Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, trong tháng 3-2017, độ mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cách cửa sông từ 25 km đến 35 km. Riêng vùng cách cửa sông từ 35 km đến 45 km, mặn 4‰ xuất hiện lúc triều cường. Tháng 5, nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông còn cao hơn và có khả năng kéo dài đến tháng 6.
Theo Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn sông Mê Kông và có tổng diện tích khoảng 4 triệu ha. Phần lớn diện tích đất tự nhiên đều cao hơn mực nước biển khoảng 1 m với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt nhưng thiếu công trình kiểm soát mực nước cũng như trữ nước.
Chính vì vậy, phần lớn lượng dòng chảy vào mùa khô (khoảng từ 40 tỉ đến 50 tỉ m3) đều đổ ra biển, trong khi lượng nước lấy được để phục vụ sản xuất và sinh hoạt chiếm tỉ lệ nhỏ. Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên thiếu hụt nên xâm nhập mặn tăng cao và thiếu nước phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Để ứng phó với tình trạng này, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, khẩn trương tiến hành khảo sát thiết kế và xây dựng một số cống ngăn mặn có khẩu độ lớn từ 20 - 30m ở các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, nhằm khép kín hệ thống cống ngăn mặn ở một số tỉnh, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Cùng với biện pháp công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Nam Bộ đã phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long triển khai các biện pháp phi công trình, như: tăng cường công tác dự báo cảnh báo hạn hán xâm nhập mặn, tổ chức các lớp tuyên truyền hướng dẫn người dân các kiến thức chống hạn chống xâm nhập mặn để đảm bảo sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận