Phóng to |
Hát xẩm - một trong những nội dung được đưa vào đào tạo và cấp bằng đại học - Ảnh: Trung Giang |
Đợt tuyển sinh đầu tiên bắt đầu từ ngày 9 đến 11-7 tại Học viện âm nhạc Huế với 20 chỉ tiêu trong năm học 2011- 2012. Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam (gọi tắt là trung tâm) được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên môn cho các ngành học này trên cơ sở phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế.
Giáo sư Phạm Minh Khang - giám đốc trung tâm - nói: “Từ xưa đến nay, tại các học viện âm nhạc ở Việt Nam chỉ có khoa đào tạo âm nhạc truyền thống chứ chưa hề có các lớp đào tạo chính quy về những hình thức dân ca nhạc cổ như ca trù, hát văn, hát xẩm...”.
Phóng to |
Giáo sư Phạm Minh Khang - Ảnh: H.Điệp |
- Chức năng của Học viện Âm nhạc Huế là đào tạo âm nhạc di sản và dân tộc nhạc học. Vừa qua, họ cũng đã đào tạo về cồng chiêng Tây nguyên và nhã nhạc cung đình. Đào tạo những môn học trên là nền tảng để sinh viên có thể đi vào nghiên cứu dân tộc nhạc học.
Để phát huy hiệu quả của những môn học âm nhạc dân gian Bắc bộ, Học viện Âm nhạc Huế cũng đã kết hợp với trung tâm đào tạo bậc đại học cho đàn và ca dân gian.
Lâu nay, tại các trường đào tạo về âm nhạc, sinh viên cũng được học các nhạc cụ dân tộc và được nghe nói qua về âm nhạc dân gian nhưng để được đào tạo như một môn, một ngành học thì chưa ở đâu làm cả. Mục đích đào tạo của chúng tôi là không chỉ đào tạo ra các nghệ sĩ nắm được lý luận mà còn đào tạo nên các nhà nghiên cứu môn dân tộc nhạc học nắm được thực tiễn.
* Tại sao trung tâm không liên kết với Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam?
- Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện đã có khoa âm nhạc truyền thống đào tạo cách chơi các nhạc cụ dân tộc và các môn lý thuyết, còn chúng tôi có nhu cầu dạy các sinh viên tự đàn, tự ca và hòa tấu. Có nghĩa là các em phải học những bộ môn lý luận khác như lịch sử âm nhạc, xướng âm, âm nhạc dân gian, âm nhạc thế giới... và phần chuyên môn sẽ là học hát. Ví dụ, học hát văn thì phải biết đánh đàn nguyệt, học hát ca trù thì phải biết gõ phách... Trước đây, các nghệ nhân truyền dạy nhau theo cách truyền nghề chứ không phải đào tạo nên một người có tri thức âm nhạc đầy đủ, toàn diện.
* Tại sao trung tâm lại nghĩ đến việc phối hợp đào tạo âm nhạc dân gian trong khi việc giữ gìn các môn nghệ thuật này ngay tại địa phương cũng rất khó khăn và Nhà nước cũng chưa có chính sách đãi ngộ gì?
- Việc bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền hiện nay đang mai một và có nhiều nơi đào tạo cải biên làm méo mó nên chúng tôi muốn bảo tồn một cách đích thực, đúng với nguyên bản. Một lý do khác nữa là chúng tôi làm việc này không phải vì tiền mà vì văn hóa cổ truyền. Nếu không ai làm, các vốn văn hóa dân tộc sẽ bị mất đi.
* Sau sáu năm thành lập trung tâm, tổ chức đào tạo và biểu diễn miễn phí âm nhạc dân tộc, ông có nhận thấy sự thay đổi gì về nhận thức của một số bộ phận công chúng đối với các loại hình âm nhạc dân gian?
- Qua quá trình trung tâm dạy miễn phí và biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội trước chợ Đồng Xuân, tôi thấy rất nhiều người trẻ yêu thích âm nhạc truyền thống, dù khi mới thành lập, chúng tôi hướng đến lớp công chúng lớn tuổi. Chúng tôi đã và đang tiến hành biểu diễn thêm mỗi tuần ba buổi tại các địa điểm khác: đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) và đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), nâng số buổi biểu diễn của trung tâm hằng tuần lên 4 buổi/tuần. Tại tất cả các địa điểm chúng tôi đều biểu diễn miễn phí, không chỉ quảng bá cho nghệ thuật truyền thống mà còn để quảng bá cho các di tích này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận