân, nhiều tổ chức tín dụng lớn nợ xấu chỉ hơn 1%, còn nhiều tổ chức tín dụng nhỏ có số nợ xấu trên hai con số. Theo ước tính của tôi, phải ít nhất trên 100 trong hơn 200 tổ chức tín dụng trên địa bàn TP có nợ xấu hai con số” - ông Thanh nói.

“Nghẽn” tài sản thế chấp

Cũng tại hội nghị, các ngân hàng thừa nhận vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ, do nhiều khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ỳ.

Chưa kể thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí của ngân hàng để thu hồi nợ.

Theo ông Đỗ Minh Toàn - tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu, UBND TP.HCM cần chủ trì tổ chức cuộc họp về công tác xử lý nợ có sự tham gia của các ngân hàng và cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là trong việc thi hành án vì hiện nay nhiều hồ sơ vướng mắc chưa xử lý được.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các dự án bất động sản trên địa bàn cũng cần được thực hiện lại.

Thực tế, nhiều dự án cũ, lạc hậu nên trong quá trình thẩm định điều chỉnh giá giảm so với trước đây ảnh hưởng công tác phát triển tín dụng.

Theo ông Tô Duy Lâm, dù nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo khả năng xử lý, đặc biệt là nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, nhưng nợ xấu phát sinh và tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và nền kinh tế.

Ngoài ra, nợ xấu còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, của doanh nghiệp và đến quá trình tuần hoàn, luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế.

“Mục tiêu tăng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM là 13% năm 2015, tiền gửi tăng 12% và nợ xấu dưới 3%. Vấn đề cho vay ra phải đảm bảo không tăng nợ xấu khiến các ngân hàng rất lo lắng, bởi việc xử lý nợ xấu quá phức tạp.

Nợ xấu cao ảnh hưởng tới việc cho vay vào năm 2015, vì theo chỉ đạo của thống đốc, các ngân hàng cho vay ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động, không tăng nợ xấu” -  ông Lâm nói.

Sẽ hoàn tất sáp nhập trước tháng 6-2015

Ông Nguyễn Văn Dũng - cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM - cho biết đến nay NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 của 12/14 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM.

Về phía chi nhánh, cũng đã phê duyệt 18/19 chi nhánh của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Theo ông Dũng, quá trình tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng về cơ bản đi đúng định hướng mục tiêu, lộ trình, đảm bảo được thanh khoản hệ thống, không xảy ra đổ vỡ.

Trong quá trình này, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, tất cả phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.

Ông Tô Duy Lâm cho biết dự kiến trước tháng 6-2015 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trên địa bàn trong năm 2015. Kế hoạch cụ thể vẫn chưa được lãnh đạo NHNN công bố nhưng dự kiến sẽ có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định năm 2015 ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có cuộc tái cấu trúc lần hai, chủ trương là gom ngân hàng lại để tạo thành những ngân hàng có quy mô lớn, đạt chuẩn quốc tế.

Trước đó, theo thông tin bên lề, mục tiêu đặt ra cho năm 2015 của NHNN là giảm 5-7 ngân hàng. Trong đó, một số thương vụ sáp nhập, hợp nhất bắt đầu ló dạng.

Bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng cơ cấu lại ngân hàng chưa thấy có luồng gió mới để thay đổi bức tranh toàn diện. Vì vậy trong thời gian tới, khi tiến hành cơ cấu ngân hàng, lãnh đạo NHNN sẽ quan tâm đến vấn đề này, để cơ cấu càng vững mạnh, tăng sự minh bạch, hiệu quả của các tổ chức tín dụng.

Sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn

Chiều 26-1, tại chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đại diện UBND TP.HCM kiến nghị NHNN cần có những điều chỉnh phù hợp để giảm lãi suất trung và dài hạn.

Theo đó, việc điều chỉnh lãi suất trung và dài hạn sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2014, chương trình đã cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 40.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với 13.500 tỉ đồng của năm 2013.

Định hướng trong năm 2015 là ký kết cho vay với số tiền 60.000 tỉ đồng, trong đó tiếp tục tập trung vào các gói vay trung và dài hạn.

 

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp